Biểu đồ theo dõi số ca mắc mới Covid-19 theo ngày trong tháng 6-7/2021. (Ảnh: Bộ Y tế)
Tình hình dịch Covid-19 ở nước ta vẫn diễn biến rất phức tạp, tiếp tục phát hiện những ca nhiễm trong cộng đồng. Cụ thể, tính từ 12h đến 18h30 ngày 08/7 có 645 ca mắc mới (BN23741 - 24385), trong đó có 07 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Khánh Hòa (3), Kiên Giang (2), Tây Ninh (2).
638 ca ghi nhận trong nước tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) (481), Bình Dương (55), Khánh Hòa (25), Đồng Tháp (17), Vĩnh Long (17), Phú Yên (11), Bắc Giang (6), Cà Mau (4), Quảng Ngãi (4), Bắc Ninh (4), Hà Nội (4), Bình Phước (3), Hưng Yên (2), Tây Ninh (1), Hậu Giang (1), Kiên Giang (1), Bình Thuận (1), Bến Tre (1). Đáng nói, trong số 638 ca thì có 615 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả, còn lại 23 ca trong cộng đồng.
Như vậy riêng ngày 08/7, Việt Nam ghi nhận 1.314 ca mắc mới - số ca mắc trong một ngày lớn nhất từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay. Việt Nam có tổng cộng 22.487 ca ghi nhận trong nước và 1.898 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 20.917 ca, trong đó có 6.176 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Số ca mắc mới tại TP. HCM có xu hướng gia tăng. (Ảnh: Bộ Y tế)
Tính từ 18h30 ngày 08/7 đến 6h ngày 09/7 có 425 ca mắc mới (BN24386-24810), gồm: 02 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thái Bình (1), An Giang (1) và 423 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (350), Long An (37), Đồng Nai (15), Phú Yên (6), An Giang (5), Khánh Hòa (4), Bắc Ninh (3), Vĩnh Phúc (1), Gia Lai (1), Bạc Liêu (1); trong đó 377 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Bộ Y tế cho biết, có 12 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới, gồm: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Nam Định, Quảng Nam, Lào Cai.
Có 11 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn, gồm: Bắc Kạn, Cần Thơ, Ninh Thuận, Bến Tre, Thừa Thiên - Huế, Sóc Trăng, Thanh Hoá, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hậu Giang, Kiên Giang.
Số ca mắc mới tại TP. HCM có xu hướng gia tăng
Tại cuộc họp trực tuyến với TP.HCM về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sáng 8/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong 7 ngày qua trung bình số mắc ghi nhận khoảng 500-600 ca/ngày, chủ yếu là các trường hợp tiếp xúc với F0 đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa và các trường hợp có triệu chứng đi khám tại các cơ sở y tế và xét nghiệm tại cộng đồng. Số ca mắc tại TP. HCM có xu hướng gia tăng trong thời gian tới.
Đoàn thầy thuốc của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lên đường hỗ trợ TP. HCM chống dịch. (Ảnh: Bộ Y tế)
Bắt đầu từ 0h ngày 9/7, TP. HCM giãn cách toàn TP theo Chỉ thị 16 trong thời gian 15 ngày. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế khuyến nghị 3 hình thức giãn cách cụ thể. gồm: Giãn cách theo Chỉ thị 16 và 16 cộng trên địa bàn toàn TP; thực hiện phong toả một số khu vực có nguy cơ cao, tại đây phải thực hiện chặt chẽ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”; áp thiết chế cách ly tập trung tại vùng lõi để tăng cách ly F1 tại nhà nhằm giảm tải cách ly F1 tại các khu cách ly tập trung (cần triệt để áp dụng không được ra khỏi nhà, tất cả nhu yếu phẩm thiết yếu phải được đưa đến tận nhà cho người dân)...
Về công tác xét nghiệm, Bộ Y tế đề nghị TP. HCM thực hiện như sau: Đối với vùng lõi, vùng phong toả, vùng áp thiết chế cách ly tập trung cứ 3 ngày lấy mẫu xét nghiệm 1 lần để “quét” đưa ra khỏi cộng đồng các ca bệnh dương tính (có thể sử dụng test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm PCR). Đối với khu vực có nguy cơ thì 5-7 ngày lấy mẫu xét nghiệm 1 lần. Đối với các khu vực khác, tiến hành giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu theo hộ gia đình./.
Hoàng Minh