Phòng ngừa có hiệu quả tội phạm tham ô tài sản trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế nông thôn ở các tỉnh Trung du Bắc Bộ

Thứ tư, 07/06/2023 16:00
(ThanhtraVietNam) - Thực trạng xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn ở các tỉnh Trung du Bắc Bộ thời gian qua cho thấy, hệ thống các công trình, dự án được triển khai rất đa dạng. Việc triển khai nhiều chương trình, đề án phát triển kinh tế nông thôn trên diện rộng trong thời gian ngắn tạo ra một số bất cập. Trong đó, việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động đấu thầu, phê duyệt dự án, hoạt động thu chi của các cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn. Đây là điều kiện thuận lợi để hành vi tham ô tài sản trong các chương trình phát triển kinh tế nông thôn được thực hiện. Từ đó cũng gây ra những khó khăn, thử thách nhất định đối với lực lượng Công an các tỉnh Trung du Bắc Bộ trong công tác phòng ngừa.

Theo thống kê cho thấy, từ năm 2011 đến hết năm 2022, lực lượng Công an các tỉnh Trung du Bắc Bộ đã phát hiện, điều tra hơn 80 vụ phạm tội với hơn 140 đối tượng tham ô tài sản trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế nông thôn, thiệt hại hơn 180 tỷ đồng. Tính chất tội phạm này ngày càng nghiêm trọng, với thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng phạm tội lợi dụng sơ hở của pháp luật, các quy định về đầu tư, thực hiện các chương trình, dự án trong xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết việc làm, đầu tư nguyên liệu, tư liệu sản xuất cho người dân, sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, kém hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra để phạm tội tham ô tài sản. Loại tội phạm này còn nguy hiểm bởi nó có thể xảy ra trong nhiều lĩnh vực, nhiều công trình khác nhau, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế của người dân nông thôn. Thực tế cũng cho thấy đã xuất hiện sự liên kết hình thành tổ chức tội phạm giữa các phần tử thoái hóa, biến chất trong các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền với các đối tượng là trong các cơ quan, doanh nghiệp để thực hiện hành vi tham ô tài sản. Sự cấu kết này đã tạo điều kiện để hành vi tham ô được thực hiện một cách kín đáo, trong thời gian dài chiếm đoạt số lượng lớn tài sản trong các dự án phát triển kinh tế nông thôn.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa bức tranh kinh tế nông thôn các tỉnh Trung du Bắc Bộ. Nguồn ảnh: https://baodantoc.vn/

Qua nghiên cứu và thực tiễn phòng, chống tội phạm tham ô tài sản trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế nông thôn cho thấy có các nhóm nguyên nhân, điều kiện cơ bản sau:

Thứ nhất, nguyên nhân của tình trạng này một phần là do công tác tổ chức cán bộ và quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên còn những hạn chế nhất định. Trong những năm qua, trên địa bàn các tỉnh Trung du Bắc Bộ nói riêng còn tồn tại tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” cán bộ. Việc thừa cán bộ so với biên chế được ấn định trong hệ thống các cơ quan chức năng có trách nhiệm trong việc thực hiện các dự án triển kinh tế nông thôn diễn ra ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, một số cán bộ được bố trí không đúng chuyên môn, được tuyển dụng không đảm bảo chất lượng, có những cán bộ năng lực, trình độ còn hạn chế nên việc triển khai thực hiện, tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách phát triển kinh tế nông thôn còn hạn chế.  

Thứ hai, tổ chức, hoạt động của một số ngành chức năng thuộc các tỉnh Trung du Bắc Bộ còn chậm đổi mới, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tế. Nhiều tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, những người có trách nhiệm thiếu sự quan tâm, chưa ý thức hết tác hại của tình trạng tham ô tài sản trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế nông thôn. Thậm chí một số cá nhân giữ vị trí quản lý, lãnh đạo trong các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế nông thôn còn có thái độ thờ ơ, né tránh, thiếu quyết liệt trong đấu tranh với các hành vi tham ô tài sản nên không làm gương được cho người khác, không phát huy được vai trò của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là không phát huy được vai trò của quần chúng Nhân dân trong phòng, chống tham ô tài sản. 

Thứ ba, việc triển khai thực hiện chính sách phát triển kinh tế nông thôn chưa đồng bộ, thống nhất, ở một số địa phương còn nhiều bất cập. Trong hệ thống quy định của Nhà nước về chính sách phát triển kinh tế nông thôn và việc triển khai thực hiện được thể hiện trong nhiều văn bản khác nhau. Một số văn bản có tác động đến đời sống của người dân nông thôn. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện thiếu sự đồng bộ, thiếu thống nhất giữa các địa phương về cách phân bổ nguồn vốn, thứ tự ưu tiên, cơ chế quản lý còn chưa chặt chẽ nên tạo ra sự tùy tiện, lạm quyền, vi phạm để chiếm đoạt nguồn vốn. Trong khi đó, những quy định có liên quan việc thu hồi tài sản; các quy định về việc công khai, minh bạch tài sản, ngân sách Nhà nước còn nhiều sơ hở để đối tượng có cơ hội thực hiện hành vi tham ô trong quá trình triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế nông thôn.

Thứ tư, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án, công tác quản lý kinh tế, quản lý tài chính trên địa bàn các tỉnh Trung du Bắc Bộ còn một số hạn chế nhất định. Hiện nay đã có hệ thống các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực liên quan đến quản lý kinh tế, quản lý tài chính đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, song điểm yếu chính là khâu triển khai các hoạt động của các cơ quan, tổ chức, các bộ phận này ở cơ sở. Đồng thời, hoạt động tự thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn bị buông lỏng. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra, giám sát của xã hội và Nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức. Ban Thanh tra Nhân dân ở các cơ quan chỉ tồn tại trên danh nghĩa, mang tính hình thức, vai trò còn mờ nhạt và chưa phát huy hiệu quả trong phòng ngừa tội phạm tham ô tài sản trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế nông thôn.

Thứ năm, trình độ nhận thức các vấn đề xã hội và pháp luật của một bộ phận Nhân dân còn hạn chế. Một trong những đặc điểm nổi bật của Trung du Bắc Bộ đó là khu vực này gắn với việc triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế nông thôn trong các lĩnh vực tài chính, tín dụng, ngân hàng; lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; triển khai các dự án kinh tế.... Khu vực này cũng tập trung người dân nhiều thành phần khác nhau, trong đó người dân tộc thiểu số với trình độ hạn chế chiếm một tỷ lệ rất cao. Từ hạn chế trong việc tiếp cận các thông tin về những quyền lợi của bản thân đã vô hình chung tạo ra các điều kiện thuận lợi để số cán bộ có chức vụ, quyền hạn được giao thực hiện các chính sách phát triển kinh tế nông thôn, thực hiện các hành vi lập khống, giả mạo hồ sơ để tham ô kinh phí bồi thường, kinh phí hỗ trợ giải phóng mặt bằng, kinh phí thực hiện dự án...

Thứ sáu, những hạn chế trong tổ chức phòng, chống tội phạm tham ô tài sản trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế nông thôn của các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng Công an các tỉnh Trung du Bắc Bộ. Việc tổ chức phát hiện, xử lý tội phạm về tham ô tài sản trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế nông thôn ở nhiều địa phương còn thiếu quyết liệt, không phát huy tối đa tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm trong xã hội. Hạn chế này một phần do các quy định về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan chức năng trong phòng, chống tội phạm tham ô tài sản trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế nông thôn chưa được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật có hiệu lực; phối hợp giữa các cơ quan, các ngành, các cấp còn có những hạn chế. 

Để phòng ngừa có hiệu quả tội phạm tham ô tài sản trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn các tỉnh khu vực này, lực lượng Công an các tỉnh Trung du Bắc Bộ cần bám sát các hướng cơ bản sau:

Một là, tham mưu, kiến nghị hoàn thiện pháp luật hình sự, hoàn thiện cơ chế về quản lý trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế nông thôn, thông qua đó kịp thời bịt kín những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, hạn chế tình trạng tham ô tài sản trong lĩnh vực này.

Hai là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao tinh thần, trách nhiệm đối với quần chúng trong phòng ngừa tội phạm tham ô tài sản trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế nông thôn, thông qua đó vừa nâng cao hiệu quả tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, vừa răn đe những đối tượng có ý định tham ô tài sản trong phát triển kinh tế nông thôn.

Ba là, chú trọng việc tiến hành các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản phòng ngừa tội phạm tham ô tài sản trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế nông thôn. Trên cơ sở triển khai các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm tình hình chính xác về hệ, loại đối tượng, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm về tội phạm tham ô tài sản trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế nông thôn.

Bốn là, hoàn thiện tổ chức, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ Công an các tỉnh Trung du Bắc Bộ để giữ vai trò chủ công trong phòng ngừa tội phạm tham ô tài sản trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế nông thôn.

Năm là, tổ chức thực hiện hiệu quả quan hệ phối hợp lực lượng của Công an các tỉnh Trung du Bắc Bộ trong phòng ngừa tội phạm tham ô tài sản trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế. Thông qua đó, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ của lực lượng Công an và các biện pháp phòng ngừa xã hội với sự phối hợp của các ngành chức năng để phòng ngừa loại tội phạm này hiệu quả nhất./.

Tài liệu tham khảo:

(1) Công an các tỉnh Trung du Bắc Bộ (2011-2022), Báo cáo tổng kết công tác năm của lực lượng Cảnh sát kinh tế từ năm 2011 đến 2022, các tỉnh Trung du Bắc Bộ;

(2) Chính phủ (2017), Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29/11/2017 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, Hà Nội;

(3) Nguyễn Tiến Nam (2016), Phòng ngừa tội phạm tham ô tài sản theo chức năng của lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an các tỉnh Bắc Trung Bộ, Học viện Cảnh sát Nhân dân, Hà Nội;

(4) Quốc hội (2019), Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Hà Nội;

(5) Thủ tướng Chính phủ (2008), Quyết định số 151/2008/QĐ-TTg quy định về quy chế áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trong đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội của lực lượng Cảnh sát Nhân dân, Hà Nội;

(6) Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 980/QĐ-TTg ngày 21/6/2013 Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, Hà Nội.

Trung tá, TS. Nguyễn Văn Triều
Học viện Cảnh sát Nhân dân
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra