Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ hiện nay

Thứ sáu, 26/06/2020 20:07
(ThanhtraVietNam) - Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là vấn đề hệ trọng của quốc gia, đảm bảo sự tồn vong của chế độ. Nhận thức được điều này, ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” (Quy định 205). Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận không chỉ bởi tính cấp thiết của nó mà còn là kỳ vọng về một giải pháp hữu hiệu, một chế tài đủ mạnh nhằm ngăn chặn sự tha hóa, tham nhũng quyền lực trong công tác cán bộ.

Vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ

Nhìn từ thực tế, các vụ án tham nhũng thời gian qua cho thấy, tình trạng lạm quyền, lộng quyền, thao túng trong công tác cán bộ vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, đó là việc sử dụng quyền lực được giao để thực hiện mục đích cá nhân, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Vì vậy, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Hiện nay, vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm quyền lực và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Theo Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học: “Quyền lực là quyền định đoạt mọi công việc quan trọng về mặt chính trị và sức mạnh để đảm bảo việc thực hiện quyền ấy”(1). Cùng với quan niệm này, tác giả Mai Trực cho rằng: “Quyền lực là việc tác động, chi phối của chủ thể nắm quyền lực lên khách thể, buộc họ phải phục tùng trong định đoạt mọi công việc quan trọng và sức mạnh để đảm bảo thực hiện quyền ấy”(2). Còn theo Quy định 205-QĐ/TW: “Quyền lực trong công tác cán bộ là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong việc tuyển dụng, bố trí, quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ”. Do đó, quyền lực này cần phải được kiểm soát để phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền lực được giao.

Vậy, kiểm soát quyền lực là gì, làm gì để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ? Theo Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học: “Kiểm soát là xem xét để phát hiện, ngăn chặn những gì trái với quy định”(3). Tác giả Mai Trực cho rằng: “Kiểm soát quyền lực là việc chủ thể quyền lực sử dụng các công cụ, phương tiện, biện pháp để tác động vào mối quan hệ giữa người áp đặt ý chí (người mang quyền lực) và người bị áp đặt ý chí (người phục tùng quyền lực) nhằm hạn chế xu hướng tha hóa quyền lực bằng cách phân công, phối hợp giữa các cơ quan của Đảng và Nhà nước trong việc lãnh đạo và thực hiện chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp”(4). Còn theo Quy định 205-QĐ/TW: “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ.”

leftcenterrightdel
 

Do vậy, để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, Quy định 205-QĐ/TW nêu rõ thẩm quyền của người đứng đầu chủ yếu là chỉ đạo, điều hành về thủ tục, quy trình công tác cán bộ, đảm bảo công khai, minh bạch, vận hành đúng đắn nguyên tắc “tập trung, dân chủ”…, nhưng không có quyền quyết định về nhân sự vì đó là thẩm quyền của tập thể. Chẳng hạn, bí thư cấp ủy có trách nhiệm chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nhân sự và cung cấp cho các thành viên liên quan theo đúng quy định; phải triệu tập đầy đủ, đúng thành phần khi họp bàn về công tác cán bộ; khi điều hành phải dành thời gian thỏa đáng để tập thể thảo luận thật sự dân chủ. Bí thư cấp ủy không được có biểu hiện vận động, tranh thủ, dẫn dắt, thao túng, áp đặt ý kiến chủ quan, tác động, gây nhiễu thông tin, gây sức ép để người khác nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu, quyết định nhân sự theo ý mình. Đồng thời, phải bố trí thời gian, không gian bảo đảm cho các thành viên độc lập, khách quan khi ghi phiếu biểu quyết, phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm; không vận dụng các cách thức biểu quyết khác quy định… Đáng chú ý, người đứng đầu khi đã có thông báo nghỉ hưu, nghỉ chờ hưu hoặc chuyển công tác thì không còn được toàn quyền triển khai các quy trình cán bộ theo thẩm quyền nữa mà phải báo cáo, xin ý kiến cấp trên. Quy định 205-QĐ/TW cũng có điều khoản riêng về trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ tham mưu đề xuất thuộc cơ quan được giao thực hiện công tác cán bộ ở các cấp mà chủ yếu là Ban tổ chức của cấp ủy hoặc cơ quan nội vụ bên chính quyền. Theo đó, họ phải chịu trách nhiệm cá nhân về công việc được phân công và nghiêm cấm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, hay kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ cán bộ…

Tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ đã được trình bày kỹ lưỡng, được thể hiện xuyên suốt, đầy đủ và toàn diện ở tất cả các nội dung.Đặc biệt, để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ có hiệu quả, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định này thể hiện nhất quán chủ trương của Đảng, vừa là căn cứ vô cùng quan trọng để cán bộ, đảng viên, các cấp ủy đảng và nhân dân đấu tranh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này, trước mắt là phục vụ tốt công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp trong thời gian tới. Tác dụng trước hết của Quy định này là sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức của những người có chức quyền, đặc biệt là những người có quyền hạn trong công tác cán bộ, đồng thời sẽ điều chỉnh nhận thức và hành vi của những đối tượng đang có ý định chạy chức, chạy quyền.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên các hành vi chạy chức, chạy quyền gắn liền với công tác cán bộ được Đảng chỉ rõ trong một quy định của Bộ Chính trị. Việc Đảng ta dành sự quan tâm sâu sắc đến nội dung kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ hiện nay là tất yếu. Bởi vì, ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào, quyền lực cũng luôn có hai mặt. Mặt tích cực, nó là công cụ hữu hiệu bậc nhất để tập hợp lực lượng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng một xã hội tốt đẹp, nếu như quyền lực ấy được trao cho những con người có nhân cách tốt. Mặt tiêu cực, nó luôn làm tha hóa những con người và bộ máy sử dụng quyền lực nhưng lại yếu kém về nhân cách và không có cơ chế tốt để kiểm soát quyền lực5.Nhận thức rõ điều này, trong các nhiệm kỳ, Đảng ta đều đề ra nhiều giải pháp, biện pháp về kiểm soát quyền lực: Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII “Về một số vấn đề cấp bách và cơ bản trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, coi kiểm soát quyền lực là một trong những vấn đề vừa cấp bách, vừa cơ bản lâu dài. Đến Đại hội XII, Đảng ta yêu cầu “Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực Nhà nước, nhất là cơ quan kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực Nhà nước là thống nhất; xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền”(6), và chỉ rõ phải “hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”(7). Qua đó cho thấy, Đảng ta đã thể hiện quyết tâm xây dựng một cơ chế kiểm soát quyền lực thật hiệu quả nên đã ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm” và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Để làm cơ sở cho việc kiểm soát quyền lực, Đảng đã lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa các quan điểm của mình trong hoạt động lập pháp, một mặt nhằm giới hạn và nâng cao tính trách nhiệm của quyền lực Nhà nước; mặt khác là để tạo cơ sở pháp lý giúp người dân tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình một cách hiệu quả; thực hiện sự phối kết hợp giữa giám sát trong Đảng, thanh tra, kiểm tra của Nhà nước với giám sát, phản biện của các tổ chức xã hội và của người dân. Đó cũng là quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, trình độ cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.

Mặc dù, Đảng ta đã chú trọng đến việc hoàn thiện các quy định, quy trình, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, thời gian qua, việc lợi dụng quyền lực, tham nhũng, lợi ích nhóm vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, gây nhức nhối, bất bình trong xã hội. Dù có nhiều quy định về tiêu chuẩn, về những điều không được làm, về quy trình, quy hoạch khá bài bản, chặt chẽ nhưng trong khâu chọn lựa cán bộ vẫn còn để xảy ra không ít trường hợp cán bộ không đủ chuẩn vẫn vào bộ máy lãnh đạo, kể cả ở cấp cao(8). Điều đáng lo ngại hơn, trong một số trường hợp dạng lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ lại đang bị “biến tướng” một cách tinh vi, phức tạp và khó nhận biết hơn trước. Vấn nạn này không chỉ gây nhiều hệ lụy trong công tác cán bộ, gây bức xúc trong dư luận xã hội mà còn làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng và sự trong sạch, vững mạnh của Đảng.

Những hạn chế, tồn tại, khuyết điểm nêu trên do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức và thực hiện đúng quyền hạn của mình được giao, trình trạng vượt quyền hạn, thiếu trách nhiệm hoặc không thực hiện hết quyền hạn được giao trong thực thi nhiệm vụ; một số cán bộ cấp trên chưa kiểm soát được việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cấp dưới. Đặc biệt, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới.

Một số giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng hiện nay

Một là, nâng cao nhận thức cho toàn hệ thống chính trị và xã hội về tác hại của sự tha hóa quyền lực, nhất là lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, tham nhũng, lợi ích nhóm. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức thích hợp, thiết thực cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm được các quy định của Đảng, nhất là quy định về giám sát trong Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm… Tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và của nhân dân trong việc đấu tranh và phản ánh những dấu hiệu tha hóa quyền lực, tham nhũng, lợi ích nhóm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu nhằm góp phần đắc lực phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng.

