Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường với sự lây lan mạnh mẽ của biến chủng Delta tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Trong nước, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tại một số địa phương vẫn còn tình trạng người dân di chuyển, lưu thông với số lượng lớn và vẫn tiếp tục ghi nhận các ca bệnh trong cộng đồng.
Trước thực trạng này, ngày 02/9/2021, Bộ Y tế đã gửi Công điện số 1305/CĐ-BYT đến UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19. Bộ cho biết, nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để khoanh vùng, cách ly, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh lây lan, bùng phát, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố đang không thực hiện giãn cách xã hội tăng cường xét nghiệm sàng lọc Covid-19. (Ảnh: Bộ Y tế)
Với các địa phương đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, thực hiện nghiêm các nội dung theo Công điện 1068/CĐ-TTg ngày 05/8/2021, Công điện 1099/CĐ-TTg ngày 22/8/2021, Công điện 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện 1168/CĐ-BYT ngày 07/8/2021 của Bộ Y tế về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Trong đó, đặc biệt lưu ý việc đánh giá tình hình dịch nhằm phân loại các khu vực theo mức độ nguy cơ để triển khai thực hiện việc xét nghiệm thần tốc.
Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác xét nghiệm trên diện rộng, trước tiên tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách. Tiếp tục tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm trong vòng 24 giờ để đảm bảo giá trị và tiến độ xét nghiệm.
Đáng chú ý, Bộ Y tế đề nghị, đến ngày 15/9/2021: Tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần); lấy mẫu đơn kháng nguyên nhanh hoặc lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình. Tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác, lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần); lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình.
Tiếp tục xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng. Thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động (là các trường hợp có nguy cơ cao) tại các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, người trực tiếp cung cấp dịch vụ thiết yếu.
Đối với các địa phương khác, căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động sàng lọc, giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng. Áp dụng phương pháp xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh kết hợp với việc gộp mẫu phù hợp.
Thực hiện xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến cơ sở khám, chữa bệnh hoặc tại cộng đồng để có biện pháp đáp ứng khoanh vùng, cách ly kịp thời, không để lây lan cộng đồng.
Bên cạnh đó, giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu toàn bộ hoặc đại diện thành viên nhà ở, hộ gia đình, người có tần suất tiếp xúc nhiều bên ngoài (thuộc nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu, nhân viên ngân hàng, tiếp thị, người làm việc trong chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, người giao hàng...) và người sống ở khu vực nguy cơ tập trung đông người nguy cơ cao (nhà trọ, khu dân cư mật độ dân số cao…).
Riêng với nhân viên, người lao động tại các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, người trực tiếp cung cấp dịch vụ thiết yếu thực hiện xét nghiệm 5-7 ngày/lần. Ngoài ra, tổ chức hướng dẫn người dân, người lao động tại cơ sở sản xuất, khu công nghiệp tự lấy mẫu xét nghiệm để chuẩn bị cho trường hợp dịch bệnh lây lan rộng./.
Bộ Y tế cho biết, tính từ 17h ngày 04/9 đến 17h ngày 05/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.137 ca nhiễm mới, trong đó 36 ca nhập cảnh và 13.101 ca ghi nhận trong nước (có 7.521 ca trong cộng đồng). 3 tỉnh, thành phố có số ca mắc cao nhất cả nước, gồm: TP. Hồ Chí Minh (6.226), Bình Dương (3.540), Đồng Nai (1.243).
Đồng thời, có 9.211 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 291.727 trường hợp.
Trong ngày 04/9 có 336.381 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 21.445.181 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 18.246.636 liều, tiêm mũi 2 là 3.198.545 liều.
|
Minh Nguyệt