Rà soát, bổ sung các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Theo UBND tỉnh Cà Mau, hàng năm Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để cụ thể hóa các yêu cầu, nhiệm vụ, chỉ tiêu và giải pháp thực hiện; đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc tăng cường quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, lao động trong cơ quan nhà nước... Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã nỗ lực triển khai thực hiện, đạt được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, tình trạng lãng phí còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực, đã và đang gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thực hiện theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp Nhà nước tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị đảm bảo theo đúng định hướng, chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đồng thời, thường xuyên rà soát, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để triển khai, thực hiện có hiệu quả. Kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện các biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động; từ đó, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành tự giác, tự nguyện, thiết thực, không mang tính hình thức, qua loa.
Cạnh đó, tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực; trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực sau: Về quản lý ngân sách nhà nước, tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách được quy định trong các luật có liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước; triệt để cắt giảm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi, đặc biệt là các khoản chi lễ hội, khánh tiết, hội họp không thực sự cấp bách để dành chi đầu tư phát triển, nhất là các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu. Tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai minh bạch việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên. Kịp thời tham mưu cấp thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Các ngành, các cấp chính quyền địa phương nghiên cứu đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động để tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngoài ra, tập trung nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan để tham mưu, báo cáo cấp thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND các huyện, thành phố Cà Mau thường xuyên rà soát, kịp thời tham mưu cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm từ các dự án không giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân và có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, giám sát tiến độ dự án đầu tư công nhằm kịp thời điều chỉnh, chỉ đạo.
Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật. Trong đó, tập trung thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công, xây dựng Cơ sở dữ liệu thành phần để kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp Nhà nước chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm công tác Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2024, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch và cụ thể hóa tại Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 02/5/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị, địa phương có liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc lập và giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quản lý đất; dự báo, cảnh báo điều tra, đánh giá, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu quản lý đất và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, thực hiện công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định. Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; rà soát, đánh giá đúng thực trạng các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất trên toàn tỉnh; chủ động đề xuất các giải pháp, biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm phát huy tối đa nguồn lực về đất.
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các doanh nghiệp Nhà nước tăng cường hoàn thành việc sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả hoạt động; đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực tài chính, đổi mới quản trị, công nghệ, cơ cấu lại sản phẩm, ngành, nghề sản xuất kinh doanh, cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định và kế hoạch việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp Nhà nước.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực theo quy định của luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật chuyên ngành; trong đó, tập trung lĩnh vực trọng điểm như đất đai, đầu tư công, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra thất thoát, lãng phí.