Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng

Thứ sáu, 23/12/2022 11:35
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ. So với cùng kỳ năm trước, việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Năm 2022, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực của Bộ, Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025 và Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Tại Kế hoạch, Bộ đã chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tăng cường nhận thức và sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác PCTN, tiêu cực; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác này, đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm các cá nhân, tổ chức có vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Công khai, minh bạch trong hoạt động của ngành

Bộ VHTTDL định hướng hoàn thiện thể chế, luật hóa các quy trình, thủ tục hành chính để công khai, minh bạch trong hoạt động của ngành nói chung và tại mỗi cơ quan, đơn vị nói riêng. Đặc biệt là công khai, minh bạch trong công tác quản lý tài chính, công tác tổ chức cán bộ và các hoạt động liên quan đến các thủ tục cấp phép, kết quả công tác thanh tra.

Bộ đã quán triệt thực hiện nghiêm túc công khai, minh bạch về công tác tài chính, ngân sách. Trong quý I/2022, Bộ VHTTDL đã thực hiện đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử số liệu dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Bộ VHTTDL đang thực hiện xây dựng các văn bản công khai số liệu quyết toán ngân sách nhà nước, đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện lập báo cáo tài chính, quyết toán ngân sách năm 2020, công khai quyết toán tài chính năm 2019; yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ khi thực hiện bán tài sản công theo hình thức đấu giá, niêm yết giá; sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết, mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung phải gửi các thông tin theo quy định đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý công sản) để đăng tải trên trang thông tin điện tử về tài sản công.

Thông qua công tác thanh tra, công tác kiểm tra phê duyệt quyết toán cho thấy các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã thực hiện công khai, minh bạch dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm, các khoản thu và việc sử dụng các khoản đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Việc công khai được thực hiện thông qua các hình thức: Công khai hội nghị cán bộ viên chức hàng năm; niêm yết công khai tại cơ quan theo quy định hiện hành. Nhìn chung, công tác công khai, minh bạch về tài chính của Bộ VHTTDL đã được triển khai nghiêm túc tại tất cả các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ.

Đối với công tác thanh tra, kế hoạch thanh tra sau khi được phê duyệt Bộ VHTTDL công khai trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của Thanh tra Bộ và gửi đến đối tượng được thanh tra từ đầu năm. Các kết luận thanh tra cũng được công khai theo quy định của Luật Thanh tra.

Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL đã ban hành các kế hoạch cải cách hành chính, rà soát, đánh giá quy định thủ tục hành chính, Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính năm 2022 và Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ. Trong quý I/2022, Bộ đã tiến hành tự đánh giá, chấm điểm Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của Bộ VHTTDL; hoàn thiện báo cáo tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính của Bộ; thường xuyên rà soát các quy định, quy chế, thủ tục hành chính để kịp thời phát hiện các cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính còn phức tạp hoặc có sơ hở dễ bị lợi dụng dẫn đến tham nhũng, tiêu cực để kịp thời sửa đổi, bổ sung.

Ngoài ra, Bộ VHTTDL đã thực hiện việc công bố, công khai minh bạch các thủ tục hành chính, mức thu phí, lệ phí, giấy tờ, thành phần hồ sơ và thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công của Bộ, tại Bộ phận một cửa và Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP. Bộ phận một cửa tại các Tổng cục và Cục thuộc Bộ VHTTDL đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ để giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân theo quy định. Đồng thời, thường xuyên cập nhật các văn bản về cải cách hành chính, bộ thủ tục hành chính mới ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế, định hướng nội dung tuyên truyền các văn bản chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ trên Cổng thông tin điện tử Bộ, báo Điện tử Tổ quốc, Trang tin Cinet và các ấn phẩm báo chí khác.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa, nguồn: Internet 

Đến nay, Bộ đã cung cấp 89 thủ tục hành chính công điện tử cấp Trung ương, với 37 dịch vụ công mức độ 2; 05 dịch vụ công mức độ 3 và 47 dịch vụ công mức độ 4 (do 12 đơn vị thuộc Bộ quản lý, giải quyết thủ tục hành chính). Từ đầu năm đến nay, đã tiếp nhận 1738 hồ sơ thủ tục hành chính, đã giải quyết 620 hồ sơ, đang giải quyết 435 hồ sơ, yêu cầu bổ sung 683 hồ sơ...

Quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Bộ VHTTDL xác định thực hiện mục tiêu từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của Bộ. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Bộ quán triệt các đơn vị trực thuộc tiếp tục đẩy mạnh, có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Thông qua các cơ quan báo chí trực thuộc Bộ tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến ngành và các quy định về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt các Nghị quyết của cấp có thẩm quyền gắn với “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”.

Cùng với đó, yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, gắn nội dung thanh tra công tác quản lý tài chính và tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với nội dung kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong các đơn vị trực thuộc Bộ nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời hành vi tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư, quản lý tài chính tại các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL. Tiếp tục rà soát các quy định, quy chế, thủ tục hành chính để bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định, quy chế không còn phù hợp; phát hiện các cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính còn phức tạp hoặc có sơ hở dễ bị lợi dụng dẫn đến tham nhũng, tiêu cực để kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan làm cơ sở cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Triển khai các chương trình, kế hoạch về phòng, chống tham nhũng của Đảng, Chính phủ và các kế hoạch về công tác phòng, chống tham nhũng mà Bộ VHTTDL đã ban hành.

Có thể nói, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua đã được Bộ VHTTDL chú trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai một cách đồng bộ, toàn diện. Không chỉ thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong mọi hoạt động, Bộ VHTTDL đã xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử; chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; triển khai tốt công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác kiểm soát thủ tục hành chính; ứng dụng khoa học, công nghệ một cách hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, công tác thanh tra cũng được tăng cường. Qua đó, kịp thời phát hiện các tồn tại, bất cập trong chi tiêu, sử dụng kinh phí, công tác quản lý và đã kiến nghị các biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý đạt hiệu quả cao để phòng ngừa tham nhũng./.

Dương Trang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra