Xây dựng lối sống, nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện là một trong những chủ trương luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đại hội Đảng lần thứ XII xác định: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để xây dựng con người Việt Nam đẹp về nhân cách, đạo đức, tâm hồn; cao về trí tuệ, năng lực, kỹ năng sáng tạo; khỏe về thể chất; nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật”(*). Chính vì vậy, cùng với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, việc nghiên cứu, tìm hiểu về giáo dục nâng cao ý thức pháp luật từ đó xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật của nhân dân là vấn đề có ý nghĩa quan trọng.
Ý thức pháp luật trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN đã được đặt thành nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta, được ghi nhận tại Hiến pháp 2013 và nhiều văn kiện của Đảng. Điều 8 Hiến pháp 2013 đã quy định: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật…”. Đối với mọi công dân với tính chất là thành viên của cộng đồng xã hội, nhà nước pháp quyền XHCN đòi hỏi sự ứng xử của người dân và hành vi của họ phải trong khuôn khổ pháp luật. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi nhà nước phải có một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện để điều chỉnh có hiệu quả các quan hệ xã hội; đòi hỏi sự tuân thủ pháp luật nghiêm minh của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân; yêu cầu phải bảo vệ nghiêm ngặt pháp luật, kiên quyết đấu tranh chống mọi hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân đã được pháp luật quy định.
Trong một nhà nước pháp quyền XHCN, ý thức pháp luật đóng vai trò quan trọng. Ý thức pháp luật là tổng thể những học thuyết, tư tưởng, quan điểm, quan niệm thịnh hành trong xã hội, thể hiện mối quan hệ của con người đối với pháp luật hiện hành, pháp luật đã qua và pháp luật cần phải có, thể hiện sự đánh giá về tính hợp pháp hay không hợp pháp trong hành vi xử sự của con người, cũng như trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội.
Ý thức pháp luật là điều kiện trước tiên để nhà nước thực hiện được vai trò quản lý đối với mọi hoạt động xã hội. Hoạt động quản lý của nhà nước thể hiện trên ba khía cạnh cơ bản, đó là xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật. Cả ba hoạt động này không thể tiến hành có hiệu quả nếu các chủ thể xã hội không có ý thức pháp luật hoặc ý thức pháp luật không cao. Ý thức pháp luật góp phần quan trọng vào việc duy trì trật tự, kỷ cương của nhà nước và xã hội. Các chủ thể trong xã hội có ý thức pháp luật sẽ đảm bảo việc thực hiện các quy định pháp luật của nhà nước một cách nghiêm minh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Ý thức pháp luật còn góp phần bảo đảm quá trình thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của nhà nước; ý thức pháp luật đảm bảo thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân.
Cần nâng cao ý thức pháp luật nhằm xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật của nhân dân trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
Nhà nước pháp quyền XHCN mà Đảng và Nhà nước ta đang xây dựng là nhà nước được xây dựng và hoạt động trên cơ sở pháp luật, là nhà nước trong đó pháp luật được đặt lên hàng đầu, mọi quan hệ xã hội đều phải được điều chỉnh bằng pháp luật. Điều đó có nghĩa các chủ thể trong xã hội đều cần phải coi pháp luật là thước đo hành vi xử sự, là tiêu chí đánh giá hành vi của con người, muốn vậy cần phải có ý thức pháp luật, cần phải có sự hiểu biết nhất định về pháp luật, có tình cảm đối với pháp luật, từ đó mới có xử sự hợp lý khi tham gia các quan hệ xã hội. Một nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật đòi hỏi mọi thành viên xã hội đều phải tuân thủ pháp luật trong mọi hành vi của mình. Như vậy, không thể nói nhà nước pháp quyền nếu không chú ý đến việc nâng cao ý thức pháp luật cho mọi thành viên xã hội trong nhà nước đó.
Một số biện pháp nâng cao ý thức pháp luật nhằm xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật trong nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay
Việc nâng cao ý thức pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật là một công việc quan trọng, vừa có tính cấp thiết, vừa là công việc có tầm chiến lược lâu dài. Điều đó xuất phát từ tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ hội nhập, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, của yêu cầu phát huy hơn nữa vai trò của ý thức pháp luật trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay. Để nâng cao ý thức pháp luật trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:
Trước hết, phải chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, làm cơ sở cho mọi hoạt động xã hội.
Pháp luật có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, được coi là phương tiện cơ bản để nhà nước quản lý xã hội, là nhân tố điều chỉnh các quá trình xã hội. Nói đến một nhà nước pháp quyền là phải nói đến một nhà nước có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, đủ để điều chỉnh mọi quan hệ xã hội, là cơ sở cho mọi hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và công dân. Trong những năm qua, nhà nước ta cũng đã rất quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật và có nhiều hoạt động tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật, bằng chứng là rất nhiều văn bản pháp luật mới, có chất lượng ra đời, tạo hành lang pháp lý cho các quan hệ xã hội vận động và phát triển. Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng, quản lý đất nước, hệ thống pháp luật nước ta còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết nhất định, chưa đáp ứng các yêu cầu của một hệ thống pháp luật hoàn thiện như tính toàn diện, tính đồng bộ, tính phù hợp và các tiêu chuẩn về kỹ thuật pháp lý. Còn có những lĩnh vực của đời sống xã hội chưa được luật hoá, nhiều quan hệ xã hội mới chỉ được điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật, do vậy hiệu quả điều chỉnh không cao. Hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành còn bộc lộ sự mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đảm bảo tính thống nhất hài hoà, sự mâu thuẫn giữa các văn bản luật với nhau, giữa văn bản luật và văn bản dưới luật, các văn bản dưới luật với nhau còn khá phổ biến. Đây là hạn chế lớn nhất của hệ thống pháp luật nước ta, điều đó gây khó khăn rất nhiều cho công tác tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật.
Trong điều kiện hiện nay, để có được một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong nhà nước pháp quyền cần chú ý một số công việc cụ thể như: (1) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học pháp lý để cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng chiến lược pháp luật, các chương trình, kế hoạch xây dựng và hoàn thiện pháp luật; (2) Xây dựng chiến lược phát triển pháp luật gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; (3) Có những biện pháp để nâng cao năng lực lập pháp của Quốc hội với tư cách là cơ quan có chức năng chuyên làm luật; (4) Tăng cường sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với công tác xây dựng các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; (5) Nâng cao chất lượng, năng lực của các cơ quan pháp chế bộ, ngành trong việc ban hành văn bản pháp quy; (7) Nhà nước cần thường xuyên tổ chức công tác rà soát, hệ thống hoá pháp luật và tổng kết kinh nghiệm xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân.
Để nâng cao ý thức pháp luật, chú trọng xây dựng một hệ thống pháp luật thôi chưa đủ, bên cạnh đó còn cần phải không ngừng bồi dưỡng, giáo dục nhằm nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ và nhân dân. Bồi dưỡng, giáo dục pháp luật là sự tác động một cách có hệ thống, thường xuyên tới nhận thức của con người nhằm trang bị cho mỗi người một trình độ kiến thức pháp lý nhất định để từ đó có ý thức đúng đắn về pháp luật, tôn trọng và tự giác xử sự theo yêu cầu của pháp luật. Để công tác giáo dục nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân đạt hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp cơ bản sau:
(1) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích pháp luật để nhân dân hiểu đầy đủ nội dung của các văn bản pháp luật được ban hành trong từng giai đoạn. Các hình thức thông tin cần được cải tiến cho phù hợp với mỗi nhóm đối tượng trong xã hội để đạt hiệu quả cao nhất. Để thực hiện tốt công tác này, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và đoàn thể quần chúng để có những hình thức và phương pháp thích hợp, mở rộng tính dân chủ công khai bảo đảm quyền được thông tin của nhân dân.
(2) Đưa việc giảng dạy pháp luật vào hệ thống các trường của Đảng và Nhà nước. Công tác giảng dạy pháp luật cần được tổ chức sâu rộng, cho mọi đối tượng, từ các trường phổ thông, trưng học đến đại học và bồi dưỡng ở mọi ngành nghề, lĩnh vực. Để công tác giảng dạy pháp luật đạt hiệu quả, cần xây dựng chương trình, nội dung, giáo trình phù hợp cho từng loại đối tượng theo từng cấp học khác nhau.
(3) Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp lý có năng lực và trình độ, có phẩm chất chính trị và phong cách làm việc tốt để bố trí vào các cơ quan làm công tác pháp luật, pháp chế. Hoạt động của đội ngũ cán bộ pháp lý này sẽ góp phần nâng cao vai trò của pháp luật, củng cố pháp chế XHCN, góp phần giáo dục nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân.
(4) Mở rộng dân chủ, công khai tạo điều kiện cho nhân dân tham gia một cách tích cực vào việc soạn thảo, thảo luận đóng góp ý kiến về các dự án pháp luật thông qua đó nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân.
(5) Thực hiện kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, văn hoá, nâng cao trình độ chung của nhân dân. Đạo đức và văn hoá là những yếu tố quan trọng để tạo ra ý thức pháp luật đúng đắn, đồng thời giữa đạo đức, văn hoá và pháp luật XHCN có quan hệ mật thiết với nhau. Vì vậy, để giáo dục pháp luật đạt kết quả, cần kết hợp với giáo dục đạo đức và giáo dục nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân.
Tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật hiệu quả trong nhân dân
Công tác xây dựng, tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật là ba hoạt động cơ bản của nhà nước nhằm đảm bảo sự tác động, điều chỉnh có hiệu quả của pháp luật và sự phát triển năng động, có định hướng của các quan hệ xã hội. Các hoạt động này đòi hỏi các chủ thể thực hiện chúng đều phải có trình độ nhận thức và ý thức pháp luật nhất định. Công tác xây dựng pháp luật chủ yếu tập trung vào một số cơ quan và một số bộ phận cán bộ nhất định có chức năng chuyên làm công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, nhân dân cũng tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật bằng nhiều hoạt động nhất định như thảo luận đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn bản pháp luật, qua đó nâng cao trình độ nhận thức và ý thức pháp luật của mình.
Bên cạnh việc ban hành văn bản pháp luật, việc tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật đó, đưa các văn bản đó vào cuộc sống, làm cho chúng phát huy được vai trò điều chỉnh, tác động vào các quan hệ xã hội cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Do vậy, để nâng cao ý thức pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN, cần tổ chức cho nhân dân thực hiện nghiêm chỉnh các văn bản pháp luật của nhà nước, thông qua quá trình tổ chức thực hiện pháp luật, nhân dân sẽ được trang bị thêm kiến thức pháp luật và ý thức tôn trọng thực hiện pháp luật. Đối với hoạt động áp dụng pháp luật, đây là hình thức nhà nước thông qua các cơ quan và người có thẩm quyền tổ chức cho các chủ thể khác thực hiện pháp luật. Áp dụng pháp luật được tiến hành khi có những chủ thể không muốn hoặc không đủ khả năng thực hiện pháp luật nếu thiếu sự tham gia của cơ quan nhà nước hoặc cán bộ có thẩm quyền. Áp dụng pháp luật là một trong những hình thức thực hiện chức năng của nhà nước, do vậy phải đảm bảo tính sáng tạo, tính tổ chức cao và chặt chẽ. Về nguyên tắc, hoạt động áp dụng pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, tuy nhiên hoạt động này sẽ đạt hiệu quả cao hơn nếu có sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân. Hoạt động của các cơ quan tư pháp trong quá trình tiến hành tố tụng để xét xử các hành vi vi phạm pháp luật sẽ tác động đến nhận thức của các đối tượng trong nhân dân, từ đó có tác dụng giáo dục đối với nhân dân, khiến nhân dân có ý thức tuân thủ pháp luật cao hơn.
Có thể khẳng định, nâng cao ý thức pháp luật, qua đó xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật là yêu cầu quan trọng và cấp thiết trong công cuộc xây dựng và quản lý đất nước hiện nay. Công việc này đòi hỏi phải có những đổi mới sâu sắc về nhận thức và thực hiện nhiều giải pháp trên nhiều lĩnh vực, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và mọi cán bộ, nhân dân. Thực hiện đồng bộ một số giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao dân trí pháp lý, xây dựng ý thức tôn trọng thực hiện pháp luật, đảm bảo cho vai trò quản lý xã hội bằng pháp luật của nhà nước. Đó cũng chính là mục tiêu, là nội dung quan trọng của sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay./.
TS. GVCC Vũ Thị Hoài Phương
Học viện Chính trị Khu vực I
Chú thích:
(*) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thức XII. Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật. Hn 2016, tr29