Tiền Giang:

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng

Thứ tư, 16/06/2021 17:04
(ThanhtraVietnam) - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang vừa yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng trong tình hình dịch Covid-19.

Tính đến tuần thứ 22 (ngày 30/5/2021), tỉnh Tiền Giang ghi nhận số ca mắc xuất huyết Dengue là 1.008 trường hợp với 01 trường hợp tử vong trên địa bàn thành phố Mỹ Tho; bệnh tay chân miệng là 1.371 trường hợp với 01 trường hợp tử vong trên địa bàn huyện Tân Phước. Số ca sốt xuất huyết tăng 12% so với cùng kỳ và tập trung nhiều tại địa bàn huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy và thành phố Mỹ Tho; số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng 607% so với cùng kỳ và tập trung nhiều tại địa bàn huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy.

Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả dịch sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng và phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng trong phạm vi, địa bàn quản lý. Vận động cán bộ, đảng viên nêu gương trong việc thực hiện các biện pháp kiểm soát lăng quăng hàng tuần tại hộ gia đình, kết hợp với làm vệ sinh môi trường vào ngày thứ 6 hàng tuần tại trụ sở làm việc, nhằm duy trì hiệu quả của chiến dịch diệt lăng quăng tại các địa phương. Phát huy vai trò của các hội, đoàn thể; lồng ghép hoạt động của các hội, đoàn thể với công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho đoàn viên, hội viên và người dân, huy động xã hội tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế. Các địa phương phải đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống Covid-19. 

Đối với Sở Y tế, tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng. Giám sát chặt chẽ và thường xuyên báo cáo tình hình, diễn biến dịch sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng, kịp thời tham mưu UBND tỉnh huy động nguồn lực đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh, không để bùng phát trên diện rộng. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung, phân loại và điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết và tay chân miệng, đặc biệt là tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân; tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời; đồng thời, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, đảm bảo điều trị tại chỗ những trường hợp nhẹ, chuyển tuyến đúng chỉ định, hạn chế quá tải cho bệnh viện tuyến trên, hạn chế lây nhiễm chéo và tử vong. Chủ động chuẩn bị đủ kinh phí để đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế thông qua việc tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện và điều trị bệnh ở tất cả các tuyến. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát hỗ trợ các đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai các hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng.

Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, tổ chức truyền thông, giáo dục sức khỏe cho học sinh và phụ huynh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức cho học sinh thực hành các hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của liên Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác y tế trường học. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời. Huy động lực lượng học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh tham gia các đợt tổng vệ sinh môi trường tại trường học và hoạt động diệt muỗi, lăng quăng tại hộ gia đình.

Các cơ quan báo chí, thông tin và truyền thông phối hợp với Sở Y tế tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe bằng nhiều hình thức phù hợp, để người dân hiểu và nhận thức đúng, đủ về nguy cơ, tác hại của dịch sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng. Tăng thời lượng phát sóng tuyên truyền, cảnh báo về phòng, chống dịch sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng vào các khung giờ thích hợp trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác vệ sinh môi trường; thu gom, xử lý chất phế thải có khả năng trở thành vật chứa nước đọng. Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải.

Sở Xây dựng thông báo đến các chủ đầu tư về trách nhiệm kiểm soát vật chứa nước trong quá trình thi công, không để lăng quăng tạo muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết có điều kiện phát sinh. Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát đối với các công trình xây dựng trong giai đoạn thi công, để kiểm soát lăng quăng trong các vật chứa, vũng đọng nước phát sinh trong quá trình xây dựng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các hộ gia đình thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát lăng quăng hàng tuần tại hộ gia đình, kết hợp với hoạt động vệ sinh môi trường vào ngày thứ 6 hàng tuần tại trụ sở làm việc, nhằm duy trì hiệu quả chiến dịch diệt lăng quăng trên địa bàn tỉnh.

Đối với cấp huyện, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tập trung vào các vùng có số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng cao, có nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn quản lý.

Đình Thuyết

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra