Bộ Chính trị yêu cầu sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vaccine cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể. Bên cạnh tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước cũng phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch, tiếp cận bình đẳng trong cung cấp vaccine.
Tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, ngày 24/8 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận: Khẩn trương tập trung triển khai Chiến lược vaccine, đặc biệt là việc cung ứng, sớm thực hiện tiêm vaccine diện rộng để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Thời gian vừa qua, việc thực hiện Chiến lược vaccine đã đạt được một số kết quả nhất định, trong đó, ngoại giao vaccine đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện chiến lược. Cùng vào cuộc với cả hệ thống chính trị từ cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đặc biệt là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội đã luôn quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp rất quyết liệt trong triển khai vấn đề “ngoại giao vaccine”, không câu nệ hình thức, ngoại giao song phương hay đa phương, điện đàm hay viết thư cho lãnh đạo các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế cũng như các doanh nghiệp sản xuất vaccine. Công tác này được thực hiện quyết liệt, bài bản và hầu như không có cuộc làm việc đối ngoại nào chúng ta không đề cập đến hợp tác về vaccine cũng như tiếp cận nguồn vaccine của các đối tác.
Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng với nhiệm vụ xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 từ các đối tác song phương và đa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điện đàm, gửi thư, điện cho lãnh đạo hàng chục nước và tổ chức quốc tế để thúc đẩy ngoại giao vaccine; đồng thời, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành liên quan cùng với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc. Hàng trăm cuộc làm việc, trao đổi đã diễn ra để tranh thủ tiếp cận các nguồn vaccine, cả ở kênh song phương và đa phương.
Tương tự, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại các cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội các nước hay tại các phiên thảo luận cấp cao tại các diễn đàn liên Nghị viện khu vực và quốc tế cũng nhiều lần đề cập tới vấn đề hợp tác trong phòng, chống Covid-19, hỗ trợ vaccine và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.
Với chuyến công du châu Âu vừa kết thúc tốt đẹp, đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam cũng mang về tin vui khi đối tác hỗ trợ 200.000 liều vaccine và cam kết hỗ trợ, nhượng lại nhiều triệu liều vaccine. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ các trang thiết bị và vật tư y tế với tổng trị giá đạt trên 1.028 tỷ đồng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến lễ bàn giao vaccine, thiết bị, vật tư y tế và kinh phí ủng hộ nhận được trong chuyến công tác tại Châu Âu của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, tại sân bay Nội Bài