Thanh Hóa không được chủ quan, lơ là khi qua 27 ngày không có ca nhiễm Covid-19

Thứ sáu, 25/06/2021 08:45
(ThanhtraVietNam) – Mặc dù, đã qua 27 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19, tuy nhiên tỉnh Thanh Hóa không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác do tỉnh có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất và dịch vụ du lịch phát triển. Vì vậy, tỉnh cần chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống để thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả.

Chiều ngày 24/6, đoàn công tác liên ngành phòng chống dịch Covid-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hoá về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Sẵn sàng về cơ sở vật chất

Tính từ ngày 27/4 đến nay, Thanh Hoá ghi nhận tổng số 08 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có 2 ca tái dương tính. Đến nay, tỉnh đã chuẩn bị 102 khu cách ly với sức chứa 10.757 người.

Về năng lực xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh có năng lực xét nghiệm 800 mẫu/ngày; nếu gộp mẫu có thể xét nghiệm cho 3.000 đến 4.000 người/ngày. Thanh Hoá cũng sẵn sàng kích hoạt thêm phòng xét nghiệm tại Bệnh viện Nhi với năng lực khoảng 200 mẫu/ngày.

Hiện tại, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thanh Hoá đã tái thành lập 07 chốt kiểm soát liên ngành tại các huyện. Đồng thời, kiểm soát nghiêm, quản lý chặt chẽ khu vực biên giới đường bộ, đường biển, tại các khu vực cửa khẩu, đặc biệt là các đường mòn, lối mở, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hoạt động nhập cảnh trái phép vào tỉnh.

Về cơ sở điều trị, tỉnh đang vận hành hoạt động cơ sở điều trị Covid-19 số 1 tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa với quy mô 200 giường bệnh và có thể mở rộng trưng dụng toàn bộ Bệnh viện quy mô 500 giường bệnh; sẵn sàng kích hoạt bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa với quy mô 300 giường bệnh.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác liên ngành. (Ảnh: Thạch Thảo)

Chuẩn bị tổng lực ứng phó với các tình huống dịch bệnh

Qua kiểm tra tình hình thực tế tại công ty sản xuất giầy Roll Sport cho thấy, việc thành lập tổ Covid, cũng như xây dựng kế hoạch chống dịch của doanh nghiệp còn mang tính hình thức. Chưa phân công công việc cụ thể, chưa nêu được phương án ứng phó khi có một hoặc nhiều người mắc Covid-19.

Bên cạnh đó, công tác thông tin truyền thông của doanh nghiệp còn những hạn chế, như: Thiếu poster, áp phích về phòng chống dịch; hệ thống loa truyền thông trong nhà máy chưa hợp lý… Cần tăng cường truyền thông trên mạng xã hội (facebook, youtube, google, tiktok...).

Tại buổi làm việc, TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế nhận định, Thanh Hoá đến nay là 27 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn cao, bởi đây là tỉnh có biên giới, đường biển, cửa khẩu đường bộ. Theo đó, mục tiêu phòng chống dịch của tỉnh tập trung vào 3 phương án là giám sát phát hiện sớm, khoanh vùng; bảo vệ khu công nghiệp và triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, Thanh Hoá qua 27 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19, tuy nhiên tỉnh không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu chỉ đạo tạo buổi làm việc. (Ảnh: Thạch Thảo)

Theo Thứ trưởng, Thanh Hoá là tỉnh đông dân, có 5 khu công nghiệp, 1 khu kinh tế với gần 18.000 doanh nghiệp và khoảng 340.000 lao động. Vì vậy, việc phòng chống dịch trong khu công nghiệp cần phải được quan tâm, chú trọng. Cụ thể, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh phải tổ chức tập huấn cho các đơn vị thực hiện Quyết định 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 của Bộ Y tế về hướng dẫn phòng chống dịch trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong nhà máy.

Tỉnh cũng cần phải tính đến tình huống có ca mắc trong doanh nghiệp. Vì vậy, các nhà máy phải xây dựng phương án vừa chống dịch vừa sản xuất, theo phương châm 50% đi làm, 50% ở nhà. Với những người đi làm thì thực hiện xét nghiệm nhanh và khi vào nhà máy làm việc sẽ ăn ngủ nghỉ trong nhà máy, hết 14 ngày luân phiên công nhân khác. Trường hợp có ca bệnh, phải nhanh chóng phát hiện thần tốc truy vết, khoanh vùng, phong toả, lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm sớm nhất…

Về công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý, Thanh Hoá cần lên phương án thành lập 3 cơ sở điều trị ở 3 nơi khác nhau là phía bắc, trung tâm và phía nam. Mỗi cơ sở nên chọn 1 trung tâm y tế sẵn; sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì giải thể và lại trở về khám chữa bệnh tiếp nhận bệnh nhân như bình thường. Đặc biệt, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng lên phương án xây dựng đơn nguyên điều trị cho bệnh nhân nặng với khoảng 100 giường bệnh, trong đó 20 giường điều trị được bệnh nhân rất nặng.

Ngoài ra, Thanh Hóa cần nâng cao năng lực xét nghiệm; quản lý chặt chuyên gia đến địa phương; thực hiện xét nghiệm sàng lọc 20% công nhân; khẩn trương thành lập trung tâm dữ liệu thông tin dịch bệnh tại tỉnh để thuận lợi cho quá trình điều hành công tác phòng chống dịch…/.

PV

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra