Xây dựng lực lượng Thanh tra Công an Quảng Bình đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

Thứ hai, 17/07/2023 17:19
(ThanhtraVietNam) - Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân, truyền thống tốt đẹp của Thanh tra Công an nhân dân, 56 năm qua lực lượng Thanh tra Công an Quảng Bình không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự của tỉnh Quảng Bình.

Thanh tra công an Quảng Bình: Các giải pháp nâng cao hiệu quả thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nai, tố cáo

Từ chỗ chỉ có một bộ phận công tác thuộc Văn phòng Ty Công an với nhiệm vụ giúp lãnh đạo theo dõi, giải quyết đơn thư khiếu tố, nay đã có một tổ chức độc lập cấp phòng là Thanh tra Công an tỉnh. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp về nghiệp vụ của Thanh tra Bộ Công an, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ Thanh tra Công an tỉnh Quảng Bình không ngừng được kiện toàn, chất lượng nghiệp vụ, hiệu quả công tác được nâng lên rõ rệt.

Đến nay, lực lượng Thanh tra Công an Quảng Bình có 17 cán bộ thanh tra chuyên trách và 8 cán bộ thanh tra kiêm nhiệm được bố trí tại Công an cấp huyện. Trước đây, cán bộ làm công tác thanh tra chủ yếu trưởng thành từ thực tiễn, ít được đào tạo cơ bản, đến nay 100% cán bộ được đào tạo có trình độ từ đại học trở lên và được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra qua các lớp do Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Công an và Thanh tra tỉnh tổ chức.

leftcenterrightdel
Một buổi họp của Thanh tra Công an Quảng Bình. (Ảnh: Phạm Xuân Thái) 

Đặc biệt, công tác thanh tra từ chỗ chỉ giải quyết các vụ việc cụ thể, đơn thuần xét khiếu tố đã vươn lên việc thanh tra chính sách pháp luật diện rộng, quy mô lớn: Thanh tra chống tiêu cực, tham nhũng; thanh tra chuyên ngành lĩnh vực an ninh trật tự thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Giám đốc Công an tỉnh. Gắn thanh tra với giải quyết khiếu kiện ở cơ sở để ổn định tình hình, đảm bảo cho công tác quản lý, điều hành của Công an các cấp. Quá trình thanh tra gắn với việc kiểm tra, hướng dẫn nhằm phát huy năng lực chủ động ở cơ sở, nâng cao hiệu quả của từng cuộc thanh tra. Qua đó, khẳng định sự lớn mạnh không ngừng về mọi mặt của lực lượng Thanh tra Công an tỉnh Quảng Bình.

Tuy nhiên, thực tiễn công tác cho thấy, một bộ phận cán bộ làm công tác thanh tra có phong cách làm việc chưa thật sự tiến bộ, chậm đổi mới; còn nể nang, ngại va chạm; tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao. Năng lực thực thi pháp luật, khoa học, công nghệ hiện đại trong công tác còn hạn chế. Số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ thanh tra chưa đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài; thiếu đội ngũ cán bộ nòng cốt kế cận có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao.

Mặt khác, ở một số đơn vị cấp phòng, Công an cấp huyện không bố trí đủ số lượng cán bộ thanh tra chuyên trách, kiêm nhiệm, dẫn đến việc thực hiện các mặt công tác thanh tra còn chưa hiệu quả. Cán bộ thanh tra kiêm nhiệm ở Công an cấp huyện không ổn định, đa số chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra dẫn đến còn lúng túng trong việc thực hiện các mặt công tác thanh tra tại đơn vị.

Ngoài ra, một số quy định về chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nâng ngạch đối với thanh tra viên còn chưa phù hợp, thiếu thống nhất và thấp hơn so với các chức danh nghiệp vụ khác trong Công an nhân dân, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi, tâm tư của cán bộ, không thu hút được số cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực tốt gắn bó lâu dài với lực lượng Thanh tra.

leftcenterrightdel
Đại hội Chi bộ Thanh tra Công an tỉnh lần thứ VI. (Ảnh: Phạm Xuân Thái) 

Từ thực tế trên, để thực hiện có hiệu quả “Chiến lược phát triển ngành Thanh tra năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ và Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, đặc biệt, để xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra Công an tỉnh Quảng Bình “vừa hồng, vừa chuyên”, thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau đây:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, lãnh đạo Công an tỉnh trong xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra. Thực tế cho thấy, đơn vị nào, cấp ủy, thủ trưởng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác thanh tra, tăng cường cán bộ có chất lượng, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, bố trí kinh phí hợp lý, thì ở đó công tác thanh tra đạt kết quả tốt, vai trò, vị thế của cơ quan thanh tra được khẳng định, đánh giá cao. Vì thế, hằng năm, cấp ủy, lãnh đạo Công an tỉnh cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch để nâng cao hiệu quả công tác này. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Công an tỉnh. Bên cạnh đó, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ thanh tra, phòng ngừa, ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời, kiên quyết không để xảy ra sai phạm, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định, hướng dẫn, quy trình công tác thanh tra; nhất là quy định về tổ chức, bộ máy cơ quan Thanh tra Công an tỉnh, Công an huyện, chức năng, nhiệm vụ, tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra; tạo cơ sở pháp lý để kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan Thanh tra Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc xây dựng tổ chức, bộ máy phải đảm bảo bám sát Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thanh tra phải bảo đảm tiêu chuẩn, tiêu chí theo Quy định số 02-QĐi/ĐUCA của Đảng ủy Công an Trung ương về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở bốn cấp Công an. Đồng thời, quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ thanh tra phải bảo đảm tương đương với các ngạch chức danh nghiệp vụ khác trong Công an nhân dân để thu hút cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực tốt làm công tác thanh tra, gắn bó lâu dài với lực lượng thanh tra.

leftcenterrightdel
 Hoạt động của Công an nhân dân tại tỉnh Quảng Bình. Ảnh: PXT

Ba là, chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ thanh tra để giúp họ nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò trách nhiệm của mình, thực sự là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện tiêu cực, sai phạm, chống các hành vi vi phạm pháp luật, thực hiện đúng kỷ cương, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước. Thường xuyên phổ biến, quán triệt để đội ngũ cán bộ thanh tra thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, khóa XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Thông tư số 05/2011/TT-TTCP của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định về phòng, chống tham nhũng trong ngành Thanh tra. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục theo hướng thiết thực, hiệu quả, chú trọng giáo dục, tôn vinh những tấm gương tiêu biểu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Qua đó, xây dựng động cơ nghề nghiệp đúng đắn, nâng cao ý thức trách nhiệm, tính trung thực, tự giác của mỗi cán bộ, giữ vững phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ thanh tra, xứng đáng “là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”.

Bốn là, hoàn thiện hệ thống chức danh vị trí việc làm và công tác phân tích công việc cho đội ngũ cán bộ thanh tra trong Công an nhân dân. Đây là một nội dung đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra Công an nhân dân, là cơ sở giúp cán bộ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Xác định vị trí việc làm phải dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ, đối tượng quản lý của đội ngũ cán bộ thanh tra. Gắn các kết quả phân tích công việc với các hoạt động khác trong công tác quản lý đội ngũ cán bộ thanh tra như nhận xét, đánh giá, quy hoạch, sử dụng cán bộ... Từ các bản phân tích công việc, bản mô tả vị trí việc làm và các tiêu chuẩn đối với từng vị trí công việc, Công an các đơn vị, địa phương sẽ thống kê được những cán bộ hiện tại chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, là cơ sở cho việc bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ thanh tra, đảm bảo hoạt động của đội ngũ hiệu quả hơn.

Năm là, tập trung làm tốt việc xây dựng quy hoạch cán bộ thanh tra trong quy hoạch tổng thể về xây dựng đội ngũ cán bộ của lực lượng Công an nhân dân, phù hợp với tình hình của cán bộ và yêu cầu nhiệm vụ của công tác xây dựng lực lượng nói chung, công tác thanh tra, kiểm tra nói riêng. Quy hoạch cán bộ là để xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt nên cần phải chú ý cả về số lượng, chất lượng đối với từng loại, từng cấp, quy hoạch theo yêu cầu trước mắt, lâu dài. Cấp ủy, lãnh đạo đơn vị cần căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, tổ chức, biên chế và tình hình đội ngũ cán bộ thanh tra để lập kế hoạch tạo nguồn cán bộ. Định kỳ rà soát cán bộ trong diện quy hoạch lãnh đạo, chỉ huy; xem xét, lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ có đủ tiêu chuẩn, gương mẫu về mọi mặt, có trình độ, năng lực thực tiễn tốt, nhạy bén; có uy tín, quy tụ được cán bộ, đảng viên trong đơn vị. Đặc biệt, quy hoạch phải có tiêu chí về số lượng, chất lượng của đội ngũ cán bộ thanh tra; thực hiện điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ Thanh tra Công an nhân dân các cấp nhằm tạo điều kiện cho cán bộ thanh tra phát huy khả năng trong các môi trường, lĩnh vực, điều kiện và cương vị công tác khác nhau; khắc phục tình trạng do phụ trách, theo dõi quá lâu một lĩnh vực, một địa bàn dễ phát sinh tư tưởng chủ quan, thiếu nhạy bén, nể nang, khép kín; thậm chí có thể có những tác động tiêu cực trong quan hệ và tình cảm, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công việc.

Sáu là, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thi hành công tác thanh tra trong Công an nhân dân. Công tác kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ cán bộ thanh tra trong Công an nhân dân được xác định là công cụ quan trọng trong việc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chấn chỉnh tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ này, góp phần tích cực vào việc đánh giá và sử dụng đội ngũ cán bộ thanh tra nói riêng và đội ngũ cán bộ Công an nhân dân nói chung. Để thực hiện tốt vấn đề này, đòi hỏi cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra và hiện thực hóa trong thực tiễn. Gắn kết hoạt động thanh tra với công tác đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ thanh tra. Lựa chọn người có đủ đức, đủ tài vào phụ trách công việc chủ chốt, mũi nhọn để phát huy ảnh hưởng tích cực trong cơ quan thanh tra. Song song với đó, cần kịp thời phát hiện, xử lý đưa ra khỏi cơ quan Thanh tra những cán bộ có biểu hiện vi phạm đạo đức, tham ô, tham nhũng, vi phạm pháp luật và vi phạm quy trình công tác./.

Thượng úy Phạm Xuân Thái
Thanh tra Công an tỉnh Quảng Bình
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra