Phó Tổng thống Mỹ thăm kho vaccine tiêm chủng quốc gia của Việt Nam. Nguồn: Bộ Y tế cung cấp
Trên thực tế, nguồn vaccine trên thế giới cũng không dồi dào. Cần 10 tỉ liều để đạt miễn dịch cộng đồng toàn cầu, nhưng đến giữa năm 2021, chỉ có khoảng 4,5 tỉ liều. Theo đánh giá của các chuyên gia, sự khan hiếm, tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine trên thế giới, khả năng cung ứng có giới hạn, đứt gãy chuỗi cung ứng là những nguyên nhân khiến tiến trình thực hiện các cam kết và bàn giao vaccine cũng được triển khai khá chậm.
Sớm dự báo được tình hình, việc tăng cường ngoại giao vaccine đã được nhanh chóng triển khai và thu được kết quả tốt. Quan điểm là ngoại giao vaccine là giải pháp vừa có ý nghĩa cấp bách, vừa lâu dài, nhằm bảo đảm nguồn vaccine để bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời tạo điều kiện khôi phục các hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh bình thường, nhất là trong tình hình thiếu hụt vaccine và tiếp cận bất bình đẳng về vaccine trên toàn cầu như hiện nay, đặc biệt khi vaccine do Việt Nam sản xuất vẫn đang trong quá trình thử nghiệm thì “ngoại giao vaccine” là con đường hiệu quả nhất nhằm giúp đất nước tiếp cận các nguồn vaccine trên thế giới.
Sự kiện, hơn triệu liều vaccine Pfizer có mặt tại Việt Nam sau chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ cũng là một minh chứng cho thành quả ngoại giao vaccine. Tính đến nay, đã có khoảng 8 triệu liều vaccine được cung ứng cho Việt Nam do Chính phủ Mỹ viện trợ thông qua COVAX và qua hình thức mua trực tiếp từ hãng Pfizer/BioTech.
Liên quan đến vaccine Pfizer, sau cuộc điện đàm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tối 20.8, ông Albert Bourla, Chủ tịch Công ty Pfizer, cam kết nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giao vaccine cho Việt Nam ngay trong tháng 8-9.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã điện đàm với Thủ tướng 16 nước; gửi thư, điện cho lãnh đạo 22 nước; điện đàm và gửi thư cho 10 tổ chức quốc tế để thúc đẩy ngoại giao vaccine. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan cùng với hơn 90 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc. Theo Bộ Ngoại giao, không có cuộc làm việc đối ngoại nào không đề cập đến hợp tác về vaccine cũng như tiếp cận nguồn vaccine của các đối tác.
Đặc biệt, ngày 18.8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi thư cho lãnh đạo EU mong muốn EU xem xét hỗ trợ vaccine cho Việt Nam, có tiếng nói đề nghị COVAX ưu tiên phân bổ vaccine cho Việt Nam.
Nhiều nước thuộc Liên minh Châu Âu đã viện trợ vaccine cho Việt Nam như Chính phủ Italia tài trợ 801.600 liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX, Romania đã quyết định tăng số lượng vaccine viện trợ cho Việt Nam lên 300.000 liều, gấp 3 lần so với dự kiến ban đầu…
Ngày 13.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg về thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng Tổ công tác.
Tổ công tác có nhiệm vụ xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 từ các đối tác song phương và đa phương; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các biện pháp cần triển khai.
Ngoài ra, tìm kiếm, hỗ trợ, thúc đẩy triển khai và đôn đốc việc đàm phán, nhập khẩu, tiếp nhận vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tham mưu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo nhằm tiếp nhận nhanh nhất, nhiều nhất, sớm nhất có thể.
Các chuyên gia đánh giá, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính đảm nhiệm vai trò Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 cũng tạo thuận lợi hơn để thúc đẩy ngoại giao vaccine.
Qua nguồn ngoại giao, kết hợp với nguồn mua vaccine Việt Nam đã nhận được khoảng 25 triệu liều vaccine.