|
|
TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra. Ảnh: K. Dung |
Bởi vì vấn đề này đang tồn tại đồng thời nhiều hạn chế, bất cập quan trọng. Cụ thể là:
Thứ nhất, pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở Việt Nam hiện nay mới quy định ở mức độ chung, sơ khai nhất về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong xác minh tài sản, thu nhập (TSTN) của người có chức vụ, quyền hạn, mà chưa có quy định hoặc quy định chưa rõ ràng, cụ thể về:
Thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong xác minh TSTN của người có chức vụ, quyền hạn; căn cứ, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn, thời hiệu, nội dung, biện pháp xác minh TSTN; hình thức pháp lý, giá trị và hậu quả pháp lý của văn bản kết luận xác minh TSTN; trách nhiệm pháp lý của cơ quan/người ban hành kết luận xác minh TSTN; điều kiện pháp lý, tổ chức - nhân sự, tài chính, kỹ thuật bảo đảm xác minh TSTN; vai trò của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong xác minh TSTN; vai trò của xã hội, người dân trong kiểm soát/xác minh TSTN; hợp tác quốc tế của Việt Nam trong kiểm soát/xác minh TSTN; vấn đề công khai, minh bạch, giải trình về kết luận và kết quả xác minh TSTN; khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với kết luận xác minh TSTN; áp dụng chế tài (hành chính, hình sự...) trong xử lý người kê khai TSTN không trung thực, không giải trình hợp lý nguồn gốc tài sản; xử lý tài sản, thu nhập không giải trình, không chứng minh được nguồn gốc....;
Thứ hai, hoạt động xác minh TSTN gặp nhiều rào cản chính trị - pháp lý. như: Phải bảo đảm quyền hiến định - về tài sản và bí mật thông tin về tài sản - của cán bộ, công chức, viên chức là đối tượng xác minh TSTN và các đối tượng liên quan; phải tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật dân sự Việt Nam về bí mật tài sản, bí mật ngân hàng - khách hàng; phải tuân thủ các hiệp định và thông lệ thương mại quốc tế mà Việt Nam là đối tác; phải tuân thủ các điều ước quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế phổ quát như UNCAC, UNODC mà Việt Nam là thành viên.
|
|
56 người tại 06 bộ và 02 đơn vị vừa được Thanh tra Chính phủ bốc thăm ngẫu nhiên, lựa chọn xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 . Ảnh: K. Dung |
Thứ ba, hoạt động xác minh tài sản gặp nhiều rào cản thực tiễn, chẳng hạn như: Trường hợp một người hoặc người thân thích của người đó mở nhiều tài khoản, sở hữu nhiều tài sản ở nhiều nơi trong và ngoài nước; việc xác minh đối với tiền, tài sản được người kê khai cất giữ tại nhà, nơi làm việc mà không được gửi hay quản lý bởi các cơ quan, tổ chức thí dụ như tiền mặt (VN đồng hoặc ngoại tệ) hoặc vàng bạc, kim cương, đá quý, cây cảnh, bàn ghế, tranh ảnh là không thể thực hiện được do thiếu các bảo đảm pháp lý và thực tiễn.
Trường hợp vợ, chồng, con (chưa thành niên) không biết không kê khai thông tin về tình trạng tài sản của nhau do ngay tình hoặc cố ý. Cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước... không có đủ thông tin, không buộc phải thực hiện, không có trách nhiệm hoặc né tránh trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông tin về tình trạng tài sản, thu nhập của khách hàng hàng, đối tác. Ngoài ra còn thiếu các bảo đảm về bộ máy - tổ chức - nhân sự; tài chính, kỹ thuật, kỹ năng - nghiệp vụ cho việc tổ chức xác minh TSTN của người có chức vụ, quyền hạn...
Việc lựa chọn người được xác minh ngẫu nhiên theo quy định của Nghị định 130 của Chính phủ (số cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành xác minh bằng tối thiểu 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của mình và số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai) dẫn đến số lượng người thuộc diện phải xác minh ngẫu nhiên quá lớn, gây quá tải cho cơ quan kiểm soát TSTN trong bối cảnh hạn hẹp về tổ chức, biên chế, nguồn lực, đồng thời vẫn phải đảm nhiệm đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ khác.
Mặt khác, quy định này có thể làm cho việc xác minh bị kéo dài hoặc trở nên hình thức, kém hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu của công tác kiểm soát TSTN. Đó là chưa kể số lượng người được xác minh theo quy định khác cũng là con số không hề nhỏ, chẳng hạn như xác minh phục vụ công tác cán bộ.
Có thể nhận thấy cách lựa chọn ngẫu nhiên để xác minh mang nặng tính cơ học, dàn trải, không có mục tiêu rõ ràng và không trọng tâm vì không “ưu tiên - tập trung - khoanh vùng" xác minh những đối tượng, nhóm đối tượng có dấu hiệu tham nhũng hay có nguy cơ tham nhũng cao.
Thứ tư là bất cập của chế tài và chính sách xử lý trong trường hợp kê khai TSTN không trung thực, giải trình nguồn gốc TSTN không hợp lý.
Hiện nay, việc xử lý các trường hợp trên được thực hiện theo Quy định số 85-QĐ/TW ngày xử lý các của Bộ Chính trị về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; điều 51 Luật PCTN năm 2018; Điều 20 đến Điều 22 Nghị định số 130-NĐ/CP.
Các hình thức xử lý đối với người kẻ khai TSTN không trung thực gồm xóa tên ứng cử, không bổ nhiệm hay hình thức xử lý hành chính khác (cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, buộc thôi việc, bãi nhiệm, không đưa vào quy hoạch) hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (khoản 2 Điều 94 Luật PCTN năm 2018) (Pháp luật hiện hành cũng chưa có chế tài xử lý đối với những cơ quan, tổ chức không phối hợp, cung cấp thông tin về TSTN của người có nghĩa vụ kê khai theo quy định của pháp luật, đặc biệt là những cơ quan đặc thù như kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan công an, quản lý thuế, hải quan, quản lý về đất đai, đăng ký tài sản...).
Điều dễ nhận thấy là chế tài bảo đảm trong kiểm soát TSTN hiện nay mới chỉ áp dụng trong xử lý con người và chủ yếu là chế tài chính trị và hành chính mà chưa áp dụng đối với tài sản trong 03 trường hợp: (i) Tài sản bị che giấu; (ii) tài sản kê khai không trung thực; (iii) tài sản được kê khai đầy đủ hoặc kê khai không đầy đủ, trung thực nhưng đối tượng không giải trình hợp lý nguồn gốc.
Đây là những vấn đề hết sức quan trọng, phức tạp về thể chế và thực tiễn hiện vẫn còn bỏ ngỏ, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và Nhân dân qua một số câu hỏi chung: Việc thực hiện kê khai, công khai, xác minh TSTN của người có chức vụ, quyền hạn còn có mục đích cụ thể gì khác lớn hơn ngoài mục đích xử lý kỷ luật hành hành chính hay kỷ luật Đảng đối với người có chức vụ, quyền hạn? làm thể nào để thu hồi được tài sản có nguồn gốc bất mình nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền không có chứng cứ chứng minh hành vi tham nhũng của chủ thể tài sản?...
Vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng chuyển trả chủ sở hữu hợp pháp hoặc chủ quản lý hợp pháp là mục tiêu tối thượng của UNCAC. Đây dũng là chủ trương lớn trong cuộc đấu tranh PCTN ở Việt Nam. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy còn rất nhiều rào cản pháp lý và thực tiễn khi áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản nói trên theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong chu trình kiểm soát TSTN ở Việt Nam hiện nay. Đây cũng là một trong những khuyến nghị quan trọng và thiết thực hàng đầu của UNCAC đối với các quốc gia thành viên.
Để giải quyết tồn tại này, cần rà soát sửa đổi, bổ sung Luật PCTN năm 2018 theo hướng TSTN nếu không chứng minh được nguồn gốc một cách hợp lý sẽ bị áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như phong tỏa, tạm giữ, ngăn chặn giao dịch, đóng thuế, tịch thu không qua thủ tục kết tội hoặc chủ thể hoặc xử lý hình sự đối với chủ thể của tài sản.
(Còn nữa)
K. Dung (tổng hợp)