Cần Thơ: Tập trung thanh tra những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng

Thứ sáu, 28/04/2023 13:04
(ThanhtraVietNam) - Công tác chỉ đạo, triển khai việc thực hiện các kết luận, nhiệm vụ, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, của Chính phủ cùng các Bộ, ngành trong Quý I/2023 tiếp tục được Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ quan tâm chỉ đạo, duy trì thực hiện. Qua đó, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng của các cấp, các ngành và được đảng viên, công chức và người lao động đồng tình ủng hộ, đánh giá cao, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, làm trong sạch bộ máy của cơ quan, đơn vị.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; thường xuyên rà soát thủ tục hành chính không còn phù hợp, không cần thiết để kịp thời bãi bỏ, sửa đổi hoặc ban hành mới cho phù hợp theo quy định; tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả Hệ thống “một cửa điện tử”, “một cửa liên thông” giúp cho hoạt động của cơ quan minh bạch hơn; tăng cường ý thức trách nhiệm, năng lực, hiệu quả công tác cũng như biện pháp phòng, ngừa hành vi tham nhũng.

Toàn Thành phố tiếp tục áp dụng thực hiện việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Các khoản chi tiêu, giao dịch của cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện thanh toán chuyển khoản, hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong giao dịch theo quy định.

Về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, Thành phố triển khai thực hiện hiệu quả việc kiểm soát tài sản, thu nhập theo Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiếp nhận các bản kê khai tài sản thu nhập hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 8 tháng 2 năm 2022 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Ngày 31 tháng 01 năm 2023, Thanh tra Thành phố ban hành Kế hoạch số 132/KH-TTr về việc xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 và tổ chức bốc thăm lựa chọn 11 cơ quan, đơn vị, trong đó có 29 đối tượng được bốc thăm lựa chọn để kiểm tra xác minh năm 2023. Đến nay, đã tiến hành xác minh tài sản thu nhập đối với 12 trường hợp và yêu cầu các cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả kê khai, công khai việc thực hiện kết luận kiểm soát tài sản, thu nhập năm 2022.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị xã hội và các cơ quan báo chí đã phối hợp thực hiện tốt trách nhiệm trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phê phán các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; kịp thời nêu gương điển hình người tốt, việc tốt trong xã hội, phản ảnh đúng, chính xác tình hình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, những đổi thay tích cực trong công tác đấu tranh ngăn ngừa và cương quyết đấu tranh, xử lý tiêu cực, tham nhũng, góp phần tích cực vào việc củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ở địa phương. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và Ủy ban nhân dân Thành phố trong công tác PCTN.

Nhìn chung, công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN, tiêu cực được quan tâm triển khai thực hiện, có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân được nâng lên.

Cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đạt hiệu quả; nghiêm túc công khai, minh bạch liên quan đến: tài chính ngân sách, đất đai, xây dụng cơ bản, mua sắm công, tổ chức cán bộ... được thực hiện tốt qua hình thức đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân Thành phố và các địa phương, cơ quan chuyên ngành đúng quy định. Việc kiểm soát tài sản, thu nhập; việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện đúng theo quy định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng phát huy hiệu quả còn hạn chế như: Việc kê khai tài sản, thu nhập chưa kê khai theo hướng dẫn, việc kiểm soát xung đột lợi ích, công tác tự kiểm tra nội bộ chưa được quan tâm triển khai đúng mức. Việc bố trí công chức thực hiện nhiệm vụ PCTN ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương được quan tâm nhưng vẫn còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra và chủ yếu kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn chưa sâu.

Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng

Để phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chú trương, chính sách, pháp luật về PCTN, nhất là Luật PCTN năm 2018, các kết luận, chỉ thị cúa Bộ Chính trị về công tác PCTN nhất là Kết luận số 12- K.L/TW ngày 06 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư.

Tăng cường quản lý nhà nước về PCTN, triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng; tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về PCTN.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; xây dựng và thực hiện tốt các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; đẩy mạnh cải cách hành chính; nhất là thủ tục hành chính; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và trả lương, thu nhập qua tài khoản...

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quan tâm đúng mức việc tổ chức triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; trọng tâm là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như: lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai (phân lô bán nền, bồi thường, giải phóng mặt bằng) thu chi ngân sách, cấp phép đầu tư, lĩnh vực tư pháp, tuyển dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, điều động cán bộ, thực hiện các chính sách xã hội... Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, gắn với việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức đoàn thể trong công tác PCTN, đặc biệt là giám sát của người dân và của cơ quan truyền thông báo chí./.

Dương Nguyễn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra