Về thời hạn giải quyết khiếu nại

Thứ ba, 07/08/2012 10:54
(ThanhtraVietnam) - Thời hạn thụ lý và thời hạn giải quyết theo Luật Khiếu nại  năm 2011 không có gì thay đổi so với Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, trong những quy định của pháp luật về thời hạn giải quyết khiếu nại hiện hành bộc lộ một số thiếu sót và bất cập nhất định.

Thứ nhất, thiếu sót trong quy định của Luật khiếu nại

Theo khoản 11 Điều 2 Luật Khiếu nại thì “giải quyết khiếu nại là việc thụ lý, xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết khiếu nại”. Vậy, thời hạn giải quyết khiếu nại có thể được hiểu là giới hạn khoảng thời gian mà theo luật định người giải quyết khiếu nại phải thực hiện xong việc giải quyết khiếu nại, tức là thực hiện xong việc thụ lý, xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết khiếu nại. Và cũng theo đó, khoảng thời gian trên bao gồm thời hạn thụ lý đơn và thời hạn giải quyết (xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết khiếu nại).

Điều 27 và Điều 36 Luật Khiếu nại quy định thời hạn thụ lý đơn là 10 ngày kể từ ngày cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân mình và đủ điều để thụ lý (không thuộc các trường hợp quy định tại điều 11 Luật Khiếu nại). Còn Thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 30 ngày (lần đầu), 45 ngày (lần hai), kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày (lần đầu), 60 ngày (lần hai); Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 45 ngày (lần đầu), 60 ngày (lần hai) kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 60 ngày (lần đầu), 70 ngày (lần hai), kể từ ngày thụ lý để giải quyết (Điều 28 và 37 Luật Khiếu nại).

Về lý thuyết cho phép chúng ta hiểu thời gian giải quyết khiếu nại là khoảng thời gian liên tục được tính từ lúc cơ quan nhà nước nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền hợp lệ và đủ điều kiện để thụ lý đến việc ban hành văn bản giải quyết khiếu nại. Nhưng theo Điều 28 và Điều 37 Luật Khiếu nại thì thời hạn giải quyết chỉ được tính từ thời điểm thụ lý đơn đến thời điểm ban hành quyết định giải quyết khiếu nại (không tính khoảng thời hạn thụ lý). Trong khoảng thời gian này, nếu vụ việc khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại lần 2 hai đến thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính (khoản 1 Điều 7 Luật Khiếu nại).

Vận dụng Điều 28 và Điều 37 để tính là thời hạn giải quyết khiếu nại, cơ sở để người khiếu nại thực quyền khiếu kiện (khiếu nại lần hoặc khởi kiện tại Toà án) thì rõ ràng là một thiếu sót. Bởi thực thế cho thấy, một số vụ việc trong quá trình giải quyết khiếu nại, người khiếu nại không ra văn bản thụ lý giải quyết khiếu nại, trong những trường hợp này thời hạn giải quyết khiếu nại được tính từ thời điểm nào để làm cơ sở công dân thực hiện quyền khiếu kiện tiếp theo của mình. Một thực tế nữa là nhiều trường hợp quá thời hạn luật cho phép (10 ngày) người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không thực hiện việc thụ lý khiếu nại của công dân. Trong trường hợp này, công dân có quyền khiếu kiện hay không?

Luật Khiếu nại cũng quy định một cách chung, không cụ thể về thời hạn thụ lý và thời hạn giải quyết khiếu nại dẫn đến việc hiểu và áp dụng theo hai hướng khác nhau: Hướng thứ nhất không bao gồm ngày lễ, ngày nghỉ. Thời hạn này thường được người khiếu nại áp dụng để khiếu nại vượt cấp; Hướng thứ hai không bao gồm này lễ, ngày nghỉ. Hướng này thường được cơ quan nhà nước tham gia trong quá trình giải quyết khiếu nại áp dụng để kéo dài thời gian trả lời công dân.

Thứ hai, bất cập với Luật Thanh tra năm 2010 về thời hạn giải quyết khiếu nại và thời hạn thanh tra.

Theo quy định của pháp luật hiện hành về giải quyết khiếu nại thì việc giải quyết khiếu nại sẽ trải qua nhiều công đoạn, công việc và mỗi công việc, công đoạn do một cơ quan, bộ phận khác nhay đảm nhiệm như: Thụ lý đơn và giao cho cá nhân, Chánh Thanh tra hoặc Thủ trưởng cơ quan chuyên môn (tuỳ thuộc tính chất vụ việc) tiến hành xác minh, kết luận và đề xuất biện pháp giải quyết; Xác minh, kết luận và đề xuất biện pháp giải quyết khiếu nại; Ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.

Trong hầu hết các vụ việc khiếu nại, trách nhiệm xác minh, kết luận và đề xuất biện pháp giải quyết đều do cơ quan thanh tra đảm nhiệm. Tuỳ thuộc vào tính chất vụ việc, cơ quan thanh tra có thể thành lập tổ xác minh hoặc đoàn thanh tra để xác minh, kết luận nội dung khiếu nại. Thời gian xác minh, kết luận nội dung khiếu nại và đề xuất biện pháp giải quyết của Chánh Thanh tra hoặc Thủ trưởng cơ quan chuyên môn ở đây phải ngắn hơn so với thời gian giải quyết khiếu nại vì nó không bao gồm thời gian ban hành văn bản của người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại.

Trong khi đó, theo khoản 1 Điều 45 Luật Thanh năm 2010 thì thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra được quy định như sau: Cuộc Thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 90 ngày. Đối với cuộc Thanh tra đặc biệt phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá 150 ngày; Cuộc thanh tra do Thanh tra tỉnh, Thanh tra bộ tiến hành không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 70  ngày; Cuộc thanh tra do Thanh tra huyện, thanh tra sở tiến hành không quá 30 ngày; ở miền núi, nơi nào đi lại khó khăn thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá 45 ngày.

Vậy, trong trường hợp giải quyết khiếu nại, đoàn thanh tra sẽ phải tuân theo quy định nào để đảm bảo tiến độ về thời gian thanh tra vì thời hạn thanh tra theo Luật Thanh tra còn dài hơn cả thời gian giải quyết khiếu nại và tiêu chí để tính thời gian cũng khác. Nếu như  tiêu chí để tính thời gian giải quyết khiếu nại theo Luật Khiếu nại tố giải quyết khiếu nại lần đầu, giải quyết khiếu nại lần hai; vụ việc phức tạp, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì tiêu chí để tính thời gian thanh tra là trường hợp phức tạp, đặt biệt phức tạp, ở miền núi, nơi nào đi lại khó khăn; ngoài ra còn phải phụ thuộc vào cuộc thanh tra đó do ai thực hiện, là Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra Bộ hay Thanh tra huyện, Thanh tra Sở.

Nếu xét theo quy trình giải quyết khiếu nại thì thời gian thanh tra (xác minh, kết luận nội dung khiếu nại) phải nằm trong khoảng thời gian giải quyết khiếu nại nhưng theo quy định về thời tiến hành một cuộc thanh tra của Luật Thanh tra đã nêu trên thì rõ ràng là bất cập.

Với cơ chế giải quyết khiếu nại tại cơ quan hành chính nhà nước như hiện  nay thì thời hạn giải quyết nêu trên có điểm còn chưa hợp lý. Ngoài việc quy định thời hạn giải quyết riêng cho những vụ việc phức tạp, vùng sâu, vùng đi lại khó khăn thì pháp luật cũng nên quy định thời hạn giải quyết riêng cho từng cấp hành chính. Pháp luật cũng cần có quy định quyền khiếu kiện của công dân trong trường hợp quá hạn mà khiếu nại không được thụ lý để đảm bảo tốt hơn quyền khiếu nại của công dân./.


Mai Văn Duẩn

 

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra