Bệnh viện Dã chiến số 6 hiện đang điều trị cho khoảng 2.300 bệnh nhân Covid-19. Lực lượng gồm 131 bác sĩ và hơn 200 điều dưỡng chủ yếu đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viên Đại học Y Dược TP.HCM), Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình… Lực lượng y tế đang làm nhiệm vụ tại đây vẫn ngày đêm nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ với hy vọng các bệnh nhân đều nhanh khỏe để trở về nhà.
Tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch cũng như quá trình thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 6 vào ngày 14/8/2021, Đoàn công tác của Bộ Y tế đánh giá: Công tác tổ chức thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại đây đang được thực hiện rất tốt. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tương đối đầy đủ, có hệ thống camera giám sát tại các khu vực của bệnh nhân. Đồng thời, tại mỗi phòng bệnh đều có nhóm chat Zalo để bệnh nhân thông báo tình hình đến các bác sĩ mỗi ngày, nếu có vấn đề sẽ kịp thời được cấp cứu…
Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra tại Bệnh viện Dã chiến số 6. (Ảnh: Bộ Y tế)
Mặc dù, Bệnh viện được phân công “tầng 2” trong mô hình tháp điều trị “5 tầng” của TP.HCM nhưng có nhiều giường ở “tầng 3”. Do đây là khu chung cư được chuyển đổi công năng làm bệnh viện dã chiến nên cơ sở vật chất để điều trị bệnh nhân còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, còn thiếu nhân lực cũng như một số trang thiết bị y tế, thuốc, khẩu trang N95. Đặc biệt, nhiều nhân viên y tế chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 2.
Ngoài việc tiếp nhận bệnh nhân từ các đơn vị điều phối lên, hiện nay, Bệnh viện Dã chiến số 6 còn tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu từ bên ngoài đưa vào, hạn chế tối đã tình trạng chuyển bệnh nhân đi nơi khác. Đây là một sự cố gắng, nỗ lực hết mình vì người dân của tập thể y bác sĩ tại Bệnh viện trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 ở TP.HCM vẫn đang diễn biến căng thẳng.
Trung tâm Hồi sức tích cực lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long sẵn sàng đi vào hoạt động
Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long đang được hoàn thiện tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và dự kiến đi vào hoạt động vào ngày 16/8/2021. Trung tâm sẽ tiếp nhận điều trị những ca nhiễm Covid-19 nguy kịch ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một trong 12 ICU quốc gia được Bộ Y tế thành lập trên cả nước.
Trong những năm qua, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ có sự phát triển vượt bậc về chuyên môn cao và sâu, đặc biệt trên lĩnh vực hồi sức tích cực. Đây là nền tảng cơ bản để triển khai trung tâm hồi sức tích cực vùng tại đây.
Một số hình ảnh Trung tâm hồi sức kỹ thuật cao lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long sẵn sàng đi vào hoạt động. (Ảnh: Bộ Y tế)
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ được Bộ Y tế giao nhiệm vụ triển khai ICU các trường hợp Covid-19 nặng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó, Bệnh viện vẫn đảm bảo điều trị cấp cứu các bệnh lý khác, kể cả các trường hợp cấp cứu kỹ thuật cao từ các tuyến chuyển về.
Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đang điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng cần phải can thiệp các kỹ thuật hồi sức chuyên sâu. Đáng chú ý, các bác sĩ tại Bệnh viện đã thực hiện thành công 2 ca can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) cho sản phụ trẻ mang thai nhiễm Covid-19 nặng.
ICU có quy mô 200 giường bệnh được trang bị hệ thống oxy nén 20 tấn, được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị y tế hiện đại (như máy thở, monitor theo dõi) cùng nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo chuyên sâu về hồi sức tích cực sẽ góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong đối với các trường hợp Covid-19 tiên lượng nặng. Như vậy, việc đặt ICU tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ sẽ thuận lợi trong công tác phối hợp chuyển tuyến các bệnh nhân Covid-19 nặng./.
Hoàng Minh