Coi công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ hàng đầu

Thứ năm, 08/07/2021 15:50
(ThanhtraVietNam) – Những ngày đầu tháng 7/2021, dịch Covid-19 ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp với 500-1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Đáng nói, tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và một số tỉnh, thành phố dịch Covid-19 vẫn có xu hướng lây lan nhanh. Do đó, quyết liệt, mạnh mẽ và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch là nhiệm vụ cấp bách các địa phương cần tiếp tục triển khai.

Hà Nội tăng cường phòng, chống lây nhiễm SARS-CoV-2 trong hoạt động vận tải

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng điện thoại” để cài đặt Bluezone

Không để bất kỳ người dân nào thiếu đói do dịch bệnh COVID-19

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, ngày 03/7, cả nước ghi nhận 913 ca nhiễm mới trong nước, các ngày tiếp theo 4/7, 5/7, 6/7, 7/7 con số lần lượt là 876, 1089, 1019 và 997 ca. Riêng sáng ngày  8/7, cả nước ghi nhận 314 ca nhiễm Covid-19 trong nước tại TP. HCM (234), Bình Dương (80); tuy nhiên có 264 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả, số còn lại là trong cộng đồng. Có thể thấy rằng, số ca nhiễm, lây lan trong cộng đồng vẫn nhiều và dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Trong những ngày qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và Tỉnh uỷ, UBND các tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương có các đô thị lớn, khu công nghiệp và nhiều ca nhiễm mới Covid-19 đều có các giải pháp và những văn bản chị đạo kịp thời, quyết liệt, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Đối với các thành phố lớn và tỉnh có đô thị lớn vẫn đang siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, xử phạt; yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và tỉnh/thành phố về phòng, chống dịch.

Hiện tại, các địa phương này cũng hạn chế tối đa hoạt động vận tải hành khách công cộng từ các vùng dịch theo công bố, cập nhật của Bộ Y tế. Kiểm soát chặt chẽ hành khách đi các phương tiện vận tải hành khách công cộng (xe khách liên tỉnh, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch trên địa bàn).

Đặc biệt, các địa phương đang rà soát lại kế hoạch phòng, chống dịch để điều chỉnh đáp ứng với tình huống dịch bùng phát, lan rộng. Rà soát các cơ sở trên địa bàn để thiết lập các khu vực cách ly tập trung và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực sẵn sàng tiếp nhận cách ly tập trung F1.

leftcenterrightdel
 Phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ hàng đầu trong bối cảnh hiện nay. (Ảnh: Bộ Y tế)

Đáng chú ý, đối với tỉnh, thành phố có các khu công nghiệp, khu chế xuất tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tại đây. Thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện phòng, chống dịch của các doanh nghiệp, kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động nếu không đảm bảo an toàn. Cùng với đó, tuyên truyền sâu rộng cho công nhân về các biện pháp phòng, chống dịch nhằm đảm bảo an toàn trong nhà máy, dây chuyền sản xuất…

Ngày 06/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện hoả tốc gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện mục tiêu kép. Trong đó, yêu cầu UBND TP. HCM tăng cường chỉ đạo các biện pháp mạnh mẽ, dứt khoát, triệt để hơn nhằm sớm cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, khống chế các ổ dịch.

Tiếp đó, ngày 7/7/2021, UBND TP. Hà Nội ban hành Công điện hoả tốc về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình, diễn biến mới của dịch bệnh. Theo đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, và xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; tăng cường kiểm soát toàn bộ hoạt động vận tải từ các vùng dịch về thành phố; giám sát, quản lý chặt chẽ người về từ các vùng/tỉnh thành phố có dịch.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, trong đó đặc biệt lưu ý đến các khu vực có nguy cơ cao, gồm: Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chung cư, cơ sở khám chữa bệnh, trường, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, nơi tập trung đông người… Mặt khác, chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn và các lực lượng chức năng tại cơ sở thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của người dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ; kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm các quy định.

Tại Bắc Ninh, trong Hội nghị họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra vào chiều ngày 7/7, bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh nêu rõ: Bắc Ninh sau 28 ngày, 6 huyện, thị xã không ghi nhận ca mắc mới thì nay một số huyện đã xuất hiện ca mắc mới trong cộng đồng; huyện Gia Bình đã có ca nhiễm cộng đồng đầu tiên.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các sở, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Tạm dừng các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, tập trung đông trên 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện, trường học; thực hiện quản lý tốt các nhà trọ. Đồng thời, nêu cao tinh thần cảnh giác, nắm bắt tình hình, coi công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu. Nếu địa phương nào để dịch bùng phát do chủ quan, lơ là thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Trong khi đó, TP. HCM sẽ áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn thành phố từ 0h ngày 9/7. Thời gian áp dụng trong 15 ngày. Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành chỉ đạo tạm ngưng hoạt động các loại hình vận tải công cộng, xe hai bánh kết nối công nghệ với hành khách, xe ôm. Người dân chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp cần thiết: Mua thực phẩm, thuốc men, thực hiện nhiệm vụ công vụ.

Hiện nay, Bộ Y tế rất sát sao để ban hành kịp thời những chỉ đạo, điều hành về phòng, chống dịch theo diễn cụ thể; song song là việc nỗ lực hết mình hỗ trợ các địa phương chống dịch cả về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị cũng như kế hoạch, phương án chống dịch.

Tuy nhiên, đối với các thành phố, đô thị lớn, tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, ý thức của người dân vẫn là điều quan trọng nhất. Trong lúc cả hệ thống chính trị đang quyết liệt tập trung phòng, chống dịch, mỗi người dân nêu cao ý thức, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế là góp phần vào thành công của công cuộc chống dịch ở nước ta./.

Hoàng Minh

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra