Thanh tra công an Quảng Bình: Các giải pháp nâng cao hiệu quả thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nai, tố cáo

Thứ sáu, 14/07/2023 22:11
(ThanhtraVietNam) - Với vai trò, nhiệm vụ được giao, phát huy những thành tích đã đạt được, Thanh tra Công an tỉnh Quảng Bình luôn đổi mới, sáng tạo, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Một số kết quả nổi bật

Từ khi lực lượng Công an nhân dân ra đời, công tác thanh tra được thực hiện là một yêu cầu tất yếu, khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các đơn vị Công an. Mục đích của công tác thanh tra là góp phần củng cố và xây dựng tổ chức, lực lượng Công an nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn. Tại Công an tỉnh Quảng Bình, theo kết quả Báo cáo số 7931/BC-CAT-PX05 ngày 15 tháng 12 năm 2022 về công tác thanh tra năm 2022, hoạt động hiệu quả của lực lượng thanh tra đã đóng vai trò quan trọng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của Công an tỉnh nói riêng và ngành Công an nói chung. Cụ thể:

Một là, chủ động tham mưu giúp Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh, cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các mặt công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong Công an nhân dân. Công tác thanh tra đã cơ bản được tiến hành theo kế hoạch và chỉ đạo của Công an cấp trên, thực hiện nghiêm theo quy trình, quy định, có trọng tâm, trọng điểm, không chồng chéo, bảo đảm chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời; tập trung những lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, dư luận quan tâm, có nhiều đơn thư phản ánh, dễ phát sinh tiêu cực, vi phạm.

Hai là, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân thường xuyên, phục vụ lãnh đạo Công an tỉnh tiếp công dân định kỳ ít nhất 01 tháng/lần trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2022, Công an tỉnh Quảng Bình đã tiếp 218 lượt/210 công dân liên quan đến 201 vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và tố giác tội phạm; không có khiếu tố đông người, phức tạp (giảm 08 lượt, tăng 39 công dân so với cùng kỳ năm 2021); tiếp nhận, xử lý tổng số 505 đơn (giảm 16 đơn so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 43 đơn không thuộc trách nhiệm Công an giải quyết và 462 đơn thuộc trách nhiệm giải quyết của lực lượng Công an (chiếm tỷ lệ 91,46%) (trong đó có 194 đơn trùng nội dung không giải quyết).

leftcenterrightdel
Một buổi công bố Quyết định thanh tra của Công an tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Phạm Xuân Thái) 

Riêng Thanh tra Công an tỉnh đã tiếp nhận, xử lý 162 đơn (có 123 đơn không thuộc trách nhiệm Công an giải quyết và trùng nội dung), chuyển các phòng trực thuộc Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố, thị xã 34 đơn, tham mưu Giám đốc Công an tỉnh xem xét, giải quyết 04 đơn tố cáo cán bộ, chiến sĩ Công an, 01 đơn tố cáo nặc danh không đủ điều kiện thụ lý nên không xem xét giải quyết.

Tỷ lệ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Giám đốc Công an tỉnh đều đạt 100%; tỷ lệ giải quyết đơn thư theo phân cấp ở các đơn vị đạt từ 90% trở lên. Quá trình giải quyết luôn bảo đảm khách quan, trung thực, thấu tình, đạt lý, không để tồn đọng và khiếu nại vượt cấp kéo dài. Hiệu quả tiếp công dân đã góp phần nâng cao uy tín của lực lượng Công an nhân dân, củng cố niềm tin với Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an tỉnh.

Ba là, tham mưu tiến hành 04 cuộc thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành đối với 23 đối tượng, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm. Các cuộc thanh tra đều bám sát chương trình, kế hoạch, bảo đảm đạt kết quả cao, không có cuộc thanh tra nào kéo dài, phải tiến hành thanh tra lại. Qua đó đã phát hiện nhiều tồn tại, sai phạm tại các đơn vị, tham mưu kiến nghị Giám đốc Công an tỉnh chấn chỉnh nghiêm những tồn tại, thiếu sót, góp phần ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất những sơ hở, thiếu sót trong công tác nghiệp vụ cũng như sai phạm khi thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ và nâng cao uy tín của lực lượng Công an với Nhân dân.

Bốn là, với vai trò thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Công an tỉnh, lực lượng Thanh tra đã tham mưu chương trình hành động hằng năm nhằm nâng cao các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, chủ động phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ theo phương châm “xây là chính, phòng ngừa là chính, xây dựng nội bộ vững mạnh”. Trực tiếp tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin liên quan tố cáo tiêu cực, tham nhũng, đồng thời tiến hành 04 cuộc kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương việc thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Bộ Công an và báo cáo Thanh tra Bộ Công an kết quả triển khai thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Quảng Bình.

Trong năm 2022, có 481 cán bộ, chiến sĩ thực hiện việc kê khai và công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập năm 2021. Qua đó, từng bước tăng cường kỷ luật, kỷ cương nội bộ, đề cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác chuyên môn, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ cả về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và năng lực công tác. Đây cũng là phương thức cảnh báo tự điều chỉnh hành vi, có tác dụng hạn chế, răn đe, loại trừ những hành vi vi phạm ngay từ khi mới “manh nha”, nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động thanh tra cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh tra trong lực lượng Công an Quảng Bình thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cấp ủy, lãnh đạo Công an một số đơn vị, địa phương chưa phát huy trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra các mặt công tác thuộc quyền quản lý; có lúc, có nơi chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hiệu quả, hiệu lực một số cuộc thanh tra chưa cao; hoạt động kiểm tra, hướng dẫn các văn bản pháp luật về công tác thanh tra chưa kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác.

leftcenterrightdel
 Cán bộ Thanh tra Công an tỉnh Quảng Bình tiếp công dân. (Ảnh: Phạm Xuân Thái)

Công tác phối hợp để nắm tình hình và hướng dẫn, đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo nhiều lúc, nhiều nơi chưa đạt hiệu quả, thậm chí còn vi phạm quy trình, quy định. Công an cấp huyện mới thực hiện được công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, chưa tổ chức hiệu quả hoạt động tự thanh tra, kiểm tra. Công tác quản lý đơn thư khiếu tố chưa đảm bảo yêu cầu tập trung; việc phân loại, xử lý đơn của một số đơn vị, Công an cấp huyện chưa chính xác, thỏa đáng, chưa đúng thẩm quyền và quy trình, tình trạng đơn thư vượt cấp, kéo dài vẫn diễn ra. Công tác nắm tình hình tham nhũng, tiêu cực còn thiết nhạy bén, chưa thật chủ động...

Quy định về việc bố trí cán bộ thanh tra chuyên trách, kiêm nhiệm chưa phù hợp với thực tiễn biên chế của Công an các đơn vị, địa phương. Vì vậy, hầu hết cán bộ làm công tác thanh tra là kiêm nhiệm, nên chất lượng công tác chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ; một số cán bộ chưa được qua đào tạo nghiệp vụ thanh tra, kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế. Chế độ chính sách cho lực lượng Thanh tra chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời và tương xứng với yêu cầu thực tế.

Giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

Thời gian tới, tình hình chính trị, kinh tế, thế giới, khu vực và trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Những yếu tố tác động đến chất lượng của cán bộ, chiến sĩ có phần đa chiều và tinh vi hơn. Vì thế, để nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Thanh tra, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong lực lượng Công an Quảng Bình cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đối với thực hiện các nội dung, nhiệm vụ công tác thanh tra. Trong bất cứ mọi hoàn cảnh phải xác định, mọi hoạt động thanh tra Công an nhân dân đều phải quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phục vụ đắc lực nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cần chú ý bám sát vào nhiệm vụ chính trị của lực lượng Công an nhân dân trong từng thời kỳ để xây dựng kế hoạch công tác thanh tra hằng năm. Bên cạnh đó, cần phải theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch công tác thanh tra của các đơn vị để có hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra.

Thứ hai, chủ động làm tốt công tác nắm tình hình từ sớm, từ xa, phát hiện những dấu hiệu vi phạm, kịp thời tham mưu với lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo việc tiến hành các cuộc thanh tra đột xuất, thanh tra đặc biệt theo quy định để kết luận, xử lý nghiêm minh với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Chủ động phát huy vai trò của cơ quan thanh tra trong phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có các hình thức phù hợp để tăng cường mối quan hệ, tranh thủ được sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các biện pháp công tác.

Thứ ba, đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tham mưu, quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tập trung đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành trong hoạt động thanh tra; nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch cho từng cuộc thanh tra, xác định rõ trách nhiệm, công việc của từng thành viên đoàn thanh tra, thời gian, cách thức, nội dung tiến hành, biện pháp tổ chức thực hiện; thực hiện nghiêm quy chế, quy định, hướng dẫn về quy trình nghiệp vụ công tác thanh tra… Đồng thời, tham mưu làm tốt công tác giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra.

Thứ tư, tập trung xác minh, giải quyết kịp thời, kết luận khách quan, chính xác, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của lực lượng Công an, nhất là đơn liên quan cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn công tác tiếp công dân, quản lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với đơn vị Công an cấp dưới; tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ lãnh đạo, góp phần củng cố nội bộ; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phấn đấu không để phát sinh vụ việc phức tạp, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

leftcenterrightdel
Cán bộ Thanh tra Công an tỉnh Quảng Bình tập trung thực hiện nhiệm vụ. (Ảnh: Phạm Xuân Thái) 

Thứ năm, chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Thanh tra Công an Quảng Bình trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục kiện toàn tổ chức; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra trong sạch, vững mạnh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, kỷ cương, liêm chính, bản lĩnh, nhân văn, thực sự xứng đáng “là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, “cán bộ thanh tra phải như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy.
Thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh tra cho đội ngũ cán bộ làn công tác này. Đổi mới nội dung, hình thức giáo dục chính trị, tư tưởng gắn với đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường đoàn kết nội bộ; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ làm công tác thanh tra; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành các mặt công tác thanh tra. Quan tâm có chính sách đãi ngộ hợp lý nhằm động viên, thu hút những cán bộ giỏi, tâm huyết làm công tác thanh tra.

Thứ sáu, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác thanh tra. Chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lực lượng Công an nhân dân để phục vụ Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng lực lượng Công an Quảng Bình trong sạch, vững mạnh.

Thứ bảy, chú trọng công tác sơ kết, tổng kết các chuyên đề chuyên sâu trên từng mặt công tác thanh tra, từ đó nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận về thanh tra Công an nhân dân, xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của Thanh tra Công an nhân dân trong tình hình mới. Phối hợp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các cơ quan quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự; phân công, phân cấp lĩnh vực quản lý, địa bàn thanh tra, đối tượng thanh tra... Tăng cường hơn nữa quan hệ phối hợp trong hoạt động thanh tra, phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng, đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Lực lượng Thanh tra Công an tỉnh cần chủ động trong quan hệ, phối hợp công tác với các đơn vị tham mưu, nghiệp vụ, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và thủ trưởng đơn vị, địa phương được thanh tra./.

Thượng úy Phạm Xuân Thái
Thanh tra Công an tỉnh Quảng Bình
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra