Công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được cử tri quan tâm

Thứ sáu, 10/03/2023 12:25
(ThanhtraVietNam) - Nội dung về vai trò của tổ chức và cá nhân cấp trên, các cơ quan Thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các vi phạm, hạn chế, yếu kém của cơ quan cấp dưới, cá nhân thuộc quyền; cơ chế, biện pháp hiệu quả hơn trong công tác thẩm tra, xác minh và quản lý việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, được cử tri thành phố Đà Nẵng quan tâm và gửi trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Thanh tra Chính phủ trả lời cụ thể, chi tiết từng nội dung.

Tiếp tục nâng cao phẩm chất, đạo đức công vụ của công chức thanh tra

Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2022, ngành Thanh tra tiếp tục có nhiều giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ. Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là thúc đẩy tiến độ, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra.

Ban cán sự đảng và Ban Thường vụ Đảng ủy Thanh tra Chính phủ ban hành Nghị quyết về lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng và tiến độ ban hành kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác này. Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định số 465/QĐ-TTCP ngày 29/11/2022 về quy chế tổ chức, hoạt động đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của công chức Thanh tra Chính phủ trong hoạt động thanh tra.

Thanh tra Chính phủ quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định, quy chế về tổ chức cán bộ đảm bảo phù hợp với quy định của cấp trên và thực tiễn triển khai hoạt động của cơ quan, của ngành. Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện gắn với công tác đào tạo bồi dưỡng, thi đua khen thưởng. Hằng năm, ban hành kế hoạch kiểm tra việc xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của ngành Thanh tra đối với Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ và Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Nhìn chung, cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong ngành luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp góp phần tạo kết quả tích cực của ngành Thanh tra trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, đối với cấp cơ sở (cấp huyện, cấp tỉnh…), công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các vi phạm, hạn chế, yếu kém của cơ quan cấp dưới, cá nhân thuộc quyền chưa thật sự được phát huy và xử lý nghiêm minh.

leftcenterrightdel
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu về vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 4 về các nội dung thuộc lĩnh vực thanh tra. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) 

Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tiếp tục hoàn thiện quy định, quy chế nội bộ. Trong đó, tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức ngành Thanh tra trong tình hình mới; tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2022, tầm nhìn đến năm 2030 và đề xuất xây dựng kế hoạch cụ thể cho giai đoạn tiếp theo.

Đồng thời, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, quán triệt thực hiện Chỉ thị số 345/CT-TTCP ngày 23/02/2012 về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng thực thi công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra kỷ cương, trách nhiệm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phối hợp với cấp ủy tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật công vụ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp sai phạm.

Chỉ đạo thanh tra các cấp, các ngành tập trung hoàn thiện cơ cấu, tổ chức, bộ máy và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước và các hoạt động nghiệp vụ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 769/CT-TTCP ngày 17/5/2019 của Tổng Thanh tra Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành Thanh tra; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/BCSĐ ngày 22/7/2022 về lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng và tiến độ ban hành kết luận thanh tra; Quyết định số 456/QĐ-TTCP ngày 29/11/2022.

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong xem xét, xử lý cán bộ vi phạm. Thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị và Chánh Thanh tra bộ, ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, kiểm tra và có hình thức xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp có vi phạm.

Phát hiện 74 người kê khai tài sản, thu nhập chưa đúng quy định

Cử tri thành phố Đà Nẵng kiến nghị có thể nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, xác minh và quản lý việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức. Về nội dung này, Thanh tra Chính phủ cho biết, công tác thẩm tra, xác minh và quản lý việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức đang được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập ban hành theo Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị. So với trước đây, cơ chế, biện pháp quản lý hiện nay đã được bổ sung, tăng cường nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong xác minh và quản lý kê khai tài sản, thu nhập với một số điểm mới quan trọng, nhất là việc xác minh tài sản, thu nhập theo kế hoạch hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên.

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng xác minh tài sản, thu nhập. Thanh tra Chính phủ đã hướng dẫn và các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đã khẩn trương ban hành kế hoạch, triển khai rộng rãi việc xác minh tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên. Kết quả bước đầu đã có 7.662 người đã được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã tổ chức kiểm điểm, chấn chính, xử lý theo quy định.

Để nâng cao hiệu quả công tác thẩm tra, xác minh và quản lý việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập. Năm 2022, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức kiểm tra được 4.934 cơ quan, tổ chức, đơn vị về việc thực hiện các quy định về kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác này.

Ngày 28/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 390/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Xây dựng “Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản” và hiện Thanh tra Chính phủ đang tổ chức thực hiện.

Việc nghiên cứu về mô hình cơ quan chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, xác minh và quản lý việc kê khai tài sản, thu nhập sẽ được thực hiện về lâu dài, trên cơ sở kết quả sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kiểm soát tài sản, thu nhập. Trước mắt, mô hình các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn tổ chức thực hiện theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị./.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra