Đà Nẵng: Phát huy vai trò của toàn xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng (*)

Thứ ba, 14/03/2023 05:40
(ThanhtraVietNam) - Trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng của thành phố Đà Nẵng luôn được Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, nghiêm túc. Cấp ủy đảng và chính quyền địa phương xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Với những giải pháp quyết liệt trong triển khai thực hiện, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã trả lời phỏng vấn Tạp chí Thanh tra về công tác phòng, chống tham nhũng của UBND thành phố trong thời gian qua. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Phóng viên: Thưa đồng chí Chủ tịch UBND thành phố, báo cáo về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy, các ngành chức năng phát hiện, khởi tố mới 22 vụ/20 bị can (tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021 và 45% so với cùng kỳ năm 2019) trong lĩnh vực tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ. Vậy UBND thành phố có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới? Đặc biệt vấn đề thu hồi tài sản có thuận lợi khó khăn gì?

Ông Lê Trung Chinh: Theo báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, các ngành chức năng đã phát hiện, khởi tố mới 22 vụ/20 bị can trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ. Như vậy, số liệu 22 vụ được khởi tố mới bao gồm các vụ án kinh tế. Theo kết quả tổng hợp báo cáo của các cơ quan, đơn vị, địa phương trực thuộc UBND thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2022, qua thanh tra, kiểm tra chưa phát hiện vụ việc tham nhũng. Kết quả điều tra các vụ tham nhũng trong phạm vi theo dõi, quản lý của UBND thành phố Đà Nẵng: Công an thành phố đã khởi tố 02 vụ/05 bị can về tội “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ” và đề nghị xử lý hành chính đối với 03 trường hợp.

Để tăng cường công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, trong năm 2022, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 20/01/2021 và Kế hoạch số 211/KH-UBND ngày 06/12/2021 để triển khai thực hiện Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 23/3/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải chủ động, tích cực thực hiện tốt các quy chế phối hợp trong phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo hướng: Trong quá trình kiểm tra, thanh tra nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyển ngay hồ sơ vụ việc và các tài liệu có liên quan đến Cơ quan điều tra xem xét khởi tố vụ án hình sự, không hành chính hóa các vi phạm có dấu hiệu tội phạm, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra mới chuyển.

Trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình thanh tra, kiểm tra và giải quyết tố cáo về tham nhũng, cần sử dụng kịp thời biện pháp hành chính để thu hồi ngay tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc thất thoát do hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tham nhũng gây ra. Đồng thời, văn bản kết luận thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân, làm cơ sở để xử lý thu hồi tiền; thực hiện tốt cơ chế giám sát, xử lý sau thanh tra của cơ quan nhà nước gắn liền với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong việc thu hồi tài sản tại các vụ án tham nhũng.

Phóng viên: Thưa đồng chí, công tác kê khai tài sản, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã và đang được triển khai thế nào? Kết quả, vướng mắc và những vấn đề cần kiến nghị? Xin đồng chí cho biết một số nội dung điển hình liên quan đến giải pháp thực hiện theo đặc thù của địa phương mình quản lý?

Ông Lê Trung Chinh: Kiểm soát tài sản, thu nhập được xác định là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác phòng ngừa tham nhũng. Theo đó, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện và đạt được những kết quả bước đầu trong thực tế triển khai. UBND thành phố đã ban hành các văn bản để chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện công tác kê khai, công khai tài sản thu nhập: Công văn số 8307/UBND-TTTP ngày 10/12/2021 về việc hướng dẫn kê khai tài sản, thu nhập; Công văn số 2688/UBND-NC ngày 19/5/2022 về việc triển khai Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập”.

Thực hiện Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/2/2022 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Thanh tra thành phố đã ban hành Công văn số 134/TTTP-TTPCTN ngày 28/02/2022 để hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong việc bàn giao các bản kê khai tài sản, thu nhập theo đúng thẩm quyền của các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập được quy định tại Quy chế.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương căn cứ hướng dẫn của UBND thành phố và Thanh tra thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ. Đến cuối năm 2022, Thanh tra thành phố Đà Nẵng đã hoàn thành việc tiếp nhận các bản kê khai tài sản, thu nhập thuộc thẩm quyền quản lý trong năm 2021. Theo đó, tổng số người phải thực hiện kê khai tài sản thu nhập trong năm và đã kê khai năm 2021 là 2.146/2.146 người, đạt 100%; số bản kê khai đã được công khai là 2.146/2.146 bản kê khai, đạt 100%.

Căn cứ định hướng xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 của Thanh tra Chính phủ tại Công văn số 248/TTCP-C.IV ngày 08/7/2022, Chủ tịch UBND thành phố ban hành Quyết định số 514/QĐ-UBND ngày 27/7/2022 về việc phê duyệt nội dung Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022. Trên cơ sở đó, ngày 15/8/2022, Chánh Thanh tra thành phố đã ban hành Kế hoạch số 58/KH-TTTP về xác minh tài sản, thu nhập năm 2022. Thanh tra thành phố đã thực hiện xác minh tài sản, thu nhập đối với những người được bốc thăm ngẫu nhiên theo quy định.

leftcenterrightdel
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. (Ảnh internet) 

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của thành phố Đà Nẵng cơ bản là thuận lợi, hoàn thành đúng tiến độ quy định. Trên cơ sở quy định về trình tự, thủ tục kê khai, công khai, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tập huấn; phê duyệt danh sách người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; tổ chức việc kê khai công khai; người kê khai đã thực hiện nghiêm túc việc kê khai tài sản, thu nhập; việc tiếp nhận, bàn giao bản kê khai tài sản, thu nhập được thực hiện theo quy định.

