Tránh tình trạng lạm dụng xét nghiệm Covid-19

Chủ nhật, 15/08/2021 06:40
(ThanhtraVietNam) – Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 5553/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về một số điểm chú ý trong thực hiện chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, Bộ Y tế đặc biệt chú ý các quy định, hướng dẫn về xét nghiệm để tránh tình trạng lạm dụng xét nghiệm, xét nghiệm thiếu trọng tâm, trọng điểm.

Thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực cao trong thực hiện các chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch Covid-19 và việc mua sắm vật tư thiết bị, nhập khẩu, sản xuất, phân bổ thuốc, vắc xin, tổ chức tiêm chủng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc tổ chức thực hiện ở một số nơi, một số thời điểm còn chưa thật triệt để, nghiêm túc, hiệu quả. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn vẫn còn không ít nội dung chưa được kịp thời bổ sung, cập nhật phù hợp với diễn biến tình hình.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn để cập nhật kịp thời, phù hợp với diễn biến của tình hình. Đặc biệt, cần phân biệt rõ các nội dung “cứng” yêu cầu các địa phương phải tuyệt đối tuân thủ và các nội dung “linh hoạt” để các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn phát huy tính chủ động, sáng tạo và thực hiện phù hợp, hiệu quả nhất.

Trong đó đặc biệt chú ý các quy định, hướng dẫn về: Xét nghiệm để tránh tình trạng lạm dụng xét nghiệm, xét nghiệm thiếu trọng tâm, trọng điểm, vừa tốn kém vừa không kiểm soát được dịch bệnh; chăm sóc, điều trị người nhiễm bệnh và những người nghi nhiễm đang cách ly nhằm giảm tỷ lệ người nhiễm, người nhiễm bệnh có triệu chứng, người bệnh tăng nặng... ở tất cả các tầng, các lớp chăm sóc, điều trị.

leftcenterrightdel
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng. (Ảnh: Bộ Y tế)

Bộ Y tế căn cứ tình hình dịch bệnh và kịch bản ứng phó với dịch, hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản; kịp thời công bố, cập nhật danh mục vật tư, trang thiết bị, hóa chất, thuốc thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch để các địa phương chủ động mua sắm theo phương châm “4 tại chỗ”. Khẩn trương tổ chức mua sắm một số trang thiết bị, vật tư y tế thiết yếu, sẵn sàng chi viện, hỗ trợ cho các địa phương nếu tình hình dịch vượt quá kịch bản đã chuẩn bị.

Bên cạnh đó, căn cứ diễn biến dịch bệnh, khả năng cung ứng vắc xin từ tất cả các nguồn, Bộ Y tế xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện mua, nhập khẩu cho từng năm. Đối với các thỏa thuận nhập khẩu đã ký, cần tập trung thúc đẩy đối tác giao vắc xin sớm nhất có thể (nhất là trong quý III năm 2021), hạn chế tối đa việc vắc xin về quá muộn và dồn dập trong cùng một thời điểm, để quá hạn lãng phí.

Đồng thời, thực hiện phân bổ vắc xin theo đúng chỉ đạo, chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tổ chức tiêm kịp thời, an toàn, không để tình trạng có vắc xin mà không tiêm kịp thời dẫn tới lãng phí.

“Trong giai đoạn trước mắt khi lượng vắc xin còn ít hơn nhu cầu, việc phân bổ vắc xin cần tập trung cho các địa bàn, nhóm đối tượng cần bảo vệ cấp bách để hiệu quả sử dụng cao nhất. Việc phân bổ từng loại vắc xin ngoài yếu tố chuyên môn, cần chú ý tạo thuận lợi cho các địa phương trong công tác tổ chức tiêm. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức tiêm bảo đảm an toàn, thuận lợi cho người dân, tuyệt đối không được để tập trung đông người, vi phạm quy định về thực hiện giãn cách khi tiêm vắc xin cùng như khi xét nghiệm; không để lây lan dịch bệnh trong quá trình tiêm, xét nghiệm”, văn bản của Văn phòng Chính phủ nêu rõ ý kiến chỉ đạo.

leftcenterrightdel
 Không được để lãng phí vắc xin. (Ảnh: Bộ Y tế)

Ngoài ra, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu, thử nghiệm, chuẩn bị sản xuất vắc xin, thuốc điều trị Covid-19; thực hiện việc cấp phép có điều kiện đối với vắc xin, thuốc điều trị sản xuất trong nước theo đúng chỉ đạo của Chính phủ; đề xuất cơ chế mua, sử dụng vắc xin sản xuất trong nước.

Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện các phần mềm, công cụ công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch; đặc biệt là các phần mềm, công cụ phục vụ xét nghiệm, tiêm vắc xin. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông đảm bảo công khai minh bạch tạo đồng thuận, quyết tâm phòng, chống dịch trong toàn xã hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế, phát huy cao độ tính chủ động, sáng tạo để chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản theo phương châm “4 tại chỗ”. Căn cứ quy định tại Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, chủ động áp dụng các biện pháp bảo đảm đúng tinh thần có thể cao hơn, sớm hơn nhưng không được thấp hơn, chậm hơn; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm các quy định phòng chống dịch./.

Hoàng Minh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra