Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thực tiễn tại địa phương
Tại Văn bản số 3398/UBND-NC ngày 10/10/2022 về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác PCTN, tiêu cực thời gian tới, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức triển khai tuyên truyền, phổ biến, quán triệt kết quả tổng kết 10 năm công tác PCTN, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 và nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Đặc biệt, chú trọng các nội dung, nhiệm vụ về PCTN, tiêu cực nêu tại Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực tại Hội nghị tổng kết và Báo cáo số 06-BC/TW ngày 23/7/2022 của Bộ Chính trị.
Đồng thời, rà soát, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay những hạn chế, khuyết điểm trong công tác PCTN, tiêu cực đã được chỉ ra tại kết quả tổng kết, nhất là những hạn chế, khuyết điểm khác do nguyên nhân chủ quan.
Bám sát các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp về công tác PCTN, tiêu cực nêu trên và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng kế hoạch chuyên đề về công tác PCTN, tiêu cực hoặc bổ sung các nhiệm vụ cụ thể về công tác PCTN, tiêu cực trong kế hoạch công tác hằng năm, có xác định thời gian cụ thể để tổ chức thực hiện, bảo đảm đầy đủ, nghiêm túc theo đúng các nội dung, nhiệm vụ đã được giao.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh tại các Văn bản: Số 214/UBND-NC ngày 27/4/2021, số 176/UBND-NC ngày 14/3/2022, số 3065/UBND-NC ngày 16/9/2022, số 694/UBND-NC ngày 27/9/2022 và các quy định hiện hành.
7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới
UBND tỉnh Kon Tum cho biết, sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và những bài học kinh nghiệm đã được tổng kết từ thực tiễn công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian qua. Từ đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian tới; kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn. Theo đó, UBND tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Cụ thể: Một là, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và Nhân dân; đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong PCTN, tiêu cực.
|
|
Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh Kon Tum họp phiên thứ nhất. (Ảnh: kontum.gov.vn) |
Hai là, tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiêu cực, nhất là pháp luật liên quan đến đấu giá, đấu thầu, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính công, xã hội hóa, ngân hàng, tài chính, xây dựng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... và trên các lĩnh vực mà các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đã kiến nghị, đề xuất; kịp thời khắc phục ngay những bất cập, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.
Ba là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, đồng bộ các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết của công việc; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Năm là, đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Rà soát, lựa chọn, phân công cán bộ có đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tham gia: Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh; các Đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, các Đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh (nếu có).
Sáu là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, tiêu cực, trước hết là cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan điều tra, thi hành án ở các cấp, các ngành, các đơn vị chuyên trách về PCTN, tiêu cực. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát quyền lực để PCTN, tiêu cực; phối hợp thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa xử lý kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước, kỷ luật đoàn thể và xử lý hình sự, nhất là thực hiện nghiêm túc, hiệu quả cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Bẩy là, tăng cường phối hợp với các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cơ quan báo chí và đề cao vai trò giám sát của Nhân dân trong PCTN, tiêu cực. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong PCTN, triển khai có hiệu quả hoạt động PCTN, tiêu cực ra khu vực ngoài nhà nước./.