Tuy nhiên, qua thực tiễn vẫn còn hạn chế, khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau:

- Đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp dẫn đến việc chậm nộp bản kê khai cho cơ quan có thẩm quyền kiểm soát theo thời hạn quy định.

- Một số đơn vị chưa nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật nên việc kê khai còn sai sót, phải điều chỉnh nhiều lần; một số đơn vị báo cáo kết quả còn chậm trễ, phải đôn đốc nhiều lần, làm ảnh hưởng đến công việc tổng hợp chung.

- Một số đơn vị chưa xác định đúng đối tượng kê khai, kê khai hàng năm, kê khai bổ sung. Bản thân người trong diện kê khai còn lúng túng khi phải tự định giá một số tài sản phải kê khai.

- Một số người trong diện kê khai chưa nhận thức rõ vai trò của việc kê khai tài sản, thu nhập nên chưa quan tâm, nghiên cứu các văn bản pháp luật và hướng dẫn để thực hiện.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những khó khăn, vướng mắc cũng như giải pháp trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN khu vực ngoài nhà nước theo quy định tại các Điều 58, 59 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ?

Ông Lê Trung Chinh: Hiện nay, các tổ chức tín dụng đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều là các chi nhánh không phải trụ sở chính. Vì vậy, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 59 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Thanh tra thành phố Đà Nẵng không có thẩm quyền thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 58 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, việc ra quyết định thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức xã hội khu vực ngoài nhà nước của Thanh tra tỉnh phải có một trong các căn cứ:

- Một số đơn vị chưa ban hành quy định về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp theo quy định; có thực hiện nhưng không kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo quy định.

- Yêu cầu của việc giải quyết phản ánh, tố cáo về hành vi vi phạm trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Do đó, Thanh tra thành phố khó chủ động xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức xã hội khu vực ngoài nhà nước theo Kế hoạch thanh tra hằng năm.

Đồng thời, theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 59 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng có trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh có căn cứ quy định tại Điều 58 mà Thanh tra bộ quản lý lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng đó không tiến hành thanh tra. Quyết định thanh tra phải được gửi Thanh tra Chính phủ và Thanh tra bộ có thẩm quyền. Trước khi ra quyết định thanh tra, Chánh Thanh tra tỉnh phải trao đổi với Chánh Thanh tra bộ có thẩm quyền. Trường hợp không thống nhất được thì báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ để xem xét, quyết định. Vì vậy, hoạt động thanh tra đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố trên thực tế ít xảy ra.

Để đảm bảo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước theo quy định, Thanh tra thành phố đã có văn bản báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ trong quản lý nhà nước công tác phòng, chống tham nhũng và thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với các công ty đại chúng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Phóng viên: Thưa đồng chí, để phát huy mạnh mẽ vai trò và trách nhiệm của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua thành phố Đà Nẵng đã có những giải pháp nào trong sự phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng nhằm nâng cao trách nhiệm, sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, cơ quan báo chí, doanh nghiệp và Nhân dân?

Ông Lê Trung Chinh: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả rất quan trọng, cho chúng ta thêm nhiều bài học quý, góp phần nâng cao uy tín của Đảng, củng cố niềm tin của Nhân dân. Trong đó, có vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp và tổ chức thành viên trong việc giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, gây nhiều bức xác trong Nhân dân; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý các thông tin do báo chí nêu về tiêu cực, tham nhũng; tích cực tham gia phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Để phát huy mạnh mẽ vai trò và trách nhiệm của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, hằng năm, thông qua kế hoạch phòng, chống tham nhũng và các văn bản chỉ đạo triển khai có liên quan về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, UBND thành phố đã yêu cầu Thủ trưởng các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo, xây dựng, triển khai các nội dung để phòng ngừa tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, chú trọng: Văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng (quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh); quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ; việc thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch, kiểm soát xung đột lợi ích. Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng theo quy định. Đồng thời, kiến nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên thực hiện và chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các cấp trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hiện các giải pháp nhằm phát huy vai trò của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Để có thể lắng nghe và giải quyết kịp thời những vấn đề mà Nhân dân, doanh nghiệp quan tâm, thời gian qua, thành phố đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả sau: Xây dựng Cổng Góp ý của thành phố; đường dây nóng Tổng đài 1022 (đầu số thống nhất này thay thế cho hơn 200 số điện thoại đường dây nóng trên địa bàn thành phố trước đây); ứng dụng Kuuho… tạo các kênh thông tin hữu dụng để các cơ quan hành chính của thành phố lẵng nghe và kịp thời xử lý, phản hồi các ý kiến phản ánh, góp ý của tổ chức, công dân.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

(*) Tiêu đề do Tòa soạn đặt

Minh Nguyệt (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra