Bình Định:

Triển khai nhiều giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán

Thứ ba, 29/08/2023 20:58
(ThanhtraVietNam) - Hoạt động thanh tra của ngành Thanh tra tỉnh Bình Định trong nửa đầu năm 2023 được tiến hành chủ động, linh hoạt, bảo đảm tiến độ, bám sát kế hoạch thanh tra được duyệt. Tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, nhất là đối với các doanh nghiệp được khắc phục. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ việc vi phạm; kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Chủ động trong chỉ đạo, điều hành

Để đảm bảo công tác thanh tra đạt hiệu quả, ngay từ cuối năm 2022, đầu năm 2023, UBND tỉnh Bình Định và các ngành, địa phương đã chỉ đạo xây dựng, phê duyệt, triển khai kế hoạch thanh tra năm 2023 đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, theo đúng định hướng của Thanh tra Chính phủ và phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương; đồng thời, đã chỉ đạo thực hiện kịp thời các cuộc thanh tra đột xuất khi phát hiện vi phạm pháp luật.  UBND tỉnh và các ngành, địa phương đã ban hành 86 văn bản để chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và xây dựng ngành Thanh tra trong phạm vị thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước; chỉ đạo Thanh tra tỉnh tăng cường hướng dẫn, theo dõi, xử lý kịp thời các trường hợp chồng chéo, trùng lặp trong việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch thanh tra năm 2023, nhất là đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Thanh tra tỉnh đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo Thanh tra các ngành, địa phương phổ biến quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 65-NQ/BCSĐ ngày 16/01/2023 của Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ về việc tăng cường lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành Thanh tra năm 2023; triển khai, tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua năm 2023 theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Thanh tra Chính phủ bằng các hình thức phù hợp nhằm thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao.

Kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế

Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã tiến hành 57 cuộc thanh tra hành chính tại 108 đơn vị; trong đó có 14 cuộc thanh tra từ năm 2022 chuyển sang và 43 cuộc triển khai trong kỳ; 52 cuộc thanh tra theo kế hoạch được duyệt và 5 cuộc thanh tra đột xuất. Đã ban hành kết luận 37 cuộc thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế trên 6,5 tỷ đồng và 1.291m2 đất các loại; xử lý thu hồi về cho Nhà nước trên 5,9 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác về kinh tế trên 1 tỷ đồng và 1.291m2 đất các loại; kiến nghị kiểm điểm, xử lý hành chính 5 tập thể và 9 cá nhân.       

Đồng thời, tiến hành 12 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại 17 đơn vị. Ngoài ra, Thanh tra các sở, ban, ngành đã tiến hành lồng ghép nội dung thanh tra trách nhiệm trong 5 cuộc thanh tra hành chính tại 6 đơn vị. Qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan.

leftcenterrightdel
Một buổi công bố Quyết định thanh tra của Thanh tra tỉnh Bình Định trong năm 2022. (Ảnh: Đào Văn Thi) 

Bên cạnh đó, toàn tỉnh Bình Định đã tiến hành 750 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 2.723 lượt tổ chức và cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật, quy định của Nhà nước trên các lĩnh vực: Quản lý, đầu tư xây dựng; trật tự xây dựng; trật tự an toàn giao thông; tài chính, ngân sách nhà nước; hoạt động khám, chữa bệnh, kinh doanh thuốc; vệ sinh an toàn thực phẩm; vệ sinh an toàn lao động; kinh doanh dịch vụ văn hóa; dịch vụ du lịch; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản… Trong đó, có 4 cuộc thanh tra, kiểm tra từ năm 2022 chuyển sang, 746 cuộc thanh tra, kiểm tra trong kỳ; có 645 lượt kiểm tra thường xuyên, 82 cuộc thanh tra, kiểm tra theo đoàn và 23 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 85 tổ chức và 282 cá nhân vi phạm, trong đó vi phạm về kinh tế 513 triệu đồng, xử lý thu hồi về cho Nhà nước 194 triệu đồng, kiến nghị xử lý khác 319 triệu đồng; ban hành 324 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 43 tổ chức và 281 cá nhân với số tiền 2.515 triệu đồng. Kết quả, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm đã thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước 2.543 triệu đồng; các cơ quan có liên quan đã thực hiện xong các kiến nghị xử lý khác về kinh tế với số tiền 319 triệu đồng.  

Cùng với hoạt động thanh tra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được UBND tỉnh Bình Định chú trọng. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 21/3/2023 về phổ biến Luật Thanh tra năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã tổ chức 77 hội nghị/lớp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cho 4.550 lượt cán bộ, công chức, viên chức và người dân. UBND tỉnh chỉ đạo Thanh tra tỉnh và các ngành, địa phương phổ biến quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời các văn bản Trung ương, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ mới ban hành về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo công khai kịp thời hoạt động thanh tra, các chính sách pháp luật, kết luận, quyết định xử lý về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng bằng các hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật và trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Định, Trang thông tin điện tử của Thanh tra tỉnh và của các ngành, địa phương.

Kết quả xử lý sau thanh tra có trường hợp còn kéo dài

UBND tỉnh Bình Định đánh giá, hoạt động thanh tra trong 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh được tiến hành chủ động, linh hoạt, bảo đảm tiến độ, bám sát Kế hoạch thanh tra được duyệt. Tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, nhất là đối với các doanh nghiệp được khắc phục. Hoạt động thanh tra, kiểm tra được tiến hành công khai minh bạch, đúng quy trình nghiệp vụ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra được tăng cường. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ việc vi phạm; kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phòng ngừa vi phạm pháp luật.

Mặt khác, tổ chức bộ máy của ngành Thanh tra tỉnh tiếp tục được quan tâm củng cố, kiện toàn. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giám sát, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ công chức Thanh tra được chú trọng. Đội ngũ công chức ngành Thanh tra tỉnh giữ được phẩm chất đạo đức, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của ngành Thanh tra; trong kỳ chưa để xảy ra sai phạm phải bị xử lý.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Định thẳng thắn nhận định, một số ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch thanh tra năm 2023 còn chậm. Việc chỉ đạo thực hiện một số cuộc thanh tra, kiểm tra còn kéo dài, chất lượng, hiệu quả chưa cao so với yêu cầu; số cuộc thanh tra phát hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng còn ít; kết quả xử lý sau thanh tra có trường hợp còn kéo dài, nhất là trong việc xử lý các vi phạm về kinh tế. Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại một số ngành, địa phương tuy được chú trọng, nhưng hiệu quả chưa cao so với yêu cầu. Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của một số ngành, địa phương chưa bảo đảm đúng thời gian, biểu mẫu quy định; việc thực hiện nhập dữ liệu trên Phần mềm Hệ thống báo cáo công tác thanh tra tại một số ngành, địa phương chưa kịp thời.

Theo UBND tỉnh Bình Định, nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước một số ngành, địa phương chưa thực sự quan chỉ đạo thường xuyên, sâu sát hoạt động thanh tra, kiểm tra theo quy định. Công tác chỉ đạo, điều hành của Thanh tra một số ngành, địa phương thiếu chủ động, chậm đổi mới, chưa bám sát kế hoạch được duyệt và yêu cầu quản lý nhà nước của ngành, địa phương. Biên chế cán bộ thanh tra một số ngành, địa phương còn ít, chất lượng không đồng đều, năng lực chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ được giao. Một số tổ chức, cá nhân thực hiện chưa đầy đủ, nghiêm túc các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra nhưng chưa được áp dụng các biện pháp chế tài theo quy định để xử lý kiên quyết, dứt điểm.

Một số giải pháp trọng tâm thời gian tới

Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, thời gian tới, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục chỉ đạo triển khai có chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, chỉ đạo triển khai thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra hành chính trong Kế hoạch thanh tra năm 2023 đã phê duyệt; kịp thời chỉ đạo thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Chỉ đạo xử lý kịp thời các trường hợp chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, nhất là đối với doanh nghiệp. Gắn hoạt động thanh tra với yêu cầu phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chỉ đạo thực hiện thường xuyên, kiên quyết công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra theo quy định nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả xử lý sau thanh tra, nhất là việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ việc liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo thực hiện đầy đủ quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra, nhất là việc công khai các Kết luận thanh tra theo quy định.

Thứ hai, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trên các ngành, lĩnh vực có phát sinh những vấn đề bức xúc, dư luận xã hội quan tâm, như: Khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường; quản lý trật tự xây dựng; bảo đảm an toàn giao thông; vệ sinh an toàn thực phẩm; đo lường chất lượng, nhãn mác hàng hoá, chấp hành pháp luật về giá trong hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, du lịch; các hoạt động khám, chữa bệnh; giáo dục; văn hoá; thực hiện chính sách lao động, xã hội, giải quyết việc làm… Các sở, ban, ngành có cơ quan trực thuộc được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành chú trọng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động thanh tra chuyên ngành nhằm tránh chồng chéo, trùng lắp, nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, chủ động phòng ngừa vi phạm.

Thứ ba, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Chú trọng thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Thứ tư, các ngành, địa phương tổ chức phổ biến quán triệt, triển khai thực hiện Luật Thanh tra năm 2022 theo kế hoạch đã đề ra. Thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai minh bạch trong hoạt động thanh tra. Thanh tra tỉnh chú trọng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra về nghiệp vụ và công tác đối với các cơ quan thanh tra cấp dưới; thực hiện kịp thời thẩm quyền thanh tra lại đối với các Kết luận thanh tra của cấp sở và cấp huyện khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; tổ chức hướng dẫn, tổng hợp, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2024 của Thanh tra tỉnh và của các ngành, địa phương bảo đảm đúng thời gian theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022 và theo Định hướng chương trình thanh tra năm 2024 của Thanh tra Chính phủ.

Thứ năm, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan Thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022 và các Nghị định của Chính phủ; tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với đội ngũ công chức thanh tra. Từng cơ quan thanh tra tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 769/CT-TTCP và Thông tư số 01/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ, gắn với công tác cải cách hành chính, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tổ chức thực hiện tốt các hoạt động và phong trào thi đua trong ngành Thanh tra, trong Khối thi đua các ngành Nội chính tỉnh Bình Định, Cụm thi đua Thanh tra các tỉnh duyên hải miền Trung./.

 

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra