Đồng thời, việc xây dựng dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) là để khắc phục những tồn tại, thiếu sót nhằm góp phần nâng cao địa vị pháp lý, tính độc lập của cơ quan thanh tra và người đứng đầu cơ quan thanh tra nhà nước trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước; phân biệt rõ giữa thanh tra theo lĩnh vực quản lý (thanh tra chuyên ngành) với thanh tra việc thực hiện chức trách nhiệm vụ, công vụ (thanh tra hành chính); giữa thanh tra và các hình thức kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý; đảm bảo thẩm quyền, trình tự, thủ tục thanh tra thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn,...
Qua nghiên cứu tổ chức Thanh tra Sở trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), có thể nhìn nhận một số nội dung như sau:
Khoản 2 Điều 27 dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định: "2. Thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ. Việc thành lập thanh tra tại các sở khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao.
Ở những nơi không tổ chức Thanh tra sở, Giám đốc sở giao cho đơn vị thuộc sở giúp thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật."
|
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Quochoi.vn |
Nếu quy định này được Quốc hội thông qua và sau khi Luật có hiệu lực thi hành thì một số tổ chức Thanh tra Sở được giữ nguyên tại một số Sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ. Còn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định thành lập, giải thể thanh tra tại các Sở khác căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao.
Việc này sẽ dẫn đến tình trạng một số tổ chức Thanh tra Sở đang tồn tại hiện nay phải giải thể, nhất là ở những sở có phạm vi quản lý không rộng hoặc yêu cầu quản lý chuyên ngành không phức tạp; biên chế được giao ít không đảm bảo các tiêu chí thành lập phòng. Tùy thuộc tình hình quản lý và biên chế được giao của từng địa phương sẽ xuất hiện tình trạng địa phương này thành lập Thanh tra Sở nhưng địa phương khác sẽ không thành lập dẫn đến sự không thống nhất, đồng bộ. Không loại trừ việc phát sinh tình trạng "vận động" để giữ lại tổ chức Thanh tra Sở hoặc không công bằng trong việc xem xét, quyết định giải thể, giữ lại tổ chức Thanh tra Sở tại một số địa phương.
Bên cạnh đó, ở những nơi không tổ chức Thanh tra Sở, Giám đốc Sở giao cho đơn vị thuộc Sở thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Việc này đồng nghĩa là Sở đó không có chức năng thanh tra nên Giám đốc Sở không có thẩm quyền thành lập Đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra phục vụ công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, Chánh Thanh tra Sở và Trưởng đoàn thanh tra là người có thẩm quyền xử phạt theo quy tại Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020), nếu không có các chức danh này thì không thể xử phạt, vì vậy sẽ không phát huy được "công cụ" quản lý nhà nước hết sức quan trọng này.
Bên cạnh đó, như đã đề cập ở trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập thanh tra tại các sở khác căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao thì sẽ xảy ra trường hợp tỉnh này thành lập nhưng tỉnh khác lại không thành lập Thanh tra Sở. Ví dụ: Chánh Thanh tra Sở có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Nếu địa phương không thành lập tổ chức Thanh tra Sở, đồng nghĩa với việc không có Lãnh đạo Thanh tra Sở là Chánh Thanh tra Sở thì tại địa phương đó không thể thực hiện đầy đủ, toàn diện Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước tại địa phương. Do đó, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý nhà nước, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, phát sinh nhiều vi phạm như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đấu giá, công chứng,…
Mặt khác, nếu không thành lập Thanh tra Sở và Sở không còn chức năng thanh tra, thì chức năng thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở sẽ chuyển về Thanh tra tỉnh hay không? Có rút biên chế của Sở không có chức năng thanh tra về Thanh tra tỉnh hay không? Thanh tra tỉnh có bao quát hết các nhiệm vụ chuyên môn để thực hiện công tác thanh tra? Và theo quy định, Thanh tra tỉnh không có chức năng xử phạt vi phạm hành chính thì hiệu quả quản lý nhà nước thông qua hoạt động thanh tra sẽ như thế nào?
Theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010 thì khi thành lập Đoàn thanh tra, Người ra quyết định thanh tra có thể trưng tập công chức tham gia Đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra. Do đó, đối với biên chế Thanh tra Sở không nhất thiết phải đông; trong trường hợp, Ủy ban nhân dân tỉnh giao ít chỉ tiêu biên chế cho Sở thì có thể bố trí biên chế cho Thanh tra Sở ít nhất là 02 chỉ tiêu biên chế thì vẫn có thể duy trì hoạt động và thực hiện chức năng thanh tra, xử phạt, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Hoạt động thanh tra và tổ chức thanh tra là công cụ quan trọng và không thể thiếu trong bất cứ hoạt động nào của công tác quản lý nhà nước. Chính vì vậy, cần thiết phải kế thừa và tiếp tục duy trì ổn định tổ chức Thanh tra Sở để góp phần thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực tại địa phương./.