Hai là, xây dựng, hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc bằng trách nhiệm.Cơ chế kiểm soát quyền lực phải theo hướng đa chiều, đa diện với nhiều kênh khác nhau, như kiểm soát bằng thể chế kết hợp với kiểm soát bằng đạo đức, trách nhiệm; kiểm soát của cấp trên đối với cấp dưới và ngược lại; kiểm soát chéo giữa các cơ quan, tổ chức; kiểm soát trong Đảng thống nhất, đồng bộ với kiểm soát của mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị; kiểm soát của cơ quan chuyên trách với cơ quan không chuyên trách; kiểm soát của cơ quan quyền lực kết hợp với kiểm soát của báo chí và dư luận xã hội.

Ba là, công khai, dân chủ, sàng lọc qua các hình thức cạnh tranh trong bầu cử, thi tuyển dựa trên các chuẩn mực, tiêu chí cụ thể, rõ ràng, dưới sự giám sát của nhân dân.Khi đó, chúng ta sẽ lựa chọn được người có tài, có đức vào các vị trí phù hợp. Mặt khác, cần tiếp tục làm rõ, phân định giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể, không để tập thể là nơi để cá nhân thực hiện lợi ích riêng. Không để tập thể bị một vài cá nhân lung lạc, sau đó họ dùng ý chí tập thể để phục vụ nhóm lợi ích.

Bốn là, xây dựng có hiệu quả các cơ chế kiểm soát quyền lực, nhất là đặt quyền lực vào trong khuôn khổ của pháp luật, nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, sức mạnh của kỷ luật Đảng và vai trò giám sát của nhân dân.Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm nguyên tắc: Dân chủ, công khai, minh bạch. Trong công tác cán bộ cần phải công khai để dân cùng biết, cùng bàn, cùng giám sát, kiểm tra. Bởi kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ không chỉ cần có cán bộ, đảng viên, mà cần sự tham gia của người dân. Để làm được điều này, sự giám sát, giúp đỡ của nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân trong công tác cán bộ là hết sức cần thiết.

Năm là, thực hiện công khai, minh bạch tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Đây là biện pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Đồng thời, cần tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Cần quy định rõ tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý các cơ quan trong hệ thống chính trị bảo đảm tính định lượng cụ thể nhằm tạo ra sự rõ ràng, khách quan, qua đó có cơ sở giám sát, kiểm tra đầy đủ, chính xác.

Sáu là, xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, của cấp trên đối với cấp dưới; cấp dưới giám sát cấp trên.

Đặc biệt, trong xử lý sai phạm, bên cạnh tính nghiêm minh, kịp thời, quan điểm không có “vùng cấm”, không loại trừ bất cứ đối tượng nào, ở bất kỳ bất kỳ cương vị nào cần được đề cao. Mọi hành vi lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ đều phải xử lý nghiêm minh theo kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước./.

Phạm Ngọc Hòa

Học viện Chính trị khu vực IV

Chú thích:

(1) Viện ngôn ngữ học: Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 1996, tr. 786;

(2); (4) Mai Trực: Kiểm soát quyền lực ở nước ta qua công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2019, tr. 13, tr.25;

(3)Viện ngôn ngữ học: Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2013, tr. 465;

(5)Vũ Ngọc Hoàng: Quyền lực nhất thiết phải được kiểm soát, Tạp chí Cộng sản, số 890 (12-2016), tr. 53;

(6); (7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 40, tr.47;

(8) Phạm Phương Thảo: Nhận diện rõ để có giải pháp ngăn chặn, xử lý, báo Tuổi trẻ, số 259, ngày 25-9-2019, tr. 3.

 Tài liệu tham khảo

1.      Ban Chấp hành Trung ương: Quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019;

2.      Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016;

3.      Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4;

4.      Vũ Ngọc Hoàng: Quyền lực nhất thiết phải được kiểm soát, Tạp chí Cộng sản, số 890 (12-2016);

5.      Phạm Phương Thảo: Nhận diện rõ để có giải pháp ngăn chặn, xử lý, báo Tuổi trẻ, số 259, ngày 25/9/2019;

6.      Mai Trực: Kiểm soát quyền lực ở nước ta qua công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2019;

7.      Viện ngôn ngữ học: Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2013.

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra