TP.HCM cần nhân lực y tế rất lớn, Bình Dương nguy cơ dịch trên diện rộng

Thứ hai, 12/07/2021 17:23
(ThanhtraVietNam) – Trong khi dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vượt mốc 12.000 ca bệnh và chưa có dấu hiệu dừng lại, đòi hỏi một nhu cầu về nhân lực y tế rất lớn thì Bình Dương dịch lại đang âm ỉ và nguy cơ có thể bùng phát trên diện rộng.

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện nay TP đã chuẩn bị được 28.500 giường thu dung bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, dự kiến số giường sẽ tăng lên 30.000 và sẵn sàng có kịch bản cho 50.000 giường. Ước tính trung bình 1.000 giường bệnh thì cần khoảng 200 nhân lực y tế, từ đó có thể thấy nhân lực cho khối điều trị hiện nay là rất lớn và sẽ tiếp tục tăng khi số trường hợp mắc Covid-19 có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Đồng thời, về thu dung và điều trị cho các trường hợp bệnh nhân nặng, TP có 6.500 giường tại các bệnh viện chuyên điều trị Covid-19. Trong đó, 1.000 giường hồi sức cho bệnh nhân nặng và nguy kịch được bố trí ở 4 bệnh viện lớn, gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Nhân dân 115.

Liên quan đến công tác nhân sự điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại TP. HCM, thời gian quan, Bộ Y tế đã huy động tổng lực nguồn lực từ các đơn vị trên địa bàn cũng như sự hỗ trợ từ các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn TP.

leftcenterrightdel
 Điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM. (Ảnh: Bộ Y tế)

Trước bối cảnh cố ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng lên, ngành Y tế TP.HCM đã lập kế hoạch về nhu cầu nhân lực y tế bổ sung cho khối điều trị. Cụ thể, TP.HCM hiện cần khoảng 1.500 bác sĩ cùng 5.500 điều dưỡng và kỹ thuật viên để bổ sung nhân sự cho khối điều trị theo 2 đợt. Lực lượng này dự kiến sẽ được bố trí tham gia công tác chăm sóc/điều trị người bệnh tại: Các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19; các bệnh viện điều trị Covid-19 có triệu chứng; các bệnh viện chuyên hồi sức chuyên sâu bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Ngoài ra, bổ sung cho các bệnh viện gián tiếp tham gia điều trị Covid-19 (thiếu nhân sự do đã cử luân phiên tham gia điều trị tại các bệnh viện được phân công điều trị Covid-19, tham gia lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin…) đồng thời cũng sẽ tham gia chia lửa để giảm tải cho các lực lượng y tế tuyến đầu.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP.HCM cho biết, dựa trên kế hoạch, nhu cầu nhân lực chi tiết từ TP.HCM, Bộ Y tế sẽ có kế hoạch điều phối, hỗ trợ nhân sự phù hợp với yêu cầu từ TP. Hiện tại, Bộ Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ gần 10.000 cán bộ nhân viên y tế chi viện cho TP.HCM để giúp TP đáp ứng với diễn biến của dịch, đồng thời nhằm mục tiêu bố trí luân chuyển nhân lực để đảm bảo sức chiến đấu cho đội ngũ y tế tại địa phương này.

Theo đề nghị của lãnh đạo TP.HCM, Bộ Y tế đã huy động 3.360 cán bộ y tế của các bệnh viện Trung ương trên địa bàn và 3.500 cán bộ y tế, sinh viên các trường y tế trên cả nước trong tuần này sẽ có mặt tại TP.HCM chi viện, phối hợp với chính quyền và y tế sở tại để thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch.

Chuyên gia cảnh báo nhiều ổ dịch đang âm ỉ tại Bình Dương

Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận trên 1.300 ca mắc Covid-19. Đáng nói, dịch bệnh đã xuất hiện ở 45 công ty/xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân. Do đó, các chuyên gia dịch tễ nhận định, Bình Dương đang có nhiều ổ dịch âm ỉ, nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Tỉnh cần nhanh chóng nâng cao năng lực xét nghiệm, tầm soát, truy vết ca bệnh.

Tỉnh Bình Dương đang có gần 600 đội lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có 150 đội là cán bộ, sinh viên Đại học Y Hà Nội chi viện cho tỉnh. Với lượng nhân lực trên, năng lực lấy mẫu của tỉnh có thể đạt trên 100.000 dân/ngày. Đồng thời, về năng lực chạy mẫu xét nghiệm, tỉnh đang có 12 máy RT-PCR, trong đó Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) có 5 máy, còn lại ở các Trung tâm y tế huyện. Ngoài ra, tỉnh đang ký kết hợp tác với một đơn vị tư nhân, đơn vị này cam kết trả kết quả xét nghiệm trong vòng 20 giờ. Mỗi ngày, các đơn vị có thể chạy được 5.000 mẫu đơn, tương đương 50.000 mẫu gộp.

leftcenterrightdel
 Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch Covid-19 làm việc tại tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Bộ Y tế)

Tại buổi làm việc của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch Covid-19 với ngành Y tế tỉnh Bình Dương diễn ra ngày 11/7, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế nhận định, với số ca bệnh trên địa bàn tỉnh, trong đó nhiều ca bệnh là người lao động trong các khu công nghiệp (KCN) được phát hiện mắc Covid-19 khi đến khám tại các cơ sở y tế, từ đó có thể nhận định rằng trong cộng đồng nhiều ổ dịch đang âm ỉ, nguy cơ bùng phát trên diện rộng.

Trong khi đó, năng lực RT-PCR của tỉnh chưa đến 5.000 mẫu đơn tương đương 50.000 mấu gộp và 45.000 test nhanh là còn rất hạn chế. Do đó, tỉnh Bình Dương cần nhanh chóng nâng cao năng lực PCR, đặc biệt là test nhanh. Mua sắm tối thiểu 500.000 test nhanh và thậm chí nhiều hơn để gối đầu cho những đợt lấy mẫu xét nghiệm sau.

Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế cho rằng, chính quyền cấp xã phường cần tham gia tích cực hơn trong công tác tổ chức phân luồng, đảm bảo khoảng cách tại các điểm lấy mẫu, tránh ùn tắc, nhất là tại các KCN.

Bên cạnh đó, tỉnh cần nhanh chóng tầm soát được trong toàn cộng đồng để đánh giá rõ ràng về tình hình và nguy cơ lây nhiễm của toàn tỉnh, trên cơ sở đó truy vết khoanh vùng sớm; công tác tổ chức và triển khai lấy mẫu cần phải có chiến lược. Trong giai đoạn hiện nay, chiến lược phối hợp giữa test nhanh và PCR sẽ mang lại nhiều hiệu quả trong công tác truy vết. Theo đó, tỉnh cần ưu tiên thực hiện test nhanh, cho kết quả sớm, từ đó kịp thời nhận diện những mẫu có nguy cơ và khẳng định bằng PCR./.

PV

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra