Sự chuyển biến trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Trên cơ sở Quyết định số 1849 của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu xây dựng, ban hành Kế hoạch chỉ đạo, giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, bao gồm: Kế hoạch số 02/KH-TCT ngày 18/01/2019; Quy chế làm việc của Tổ công tác; Quyết định thành viên Tổ công tác (Quyết định số 25/QĐ-TCT ngày 20/02/2019).
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Điều 3, Quyết định 1849, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập tổ giúp việc cho Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 101/QĐ-TTCP ngày 26/2/2019), đồng thời xây dựng và ban hành Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 về kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài nhằm hướng dẫn các địa phương triển khai: Thành lập tổ công tác do lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố làm Tổ trưởng, thành viên nòng cốt là Chánh Thanh tra, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Công an, Trưởng Ban Tiếp công dân; ban hành kế hoạch, xác định tiêu chí và lập danh sách vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; trình tự kiểm tra, rà soát và các phương án giải quyết nhằm chấm dứt khiếu nại.
Theo Báo cáo số 29/BC-TTCP ngày 07/1/2020 của Thanh tra Chính phủ về kết quả thực hiện của Tổ công tác theo Quyết định số 1849 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ, đến nay, Tổ công tác đã trực tiếp làm việc tại 08 địa phương: Hà Nội, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Hưng Yên, Hải Dương. Dự kiến thời gian tới, Tổ công tác sẽ tiếp tục làm việc tại các địa phương: Hà Tĩnh, Bình Định, Kiên Giang và thành phố Hồ Chí Minh.
Trong thời gian triển khai nhiệm vụ, Tỉnh/Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố đã dành nhiều sự quan tâm tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các cấp chính quyền đã nghiêm túc quán triệt, tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. UBND các tỉnh đã triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tiếp công dân năm 2013, Luật Tố cáo năm 2018; đồng thời xác định công tác giải quyết khiếu nại của công dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành. Đối với một số vụ việc phức tạp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đối thoại với công dân, có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Trong năm 2019, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân các địa phương diễn ra tại Thủ đô Hà Nội so với cùng kỳ năm 2018 tăng 9,2% số lượt người (16.928/14.925), giảm 21,27% số vụ việc (3.257/3.950) và tăng 10,13% số lượt đoàn đông người (435/395). Mặc dù số lượt đoàn đông người tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng tính chất gay gắt và bức xúc đã giảm nhiều; một số đoàn công dân khiếu kiện đông người thuộc các địa phương nằm trong danh sách kiểm tra của Tổ công tác theo Quyết định số 1849 trong thời gian qua đã ít kéo tới các cơ quan Trung ương hoặc có tới Thủ đô để khiếu kiện nhưng không lưu trú dài ngày, không diễu hành trên các tuyến phố, không đến nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đó là công dân của các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh (đoàn công dân khiếu kiện quận 12), Tiền Giang, Hải Dương, Long An, Đồng Nai, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Lạng Sơn, Đắk Lắk.
Thực hiện Quyết định số 1849 và Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ, UBND các tỉnh đã xây dựng, ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện, thành lập Tổ công tác để rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc gửi báo cáo phục vụ việc kiểm tra theo yêu cầu của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ còn chậm.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế ở các địa phương trong Báo cáo 29/BC-TTCP như: Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền một số địa phương có lúc, có nơi chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân; việc tiếp công dân, tổ chức đối thoại với người khiếu nại, tố cáo đôi lúc còn mang tính hình thức, chưa thực sự cầu thị, lắng nghe, tìm hiểu nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo để có biện pháp giải quyết dứt điếm; còn có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến người dân bức xúc, khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp; chưa chủ động phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan ở Trung ương trong việc tiếp dân, vận động đưa công dân trở về địa phương để giải quyết theo thẩm quyền, đặc biệt là trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, cũng như trong các dịp lễ, tết...
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị
Tại Hội nghị về giải quyết khiếu nại, tố cáo diễn ra ngày 19/5/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá: “Tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp, còn tồn đọng nhiều vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng chưa dứt điểm”. Trên cơ sở đó, ngày 27/12/2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1849/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ công tác chỉ đạo giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, kéo dài do đồng chí Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Tổ trưởng. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có những chuyển biến tích cực, góp phần giảm bớt tình trạng gay gắt, bức xúc của công dân khiếu nại, tố cáo tại các địa phương.
Cụ thể, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Các địa phương đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện việc kiểm tra, rà soát; lập danh sách các vụ việc cần kiểm tra, rà soát; tập trung tìm kiếm biện pháp nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc; chủ động, báo cáo, đề xuất với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biện pháp giải quyết đối với các nội dung vượt quá thẩm quyền của địa phương.
Để không gây ra sự xáo trộn tại địa phương nên chương trình làm việc của Tổ công tác không được công bố rộng rãi nhưng bằng nhiều kênh thông tin khác nhau, các buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại địa phương đã được người dân khiếu nại, tố cáo biết đến và tạo ra tâm lý phấn khởi, kỳ vọng của nhân dân, đồng thời cũng là cơ hội để công dân bày tỏ mong muốn đồng chí Phó Thủ tướng thường trực có những chỉ đạo để giải quyết dứt điểm.
Tăng cường đối thoại, tiếp công dân ngay tại cơ sở
Kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ cho thấy:
Về cơ bản các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có sự quan tâm, tập trung chỉ đạo việc thực hiện kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn chậm hoặc trong quá trình triển khai chưa đảm bảo đáp ứng mục đích, yêu cầu và các tiêu chí đã đề ra theo Kế hoạch số 363/KH-TTCP.
Cùng với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Thanh tra Chính phủ đã chủ động ban hành Kế hoạch số 1248/KH-TTCP ngày 26/7/2019 về phối hợp tổ chức tiếp công dân phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đến nay, đã có trên 20 địa phương xây dựng kế hoạch triển khai, điều đó cho thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả của công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Qua quá trình triển khai việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, kéo dài và Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số địa phương vẫn chưa tập trung cao độ trong việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như của Tổ công tác nên kết quả đạt được còn hạn chế.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lãnh đạo cấp ủy, chính quyền phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị và Luật Tiếp công dân năm 2013; tăng cường đối thoại, tiếp công dân ngay tại cơ sở, tập trung giải quyết dứt điểm, kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ khi mới phát sinh. Khi có công dân tập trung khiếu kiện đông người ở các cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải chủ động chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng của Trung ương và thành phố Hà Nội để tổ chức tiếp công dân, có biện pháp hữu hiệu đưa công dân trở về địa phương giải quyết, không để diễn ra tình trạng công dân tụ tập, khiếu kiện đông người tại Thủ đô Hà Nội, nhất là vào các thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và các ngày lễ, tết.
Mặt khác, thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; thực hiện nghiêm túc, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến của các bộ, ngành chức năng của Trung ương và các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
“Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải triển khai và nghiêm túc thực hiện Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ; thường xuyên có báo cáo cập nhật tình hình, kết quả thực hiện đồng thời chủ động tìm kiếm biện pháp nhằm giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài”, Thanh tra Chính phủ đề xuất.
Ngoài ra, riêng đối với các vụ việc Tổ công tác đã kiểm tra, Tổ trưởng tổ công tác đã có Thông báo Kết luận, đề nghị giao Thanh tra Chính phủ thông báo nội dung đến công dân được biết khi công dân tới Trụ sở Tiếp công dân Trung ương để khiếu nại, tố cáo./.
Lam Anh