Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong đó giáo dục là một lĩnh vực đang được Chính phủ Việt Nam khuyến khích và ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi số, bởi giáo dục là một lĩnh vực có tác động xã hội liên quan trực tiếp và hàng ngày tới người dân. Giáo dục được chuyển đổi số thành công sẽ giúp thay đổi nhận thức con người một cách nhanh nhất, mang lại hiệu quả, tiết kiệm chi phí và đem lại nhiều lợi ích cho học viên, giảng viên, các cơ sở đào tạo và cho xã hội.
Trong những năm trở lại đây, chuyển đổi số được nhắc đến như một từ khoá xuyên suốt. Trong bối cảnh đại dịch, Internet trở thành công cụ lao động, giao tiếp hiệu quả nhất, Covid-19 vô tình là chất xúc tác cho chuyển đổi số, lan toả sâu rộng trong đời sống xã hội. Chuyển đổi số đã dần diễn ra trong nhiều lĩnh vực như giao thông vận tải, tài chính ngân hàng... Phải tới khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục mới được chú ý đến do các cơ sở giáo dục đào tạo đóng cửa, việc dạy và học phải chuyển sang hình thức online. Chuyển đổi số không chỉ là số hóa bài giảng, hay ứng dụng các phần mềm vào soạn bài dạy, mà còn là sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ năng sử dụng công nghệ, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, số hóa tài liệu, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, diễn ra rất nhanh đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay. Mọi người tiếp cận thông tin nhiều hơn, rút ngắn về khoảng cách, thu hẹp về không gian, tiết kiệm về thời gian. Với sự hỗ trợ của CNTT, các phần mềm hiện đại, rất nhiều hoạt động giáo dục truyền thống sẽ dần dần được thay bởi phần mềm, công nghệ mô phỏng... Kết nối giáo dục sẽ được mở rộng không chỉ trong nước mà tới toàn cầu. Việt Nam muốn đi xa, đi một cách chắc chắn trên con đường phát triển trong thời đại công nghệ 4.0, thì phải trang bị tốt kỹ năng về chuyển đổi số.
Hàng loạt chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục được ban hành dần hoàn thiện hành lang pháp lý như các quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành, giảng dạy; tổ chức đào tạo trực tuyến, hình thành các quy chế đào tạo từ xa hay đưa ra các quy định về quản lý, vận hành sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành… Công tác chuyển đổi số trong ngành tập trung vào các mảng chính thông qua: Công tác giảng dạy như đào tạo E-learning, đào tạo qua thực tế ảo; Quản lý giáo dục như quản lý trường học, tài sản, tra cứu thông tin, tài liệu...
Với những chính sách khuyến khích và thúc đẩy, toàn ngành đã và đang triển khai số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung từ Trung ương đến địa phương. Ngành giáo dục đã hoàn tất số hóa và gắn mã định danh dữ liệu cho hơn 53.000 cơ sở giáo dục đào tạo, 1,4 triệu giáo viên và 24 triệu học sinh, sinh viên. Giáo viên được huy động tham gia và đóng góp chia sẻ học liệu vào kho học liệu số dùng chung cho toàn ngành, mở rộng Hệ tri thức Việt với khoảng 5.000 bài giảng điện tử e-learning chất lượng, kho luận án tiến sĩ với gần 7.500 luận văn, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm lên đến trên 35.000 câu hỏi, cùng với khoảng 2.000 video bài giảng trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo…
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học; phát huy tính hiệu quả của hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành, kho học liệu số. Làm tốt chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội lớn để hội nhập quốc tế.
Mục tiêu của ngành Giáo dục là cố gắng phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Từ đó, góp phần đắc lực thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, tạo ra nguồn nhân lực cao, có khả năng hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt với những yêu cầu của thời đại mới.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh đã tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong công tác điều hành và quản lý đào tạo. Nhà trường ứng dụng nhiều công nghệ và phần mềm mới vào thực tiễn như: triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành, phần mềm quản lý đào tạo, phần mềm quản lý thư viện… Nhà trường đã xây dựng kho tài liệu, giáo trình trực tuyến, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây giúp lưu trữ, chia sẻ tài liệu học tập một cách dễ dàng và an toàn, thuận tiện trong việc học tập từ xa từ đó giảm thiểu được các chi phí về in ấn.
Kết quả giảng dạy online trong thời điểm dịch Covid-19 của Nhà trường cũng được đánh giá tốt. Giảng viên và học sinh, sinh viên thích ứng tốt với dạy và học trực tuyến qua các phần mềm: Zoom, Google Meet, các khóa học E-learning …
Ngoài ra, Nhà trường cũng đang ứng dụng công nghệ thực hành ảo VR trong đào tạo. Với công nghệ này, học sinh, sinh viên sẽ được đeo kính chuyên dụng, sử dụng thiết bị cầm tay để tương tác ảo với từng kỹ năng được hiển thị chi tiết trên màn hình. Đây là sự khác biệt so với công nghệ thông thường bởi hình ảnh 3D sinh động, mô phỏng chi tiết từng kỹ năng lắp đặt theo trình tự vị trí các thiết bị… Mô hình học tập này mang đến cho học sinh, sinh viên những trải nghiệm học tập một cách trực quan nhất, giúp nắm bắt kiến thức một cách nhanh chóng giống như các em đang thực hành trên thiết bị thật, dễ dàng hơn so với các hình thức đào tạo truyền thống. Việc ứng dụng thực tế ảo VR giúp học sinh sinh viên Nhà trường được trải nghiệm thực tế thật hơn với các hình ảnh sinh động, giúp trải nghiệm đa giác quan, tạo cảm giác tò mò, hứng thú, say mê hơn trong học tập. Qua đó, giúp các em hiểu được nguyên lý, cấu tạo và cơ chế hoạt động của các thiết bị trên phần mềm mô phỏng để từ đó khi bước vào làm việc thực tế sẽ nhanh chóng nắm bắt được công việc vì các kỹ đã được thuần thục trên thiết bị mô phỏng./.
Đỗ Khắc Phong, Bùi Tuấn Anh