Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ:

Trách nhiệm người đứng đầu được tăng cường, phòng, chống tham nhũng tại địa phương đạt hiệu quả

Thứ hai, 28/08/2023 15:50
(ThanhtraVietNam) - Kinh nghiệm để lại tại một số địa phương cho thấy, ở đâu trách nhiệm người đứng đầu được tăng cường, ở đó công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, nhất là trong xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, ngày 22 tháng 4 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTG, trong đó, yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp chính như: (1) Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN); (2) Thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý; (3) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN; (4) Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; xây dựng cơ chế giám sát, phát hiện vi phạm.

Đáng chú ý, giải pháp về tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc; nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy định việc tiếp công dân, tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân theo đúng quy định; trước hết người đứng đầu các cơ quan đơn vị phải đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu thực hiện và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao. Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp; xử lý ngay người đứng đầu có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái…

Đồng thời, chấn chỉnh công tác quản lý; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp; đảm bảo giải quyết dứt điểm, kịp thời các kiến nghị, phản ánh, tố cáo của người dân và doanh nghiệp, tránh tình trạng giải thích không rõ ràng thay vì giải quyết…

Một số kết quả thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg tại địa phương

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương trong cả nước đã chủ động thực hiện nghiêm túc và có được những kết quả nhất định.

Theo báo cáo 633/BC-TTrT của Thanh tra tỉnh Bắc Kạn, 6 tháng đầu năm 2023, kết quả thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg thể hiện rõ nét ở việc lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu trong công tác PCTN. Cụ thể, các đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình đã triển khai có hiệu quả Chỉ thị sâu rộng tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc; nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy định việc tiếp công dân, tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân theo đúng quy định.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh; các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã làm tốt công tác tham mưu theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn bám sát tinh thần Nghị quyết TW 4 khóa XII ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, “tự chuyển hóa" trong nội bộ như: Tổ chức rà soát đánh giá thực chất kết quả thực hiện công tác chuyên môn của từng cơ quan đơn vị, phát hiện những vướng mắc, khó khăn trong thi hành công vụ, những tồn tại hạn chế để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị; nâng cao chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức với phương châm thiết thực, hiệu quả, với mục tiêu lấy sự hài ḷòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tăng cường vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, vai trò tự kiểm tra giám sát nội bộ của các cơ quan, đơn vị, vai trò giám sát của người dân trong việc phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đưa việc thực hiện Chỉ thị số 05 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng để đánh giá, xếp loại hàng năm.

Thực hiện Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tham nhũng; Nghị định số 134/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP; Thông tư số 03/2022/TT-BNV ngày 12 tháng 3 năm 2022 của Bộ nội vụ Quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ ở địa phương, UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành thực hiện rà soát chuyển đổi vị trí công tác giữa các phòng chuyên môn theo quy định, trong kỳ báo cáo, các đơn vị đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 25 công chức, viên chức.

Đi liền với đó, trong thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý cũng đem lại kết quả tích cực như: Thực hiện Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 2182/UBND-NCCP ngày 12/4/2022 giao các sở, ban, ngành rà soát danh mục dịch vụ công trực tuyến để tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2022. Tính đến 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Bắc Kạn có 1.298 dịch vụ công trực tuyến đã được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Ngày 19/10/2022, UBND tỉnh này cũng đã ban hành Quyết định số 2020/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 1.816 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 1.217 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 599 dịch vụ công trực tuyến một phần. Hiện nay, các cơ quan, đơn vi, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện việc nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng Dịch vụ công của tỉnh.

Hoạt động Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn được duy trì thường xuyên, kịp thời phản ánh đăng tải các thông tin hoạt động về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn được liên kết với các dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan chuyên môn, các cơ quan hành chính các cấp của tỉnh Bắc Kạn và đồng thời là kênh thông tin tuyên truyền, quảng bá, thu hút đầu tư thúc đẩy sự phát triển và hội nhập của tỉnh Bắc Kạn với các tỉnh khác trên cả nước…

leftcenterrightdel
Đại diện doanh nghiệp trao đổi một số vấn đề về sản xuất kinh doanh với cơ quan báo chí. Ảnh: T.A 

Bên cạnh địa phương miền Bắc như Bắc Kạn, Khánh Hòa một địa phương vùng duyên hải Nam Trung Bộ đã cụ thể hóa Chỉ thị 10/CT-TTg bằng việc chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện công tác công tác PCTN, tiêu cực (TC); thực hiện các công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thường xuyên phổ biến, quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức nắm vững về các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp của chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác PCTN,TC; cụ thể hoá các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của Đảng thành chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, có tính khả thi cao.

Từ sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai thực hiện Kế hoạch công tác PCTN, TC tại cơ quan, đơn vị, địa phương bám sát yêu cầu, đảm bảo mục tiêu, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, chú trọng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là đối với các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm nhằm kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng. Qua đó, góp phần làm lành mạnh hoạt động của bộ máy nhà nước trong tỉnh; cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh…

Khó khăn, hạn chế và đề xuất giải pháp

Nhìn chung, UBND huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND tỉnh, thành phố để chỉ đạo công chức, viên chức, người lao động, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức, viên chức, người lao động đối với công tác PCTN. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, làm cơ sở để xây dựng bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh, đội ngũ công chức, viên chức, người lao động kỷ cương, liêm chính…

Dù vậy, việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg tại một số địa phương vẫn còn khó khăn, hạn chế cần được khắc phục như công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN chưa thực sự đi vào chiều sâu, chưa tạo được chuyển biến căn bản về nhận thức của người dân trong công tác PCTN; một số cơ quan, triển khai kế hoạch công tác PCTN còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả…

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg, trong thời gian tới, các địa phương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ công vụ. Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; thực hiện nghiêm quy định về việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân; đề cao trách nhiệm tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN, TC và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao; phải xác định công tác đấu tranh PCTN, TC là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài, đặc biệt quan trọng.

Bên cạnh đó, cần đổi mới công nghệ quản lý; thực hiện cải cách hành chính; tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nội dung các kế hoạch của UBND tỉnh, thành phố về triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Tiếp tục phổ biến, công khai Quy chế tiếp nhận, quản lý, xử lý thông tin qua đường dây nóng về chi phí không chính thức; công khai thời gian, địa điểm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; công khai địa chỉ đường dây nóng, hộp thư điện tử để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức.

Tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, doanh nghiệp, nhất là về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức. Công khai kết quả xử lý, nếu có lỗi thì phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm theo quy định; thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định về công tác PCTN, TC.

Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến; triển khai rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera tại các địa điểm có tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp và bố trí bộ phận thường trực để theo dõi, giám sát thường xuyên.

Đi cùng với đó, chú trọng thanh tra, kiểm tra công vụ và tăng cường phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN, TC; phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN, TC.

 

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra