Thời hiệu khởi kiện trong vụ án hành chính

Thứ năm, 13/03/2014 14:27
(ThanhtraVietnam) - Khi quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định buộc thôi việc của cơ quan nhà nước xâm hại đến các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thì họ có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức khi thực hiện việc khởi kiện vụ án hành chính ra tòa án có thẩm quyền thì thời hiệu khởi kiện đã hết, họ không bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi bị các quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm hại đến mình. Do vậy, việc xác định thời hiệu khởi kiện là đặc biệt quan trọng khi thực hiện khởi kiện vụ án hành chính.


Trước đây theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì thời hiệu khiếu kiện hành chính là 30 ngày hoặc 45 ngày tuỳ từng trường hợp. Thời hiệu trên là quá ngắn để đảm bảo cho cá nhân, tổ chức có đủ thời gian chuẩn bị, hồ sơ chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình. Dẫn đến việc giải quyết vụ việc hành chính bằng con đường tòa án không đáp ứng được nhu cầu của cá nhân, tổ chức, khiến cho vụ việc khiếu nại kéo dài làm tốn kém về thời gian và vật chất của người dân và cơ quan nhà nước.
 

Ảnh minh họa

Vì vậy, Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011, thay thế cho Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính trước đây đã quy định nhiều chế định phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng được đòi hỏi của xã hội. Một trong những điểm mới của Luật tố tụng hành chính là quy định về thời hiệu khởi kiện.

 

Thời hiệu khởi kiện được hiểu “là thời hạn mà cá nhân, cơ quan, tổ chức được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện” [Điều 104, Luật tố tụng hành chính]. Quy định này rất rõ ràng, nếu các chủ thể bị xâm hại không thực hiện quyền khởi kiện trong thời hạn luật định, chủ thể đó sẽ mất quyền yêu cầu tòa án giải quyết.

 

Hiện nay, theo quy định của Luật tố tụng hành chính, thì thời hiệu khởi kiện trong vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc thời hiệu khởi kiện là 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được. Thời hiệu này là phù hợp, bảo đảm cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có thời gian chuẩn bị tốt cho việc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án và phù hợp với tính chất đặc thù của khiếu kiện hành chính.

 

Theo quy định trên, thì thời hiệu khởi kiện gắn liền với các sự kiện “kể từ ngày nhận được” và “kể từ ngày biết được”, đây là mốc thời gian được xác định để bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính. Theo ý chí của các nhà làm luật, thì hai trường hợp trên được xác định khi xem xét các chủ thể bị tác động trực tiếp và chủ thể không chịu tác động trực tiếp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Cụ thể:

 

a) Đối với quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc:

 

- Trường hợp “nhận được” áp dụng khi: Chủ thể (cá nhân, tổ chức) chịu sự tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc và được cơ quan, người có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc giao trực tiếp, hoặc qua nhân viên bưu điện, chính quyền địa phương….thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày họ nhận được quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

 

- Trường hợp “biết được” áp dụng khi: Chủ thể không chịu sự tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Họ không phải là đối tượng được nhận các quyết định trên và thực tế là họ không nhận được quyết định đó thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày họ biết được quyết định đó.

 

Ở trường hợp này phải được hiểu, tuy họ không phải là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp từ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, nhưng quyết định đó đã gián tiếp ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, vì thế họ có quyền thực hiện việc khởi kiện vụ án hành chính.

 

b) Đối với hành vi hành chính:

 

·                     Nếu hành vi hành chính nhằm thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là:

 

-                      Kể từ ngày hành vi hành chính đó được thực hiện (nếu chủ thể đã chứng kiến việc thực hiện hành vi hành chính đó);

 

-                      Từ ngày được thông báo về thời điểm hành vi hành chính đó đã được thực hiện (nếu chủ thể không chứng kiến việc thực hiện hành vi hành chính đó nhưng họ đã được cơ quan có thẩm quyền thông báo về thời điểm hành vi hành chính đó đã được thực hiện);

  

-                      Kể từ ngày biết được hành vi hành chính (do chủ thể không chứng kiến việc thực hiện hành vi hành chính đó và cũng không được cơ quan có thẩm quyền thông báo về thời điểm hành vi hành chính đó đã được thực hiện, nhưng họ đã biết được hành vi hành chính đó qua các thông tin khác như được người khác kể lại);

 

·                     Nếu hành vi hành chính là không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày hết thời hạn theo quy định của pháp luật mà cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

 

Tuy nhiên, nếu trong thời hạn quy định trên, xảy ra các sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đối với chủ thể có quyền khởi kiện vụ án hành chính thì thời gian đó sẽ không tính vào thời hiệu khởi kiện, một trong những trường hợp sau đây:

 

- Xảy ra thiên tai, địch hoạ, nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc do lỗi của cơ quan nhà nước làm cho chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu khởi kiện;

 

- Người chưa thành niên, người mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự nhưng chưa có người đại diện để thực hiện quyền khởi kiện của họ;

 

-  Trường hợp người đại diện của người chưa thành niên, người mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự bị chết nhưng chưa có người đại diện khác thay thế.

 

Trong thực tiễn những năm qua, các chủ thể khi thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính, do không biết rõ về thời hiệu khởi kiện nên bị mất quyền khởi kiện do đã hết thời hiệu khởi kiện và vụ việc bế tắc, nhiều người dân phải chịu oan ức, thiệt thòi.

 

Việc nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhân dân về luật tố tụng hành chính nói chung và về quyền khởi kiện, thời hiệu khởi kiện nói riêng để họ hiểu và thực hiện các quyền tố tụng của mình trong việc khởi kiện vụ việc ra Toà án đúng quy định của pháp luật./.

 

Thạc sĩ Nguyễn Văn Lâm

Viện Kinh tế và Quản lý – Đại học Bách khoa Hà Nội

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra