Nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát trong lãnh đạo

Thứ năm, 19/01/2023 15:37
(ThanhtraVietNam) - Kiểm tra là hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước cấp trên với cơ quan nhà nước cấp dưới (trong mối quan hệ trực thuộc) nhằm xem xét, đánh giá mọi mặt hoạt động của cấp dưới khi thấy cần thiết hoặc trong trường hợp cần kiểm tra một vấn đề cụ thể nào đó. Vì vậy, khi tiến hành kiểm tra, cơ quan cấp trên hoặc thủ trưởng cơ quan có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế kỷ luật, biện pháp bồi thường thiệt hại vật chất hoặc áp dụng các biện pháp tác động tích cực với đối tượng bị kiểm tra như động viên khen thưởng về vật chất hoặc tinh thần.

Bên cạnh đó, kiểm tra là hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội như kiểm tra của Đảng, kiểm tra, giám sát của các tổ chức xã hội đối với hoạt động hành chính nhà nước. Hoạt động kiểm tra này ít mang tính quyền lực nhà nước và không trực tiếp áp dụng các biện pháp cưỡng chế mà chỉ áp dụng các biện pháp tác động mang tính xã hội.

leftcenterrightdel
 Ông Vũ Văn Chiến, Thanh tra viên cao cấp, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài ngành. Ảnh: V. Tuấn

Giám sát là khái niệm dùng để chỉ hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước (Quốc hội, Hội đồng Nhân dân), các cơ quan tư pháp, các tổ chức xã hội và mọi công dân nhằm đảm bảo sự tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội. Như vậy, hoạt động giám sát chủ yếu được thực hiện ngoài quan hệ trực thuộc theo chiều dọc. Khái niệm “thanh tra” thường xuyên được sử dụng trong hoạt động của cơ quan hành chính. Thanh tra bao hàm trong đó nghĩa kiểm soát nhằm xem xét và phát hiện, ngăn chặn những gì trái với qui định. Ngoài ra, thanh tra còn được hiểu là sự xem xét, kiểm soát, kiểm tra thường xuyên, định kỳ nhằm rút ra những nhận xét, kết luận cần thiết để kiến nghị với các cơ quan nhà nước khắc phục những nhược điểm, phát huy ưu điểm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Kiểm tra, giám sát là các phương thức kiểm soát đối với hoạt động hành chính nhà nước có đối tượng tác động rất lớn, trong đó hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước là nhóm đối tượng chủ yếu. Bởi hệ thống cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền rộng, tác động có tính quyền lực đến nhiều mặt đời sống chung của nhà nước và xã hội, hoạt động liên tục, tồn tại theo thứ bậc và tương đối ổn định (đó là quyền lực pháp lý, chính thống hiện diện hàng ngày trước xã hội); cho nên để bảo đảm tính hợp pháp và hợp lý trong hoạt động hành chính, cần phải có cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm tra, giám sát

Kiểm tra, giám sát là một bộ phận hợp thành của quản lý nhà nước, do đó, hoạt động này một mặt, phải tuân thủ các nguyên tắc chung của hoạt động quản lý; mặt khác, phải tuân theo các nguyên tắc đặc thù của loại hình hoạt động. Các nguyên tắc chung phải kể đến là: Nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với hoạt động kiểm tra, giám sát; nguyên tắc tập trung dân chủ; nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa. Các nguyên tắc đặc thù là: Nguyên tắc chính xác, khách quan; nguyên tắc công khai, minh bạch; nguyên tắc đúng pháp luật.   

Mục đích cuối cùng của hoạt động giám sát là nhằm khắc phục những yếu kém, sai phạm, thiếu sót trong quản lý để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Vì vậy, sau khi đã có kết quả giám sát, trong đó có việc xác định nguyên nhân của những sai phạm, thiếu sót, yếu kém và thủ trưởng cơ quan đã có các biện pháp xử lý, giải quyết, cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện kết quả giám sát. Nếu không thực hiện tốt bước này thì việc giám sát có thể sẽ chỉ là nửa vời, hiệu quả không đạt được. Cần đánh giá việc thực hiện kết quả giám sát của đối tượng giám sát để báo cáo cho các ban, ngành liên quan biết.

Để nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát trong lãnh đạo, cần tăng cường công tác hoàn thiện pháp luật, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của công chức thực hiện kiểm tra, giám sát; nâng cao đạo đức và trách nhiệm công vụ của công chức thực hiện giám sát, kiểm tra; đổi mới tổ chức và hoạt động giám sát, kiểm tra; đồng thời phải thi hành triệt để và nghiêm minh những kết luận, kiến nghị giám sát, kiểm tra.

Có thể nói, kiểm tra, giám sát trong lãnh đạo có vai trò hết sức quan trọng đối với đội ngũ những người cán bộ lãnh đạo. Bồi dưỡng, học tập, rèn luyện nhằm nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ kiểm tra là yêu cầu cần thiết và cấp thiết đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở nước ta nhằm đạt được những mục tiêu chiến lược đã đề ra trong xu hướng biến đổi chung của toàn thế giới, đảm bảo cho đất nước với những bước phát triển bền vững, khẳng định được vị trí, vai trò của mình trên trường quốc tế. Có kiểm tra, giám sát sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, sớm phát hiện được các tín hiệu của sự thay đổi, của cái mới, của bước ngoặt, kịp thời phát hiện cái mới đúng đắn để định hướng cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của mình; dự báo được các tình huống có thể xảy ra; trên cơ sở đó chủ động đề ra các phương án dự phòng, khắc phục tầm nhìn hạn hẹp./.

Tài liệu tham khảo:

1. Học viện Hành chính Quốc gia. Kỹ năng giám sát, kiểm tra trong hành chính, 2006;

2. Luật Thanh tra năm 2010;

3. Nguyễn Thị Mai Dung - Nguyễn Thị Huệ.  Pháp luật về giám sát hoạt động chấp hành ngân sách nhà nước. Tạp chí Quản lý nhà nước số 297, (tháng 10/2020);

4. Vũ Chí Cương. Vai trò của thanh tra xây dựng trong hoạt động phòng, chống tham nhũng. Tạp chí Quản lý nhà nước số 297, (tháng 10/2020);

5. Lê Thị Tươi. Nâng cao hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại kỳ họp định kỳ Hội đồng nhân dân. Tạp chí Quản lý nhà nước số 286, (tháng 11/2020).

ThS. Giảng viên Đào Minh Tuấn,
ThS. Giảng viên Nguyễn Minh Đức
Trường Cán bộ quản lý giao thông vận tải
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra