Xử lý kỷ luật cán bộ, công chức về hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực

Thứ ba, 20/10/2020 15:45
(ThanhtraVietNam) - Xử lý cán bộ công chức (CBCC) có hành vi vi phạm pháp luật về tham nhũng là vấn đề quan trọng, cần thiết, là khâu cuối cùng trong quá trình đấu tranh với hành vi tham nhũng. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) đạt hiệu quả cao, một phần lớn nhờ vào việc xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về tham nhũng. Do đó, việc xử lý kỷ luật CBCC vi phạm pháp luật về tham nhũng phải được thực hiện chính xác, nghiêm minh, công bằng. Để làm được điều đó, hoạt động xử lý kỷ luật CBCC cần phải dựa trên những căn cứ pháp lý vững chắc.

 1. Trách nhiệm kỷ luật của cán bộ, công chức

Theo Điều 4, Luật CBCC năm 2008, “cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.”(1)

Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.”(2)

“Cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội; công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.”(3)

Như vậy, CBCC là đội ngũ đặc biệt trong xã hội, họ tách ra khỏi hoạt động sản xuất trực tiếp. CBCC được đảm nhận những công việc nhất định, mang tính đại diện cho xã hội, nhằm hướng tới phục vụ và bảo vệ lợi ích Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. CBCC được đảm bảo có công việc ổn định, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Ngân sách Nhà nước - do nhân dân đóng góp là phần lớn, chủ yếu. Do đó, CBCC phải tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân trong quá trình thực thi công vụ. Hành vi công vụ của CBCC phải rõ ràng, minh bạch, chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền và nhân dân. Những hành vi vi phạm pháp luật của CBCC phải bị xử lý nghiêm minh. Khi CBCC vi phạm pháp luật, có thể phải chịu các loại trách nhiệm pháp lý như: Trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính và nghiêm khắc nhất là trách nhiệm hình sự. Đó là sự bắt buộc phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi do có hành vi vi phạm pháp luật của CBCC. Trong đó, trách nhiệm kỷ luật được xác định là trách nhiệm pháp lý do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền áp dụng đối với CBCC khi CBCC vi phạm các quy định về nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp; vi phạm những quy định về những việc CBCC không được làm và vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên là có tội hoặc bị cơ quan có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về hành vi vi phạm pháp luật.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Cán bộ vi phạm quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm. Việc cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ. Cán bộ phạm tội bị tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.(4)

Công chức vi phạm quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc. Hình thức giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.(5)

Hoạt động xử lý kỷ luật CBCC phải bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý, kịp thời, nhanh chóng, nghiêm minh, công bằng và trên cơ sở tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ các quyền, giá trị con người.

2. Trách nhiệm kỷ luật cán bộ, công chức vi phạm về hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực

CBCC là một trong những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập(6). Khi kê khai tài sản, thu nhập, người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập(7).

CBCC phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập. Khi vi phạm quy định về nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm, thì CBCC đã vi phạm pháp luật(8).

Do đó, CBCC phải chịu trách nhiệm pháp lý. Trong đó, CBCC mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm(9).

Cán bộ vi phạm quy định về nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm, thì chịu trách nhiệm kỷ luật một trong các hình thức: Cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm. Hình thức xử lý kỷ luật “Khiển trách” không đặt ra đối với CBCC vi phạm quy định về nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, CBCC bị xử lý kỷ luật bằng một trong những hình thức kỷ luật như trên.

3. Đánh giá và góp ý quy định có liên quan trong Dự thảo Nghị định quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập

Thứ nhất, một trong những nguyên tắc của văn bản quy định chi tiết thi hành luật là chỉ được quy định những nội dung được giao, không được quy định vượt quá phạm vi nội dung được giao. Tuy nhiên, tại Khoản 1, Điều 26 Dự thảo Nghị định của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập (Dự thảo)(10), xử lý vi phạm đối với người kê khai vi phạm quy định về nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm, thì tùy tính chất, mức độ mà bị xử lý cảnh cáo, miễn nhiệm. Trong Luật PCTN năm 2018, quy định 06 hình thức kỷ luật, trong Dự thảo chỉ quy định 02 hình thức kỷ luật, trong đó, hình thức kỷ luật miễn nhiệm không được quy định trong Luật năm 2018, nhưng lại được quy định tại Dự thảo. Miễn nhiệm không phải là một hình thức kỷ luật CBCC. Do đó, Dự thảo đưa ra trách nhiệm kỷ luật miễn nhiệm là chưa chính xác. Tác giả cho rằng, đây có thể là lỗi về mặt kỹ thuật trong quá trình soạn thảo văn bản. Điều này, cần phải được khắc phục khi Dự thảo trở thành văn bản chính thức. Bên cạnh đó, Dự thảo phải khắc phục cho phù hợp, đầy đủ các hình thức kỷ luật như trong Luật năm 2018 đã quy định.

Thứ hai, Luật năm 2018 quy định loại trách nhiệm pháp lý kỷ luật và các hình thức kỷ luật đối với CBCC khi vi phạm về nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, đồng thời, giao trách nhiệm cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung xử lý kỷ luật đó. Trong Dự thảo, sử dụng cụm từ “tùy tính chất, mức độ” giống như trong Luật năm 2018, mà không quy định chi tiết. Nếu quy định như Dự thảo, thì không đáp ứng được yêu cầu của một văn bản quy định chi tiết. Luật của Quốc hội không thể tự mình quy định chi tiết tất cả các vấn đề thuộc quyền lập pháp. Do vậy, mới đặt ra vấn đề ủy quyền lập pháp của Quốc hội giao cho Chính phủ ban hành văn bản quy định chi tiết Luật năm 2018.

Dự thảo cần quy định cụ thể hơn nữa tính chất, mức độ tương ứng với từng hình thức kỷ luật. Để việc truy cứu trách nhiệm pháp lý được chính xác, nghiêm minh, công bằng, tránh sự tùy tiện, lạm quyền… thì cần phải được tiến hành dựa trên những căn cứ vững chắc. Chúng ta có thể căn cứ vào mức chênh lệch tài sản, thu nhập kê khai không trung thực để tiến hành xác định hình thức trách nhiệm pháp lý tương ứng./.

Dương Văn Quý

Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk

Chú thích:

(1), (2), (3) Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2019;

(4) Điều 78 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2019;

(5) Điều 79 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2019;

(6) Khoản 1, Điều 34 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018;

(7) Khoản 2, Điều 33 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018;

(8) Điểm g, Khoản 1, Điều 94 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018;

(9) Điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018;

(10)Http://www.thanhtra.gov.vn/ct/news/Lists/LayYKienNhanDanVeDuThaoQPPL/View_Detail.aspx?ItemId=81.

 

 

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra