Góp phần chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”
Quảng Ninh là địa phương có vị trí trọng yếu về chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh và đối ngoại; dân số khoảng 1,32 triệu người với 22 dân tộc anh em; 13 đơn vị hành chính cấp huyện (4 thành phố, 2 thị xã và 7 huyện).
Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 10,28%, đứng thứ 2 và cao hơn nhiều so với GDP cả nước (ước đạt 2,58%); năng suất lao động xã hội bình quân đạt khoảng 320 triệu đồng/người/năm; đứng đầu xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; nhiều dự án động lực, trọng điểm với tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD được khởi động…
Việc hoàn thành dự án đường bao biển nối Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1 cùng với hoàn thành đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ nâng tổng chiều dài cao tốc của Quảng Ninh lên 175 km (chiếm 1/10 chiều dài đường cao tốc cả nước)… được kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển mới, dư địa phát triển mới, lợi thế cạnh tranh vượt trội, mang tính đột phá, tạo nên hành lang đô thị gắn với các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Số liệu thống kê giai đoạn 01/7/2012 đến 31/3/2022 cho thấy, qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã chuyển cơ quan điều tra 8 vụ; đã khởi tố, điều tra 78 vụ với 287 bị can; thu hồi hơn 194 tỷ đồng trong hơn 275 tỷ đồng bị thất thoát, chiếm đoạt.
Năm 2021, các cơ quan thanh tra đã thực hiện 32 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đối với 66 đơn vị và chỉ ra một số tồn tại trong thực hiện công khai, minh bạch; xử lý một số công chức, viên chức vi phạm về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử; kiến nghị kiểm điểm 13 tổ chức, 9 cá nhân.
Riêng Thanh tra tỉnh, qua thanh tra việc chấp hành pháp luật trong thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu đô thị du lịch mới phía tây đường ra cảng Vũng Đục tại Cẩm Phả do doanh nghiệp tư nhân sản xuất dịch vụ Hưng Đạo làm chủ đầu tư và thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất; việc thực hiện nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đối với ngân sách nhà nước của Công ty Cảng Hòn Gai – Vinashin đã phát hiện dấu hiệu sai phạm trong quản lý nhà nước của các đối tượng thanh tra; đã yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân và chuyển cơ quan điều tra tiếp tục giải quyết.
Từ 27 tin phản ánh, đơn tố cáo được tiếp nhận, giải quyết, đã phát hiện 5 vụ có dấu hiệu tham nhũng; đã khởi tố 5 vụ án hình sự với tội danh lạm dụng chức vụ, quyền hạn nhằm chiếm đoạt tài sản, nhận hối lộ và xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức, buộc thôi việc, cảnh cáo, khiển trách nhiều đối tượng bị tố cáo, phản ánh.
Theo lãnh đạo địa phương này, kết quả PCTN đã góp phần quan trọng trong xây dựng nền hành chính hiệu quả, minh bạch; sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm chi ngân sách thường xuyên tập trung nguồn lực cho đầu tư, phát triển; cơ cấu kinh tế tích cực theo hướng bền vững, thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đạt hiệu lực, hiệu quả, lòng tin của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền được nâng cao, kỷ cương, kỷ luật hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện.
Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, nhiều năm dẫn đầu cả nước ở các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và chỉ số hiệu quả quản trị, hành chính công cấp tỉnh.
Đối với chỉ số PCTN do Thanh tra Chính phủ đánh giá, trong 2 năm gần đây, Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm 10 địa phương đứng đầu cả nước.
Báo cáo tự đánh giá công tác PCTN năm 2021 của UBND tỉnh Quảng Ninh gửi Thanh tra Chính phủ vào tháng 6/2022 khẳng định, công tác này đã đạt kết quả đáng ghi nhận, có nhiều chuyển biến rõ nét, đặc biệt đã chuyển đổi căn bản nhận thức và trách nhiệm; đã đẩy mạnh phòng ngừa một cách đồng bộ, toàn diện, gắn kết với từng nhiệm vụ chính trị cụ thể, phòng ngừa bằng hệ thống tổ chức, bằng các quy chế hoạt động, bằng phối hợp hành động và chủ động kiểm tra, giám sát ngay trong quá trình thực hiện.
So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thu hồi các tài sản tham nhũng nâng cao, góp phần tạo hiệu quả tốt cho công tác đấu tranh PCTN trên địa bàn (thu hồi bằng biện pháp hành chính hơn 1.367 triệu đồng, đạt 100%; bằng biện pháp tư pháp hơn 158.677 triệu đồng, đạt 99%).
Còn khó khăn trong PCTN khu vực tư
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTN, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 đã khẳng định, công tác PCTN, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cơ bản như: Công tác tuyên truyền, giáo dục có mặt còn hạn chế, nhất là giáo dục liêm chính, xây dựng văn hóa tiết kiệm không tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức; cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn hình thức, hiệu quả chưa cao; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét; công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu; công tác giám định, định giá tài sản vẫn còn khó khăn; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp; hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân trong PCTN, tiêu cực chưa cao.
Bên cạnh một số hạn chế nêu trên, tại Quảng Ninh còn có những khó khăn, vướng mắc cụ thể trong quá trình thực hiện công tác PCTN. Đó là, việc thực hiện Luật PCTN gắn với công tác phòng chống lãng phí, thực hành tiết kiệm còn chưa đồng bộ; khâu phát hiện các vụ việc tham nhũng vẫn là khâu yếu, công tác tự kiểm tra phát hiện tham nhũng kết quả còn hạn chế (giai đoạn 2012 – 2022 chỉ phát hiện chuyển cơ quan điều tra duy nhất 1 vụ việc đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Chi cục tiêu chuẩn đo lường thuộc Sở Khoa học và Công nghệ).
Một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp cơ sở còn có tình trạng người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN.
Cụ thể hóa các quy định của pháp luật về PCTN vào thực tế địa phương, nhất là tại các xã, phường, doanh nghiệp còn lúng túng, dẫn tới công tác PCTN đạt hiệu quả chưa cao.
Một số nơi, lĩnh vực, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng còn hạn chế; kiểm soát kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ chưa chặt chẽ; nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp có xảy ra nhưng chưa được phát hiện, xử lý.
Một số phòng ban cấp huyện còn lúng túng trong việc thực thi quy định về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức do thời gian chuyển đổi ngắn (quy định 3 năm phải chuyển đổi); việc chuyển đổi vị trí công tác của người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, có tính đặc thù cũng gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ.
Khi triển khai công tác PCTN, thanh tra, kiểm tra công tác PCTN còn gặp khó khăn đối với các doanh nghiệp, tổ chức ở khu vực ngoài nhà nước do các đối tượng này chưa nhận thức đầy đủ vai trò, chức năng, trách nhiệm của mình trong công tác PCTN.
Tại các doanh nghiệp, việc công khai, minh bạch trong quản lý, hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thực sự được chú trọng do còn tâm lý giữ bí quyết kinh doanh, lo lắng ảnh hưởng đến lợi nhuận; việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử về đạo đức liêm chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa được quan tâm đầy đủ; quán triệt, học tập, triển khai pháp luật về PCTN còn hạn chế.
Các hành vi tham nhũng, gian lận trong kê khai tăng chi phí tiêu hao vật tư, gian lận trong thu mua nguyên liệu đầu vào, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp mình vì vụ lợi… đều rất tinh vi nên việc kiểm tra xác minh các sai phạm trên trong công tác thanh tra việc thực hiện Luật PCTN đối với các doanh nghiệp tổ chức ngoài quốc doanh rất khó thực hiện.
Ngoài ra, quá trình triển khai Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị còn một số nội dung bất cập như: Việc xác định đối tượng phải kê khai tài sản hàng năm, đối tượng “tương đương trở lên” chưa rõ ràng, gây nhiều cách hiểu khác nhau; chưa có quy định và hướng dẫn thực hiện quản lý bản kê khai đối với những cá nhân và cơ quan thực hiện cả hai nhiệm vụ đảng và chính quyền; chưa quy định cụ thể thời gian phải hoàn thành và nộp danh sách, bản kê khai về cơ quan kiểm soát tài sản theo phân cấp (là Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh); chưa quy định cơ quan đầu mối của địa phương lập danh sách, nhận bản kê khai của người kê khai từ giám đốc sở và tương đương trở lên để nộp về Thanh tra Chính phủ.
Nguyên nhân và giải pháp
UBND tỉnh Quảng Ninh nhận định, PCTN là công việc phức tạp, đòi hỏi phải tập trung rất cao sự chỉ đạo, điều hành cũng như nỗ lực thực hiện của cả hệ thống chính trị; gắn liền với hiệu quả xây dựng thể chế, cải cách bộ máy nhà nước và nền hành chính, cải cách tư pháp; liên quan đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức… Để thực hiện tốt việc này đòi hỏi phải có thời gian, có bước đi phù hợp và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, có sự ủng hộ cũng như phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của xã hội.
Từ thực tế công tác đấu tranh PCTN cho thấy, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng tập trung trong công tác quy hoạch, đất đai, môi trường, đầu tư công; tuyển dụng, bố trí cán bộ; thực hiện chính sách an sinh xã hội, y tế, giáo dục… do đó cần tiếp tục hoàn thiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, sơ hở về cơ chế chính sách trong các lĩnh vực trên; tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện tốt công tác cán bộ, thực hiện rà soát, sắp xếp, luân chuyển, bố trí cán bộ để tăng cường, củng cố, kiện toàn các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các đơn vị trọng yếu đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ PCTN.
Công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được triển khai tích cực, xong cần có biện pháp chỉ đạo quyết liệt hơn, đặc biệt là kiểm tra, giám sát thường xuyên, đồng thời có cơ chế xác định tài sản bất minh và quy định các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng, hướng tới xây dựng, thực hiện cơ chế để cán bộ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng.
Vai trò, trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức xã hội trong công tác đấu tranh PCTN cần nâng cao hơn nữa. Trọng tâm là tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả pháp luật PCTN đến đoàn viên, hội viên, đông đảo quần chúng nhân dân; thực hiện có hiệu quả hơn chức năng giám sát việc thực hiện các quy định nêu gương, quy định có liên quan đến kê khai, công khai tài sản, thu nhập và các biểu hiện không minh bạch về tài sản của cán bộ, công chức./.