Tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Bộ Y tế
Theo Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 301.957 ca nhiễm, đứng thứ 73/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 170/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.071 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 297.920 ca, trong đó có 108.534 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tổng số ca được điều trị khỏi: 115.059 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 18.8 là 6.770 ca, chiếm tỉ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và ngang với tỉ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.
Bộ Y tế phân bổ vaccine dựa trên số ca mắc COVID-19 của từng địa phương. Hiện TP.HCM có số lượng ca nhiễm và tỉ lệ nhiễm cao nhất cả nước. Theo Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, TP.HCM được phân bổ 5.075.270 liều vaccine, số liều đã tiêm là 4.861.079; Tỉ lệ đã tiêm ít nhất 1 mũi/ dân số (>= 18 tuổi) là 69.78%.
Tiếp đến là Hà Nội, số vaccine được phân bổ là 2.944.710 liều, số liều đã tiêm là 2.245.509; Tỉ lệ đã tiêm ít nhất 1 mũi/ dân số (>= 18 tuổi) là 39.08%.
6 vấn đề cần triển khai để từng bước kiểm soát dịch bệnh
Báo cáo của Cục Y tế dự phòng cho thấy, từ 27.7 đến nay, 12 tỉnh, thành phố Tây Nam bộ ghi nhận 19.754 ca mắc (chiếm 6,8% ca mắc cả nước và 7,5% số ca mắc của 19 tỉnh phía Nam).
5 địa phương có số mắc cao nhất gồm: Đồng Tháp (hơn 5.300 ca), Tiền Giang (hơn 4.800 ca), Cần Thơ (hơn 2.900 ca), Vĩnh Long (gần 1.800 ca) và Bến Tre (hơn 1.300 ca). Trong 7 ngày qua, 5/12 tỉnh có số F0 tăng cao so với 7 ngày trước đó gồm: Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ và Kiên Giang; 7 tỉnh còn lại có F0 giảm.
Nghị quyết 86 của Chính phủ ban hành ngày 6.8 đặt mục tiêu TP HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15.9. Các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1.9. Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25.8.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải triển khai ngay kế hoạch cụ thể triển khai Nghị quyết 86 với mục tiêu tới ngày 25.8 phải kiểm soát được dịch bệnh.
Để kiểm soát được dịch bệnh tại một địa phương (cấp tỉnh/huyện/xã), Thứ trưởng nhấn mạnh 6 vấn đề chính.
Trước hết phải kiểm soát được không cho dịch xâm nhập, kiểm soát không bùng phát dịch từ bên trong.
Các địa phương bám sát thực tiễn, căn cứ theo Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5 về việc đánh giá mức độ nguy cơ theo 4 mức độ, từ đó quyết định áp dụng phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 hoặc 15 hoặc 19.
Các địa phương tập trung cao độ xét nghiệm để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế nguy cơ “vòng xoáy lây lan” từ cộng đồng sang khu công nghiệp hoặc ngược lại hoặc lây lan trong cộng đồng và các doanh nghiệp…
Khi địa phương còn đáp ứng đủ năng lực cách ly tập trung thì phải đưa F1 cách ly tập trung. Tuy nhiên, để chuẩn bị tình huống số ca bệnh tăng nhanh, kéo theo lượng F1 lớn.
Các tỉnh, thành phố phải chủ động đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng khi vaccine về tới địa phương trên kế hoạch tiêm chủng tổng thể đã phê duyệt.
Các tổ công tác của Bộ Y tế cần tham mưu, phối hợp chặt chẽ với Sở y tế và sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo chống dịch của tỉnh, mục tiêu đến ngày 25.8 phải kiểm soát được dịch bệnh, sớm đẩy lùi dịch bệnh ở các tỉnh này và trên cả nước.
Theo Lao động