Một điểm sáng, dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đó là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, trở thành phong trào, xu thế trong toàn xã hội. Bên cạnh kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận thì thấy rằng công tác đấu tranh phòng chống tiêu cực mặc dù đã được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh.
Tại Hội thảo khoa học "Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - vấn đề lý luận và thực tiễn" do Ban Nội chính Trung ương và Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đã chỉ rõ mối quan hệ giữa tham nhũng và tiêu cực và việc cần thiết phải bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Ban Nội chính Trung ương.
Theo ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Ban Nội chính Trung ương, tham nhũng và tiêu cực có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau. Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng có nhiều nhưng nguyên nhân cơ bản, trực tiếp là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Do vậy, công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyến hóa".
GS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho biết, việc Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương chủ trương gắn kết nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực là rất đúng cả về mặt lý luận, thực tiễn, phù hợp với sự phát triển tất yếu của cuộc đấu tranh xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
GS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương.
Tiêu cực và tham nhũng luôn gắn với nhau. Tham nhũng là “bộ phận đặc biệt của tiêu cực”. Tiêu cực dung dưỡng cho tham nhũng và tham nhũng làm trầm trọng hơn những vấn đề tiêu cực.
“Về mặt phương pháp đấu tranh, bây giờ mở rộng thêm, gắn đấu tranh chống tham nhũng với chống tiêu cực. Việc gắn 2 phần vào nhau để đồng bộ hơn, đi từ tập trung nhiệm vụ cấp thiết trước mắt gắn với nhiệm vụ cơ bản lâu dài. Chống tiêu cực chính là phòng ngừa từ xa. Đó là quá trình phát triển biện chứng của cuộc đấu tranh bảo vệ, xây dựng Đảng, bảo vệ chế độ” – ông Phùng Hữu Phú nhấn mạnh cần phải có một tổ chức làm nòng cốt, có trách nhiệm đặc biệt, là đầu mối, là cơ quan thúc đẩy.
Thực tế thời gian qua đã chứng minh Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Do đó, cần bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ để Ban Chỉ đạo làm tiếp nhiệm vụ chống tiêu cực. Ban Nội chính tiếp tục đóng vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo với cơ cấu tổ chức hợp lý, tinh gọn nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, động viên sức mạnh của toàn dân.
“Tinh thần là thiết kế một Bộ Tổng tư lệnh có quyền uy, có sức mạnh, có lực lượng giúp việc, có năng lực nhưng lại tinh gọn chứ không phải phình ra. Bộ máy đó phải phát huy được, kết hợp được sức mạnh của hệ thống chính trị, động viên được sức mạnh toàn dân” - ông Phùng Hữu Phú cho biết.
Ông Phạm Anh Tuấn – nguyên Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng, phòng chống tiêu hiện nay chưa được giao cho một cơ quan, tổ chức nào trực tiếp chịu trách nhiệm làm đầu mối để chỉ đạo, điều hành, phối hợp cũng như gắn kết phòng chống tiêu cực với phòng chống tham nhũng. Trong khi đó, phạm vi và nội hàm của tiêu cực rất đa dạng, phức tạp, rất khó tìm được một Ban, bộ ngành nào đủ sức chịu trách nhiệm chính, đủ khả năng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
“Tiêu cực là gốc “đẻ” ra tham nhũng, tham nhũng và tiêu cực luôn gắn liền nhau. Về lý thuyết, có thể thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tiêu cực với mô hình, chức năng, phương thức hoạt động tương tự như Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, trên thực tế, tham nhũng và tiêu cực bản chất là một, khó có thể rành mạch việc nào là tiêu cực để Ban chỉ đạo phòng chống tiêu cực chỉ đạo, việc nào là tham nhũng để Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo. Vì khó tách bạch như vậy nên dễ dẫn đến trùng lặp, thậm chí là bỏ sót”.
Ông Phạm Anh Tuấn nói như vậy và nhấn mạnh, việc bổ sung, mở rộng thêm chức năng phòng chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo là cần thiết, phù hợp, chỉ cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Quy định 211 của Bộ Chính trị ban hành năm 2019, trong đó khoanh vùng đối tượng cần tập trung đấu tranh chống tiêu cực là phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Lê Quốc Chỉnh, muốn chống được tham nhũng thì trước hết phải làm tốt phòng chống tiêu cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Vì vậy phải coi trọng công tác cán bộ, bởi đây chính là “then chốt của then chốt”.
Ông Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nam Định. (ảnh: Noichinh.vn)
“Có thành lập Ban chỉ đạo của Trung ương hay ở các địa phương, với thành phần, chức năng, nhiệm vụ nhiều đi chăng nữa, nhưng đội ngũ cán bộ tuyển chọn không tốt thì cũng khó làm” - Phó Bí thư Tỉnh ủy Nam Định lưu ý.
Đồng tình với ý kiến tăng chức năng, quyền hạn cho Ban Chỉ đạo, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cũng đề nghị xem xét lại tổ chức cơ quan Ban Nội chính Tỉnh ủy như hiện nay đã đủ sức để làm thêm chức năng, nhiệm vụ không. Bởi theo quy định, Ban Nội chính các tỉnh tối đa 3 phòng, biên chế mỗi phòng không quá 5 người, thêm 3 lãnh đạo là không quá 18 người. Vì vậy, nếu tăng cường chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Nội chính Trung ương thì cũng phải tính đến tổ chức ở cơ sở.
Thực tế cho thấy, muốn phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì trước hết chúng ta phải có chuyên môn, trình độ. Do đó phải có cơ chế để tuyển dụng con người làm công tác này, vì nếu chỉ “toàn thanh niên với đoàn thể về làm nội chính thì làm sao làm được”./.
Theo VOV.VN