Đẩy mạnh thanh tra, giám sát, lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra lãng phí, tiêu cực

Thứ hai, 12/08/2024 20:52
(ThanhtraVietNam) - Đó là một trong các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh Hòa Bình về triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/6/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cụ thể, tại Kế hoạch số 167/KH-UBND, ngày 6/8/2024, UBND tỉnh Hòa Bình đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp: Quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả chiến lược và chương trình quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm, hằng năm. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực.

leftcenterrightdel
Thành phố Hòa Bình (ảnh: Phương Thảo) 

Đồng thời, có phương án giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA, dự án BOT, BT hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém; các dự án ngừng triển khai theo kết luận của các cơ quan chức năng, sớm đưa các tài sản này vào phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng cường công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, nguồn lực ...; nêu cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước, người đứng đầu đối với việc gây thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản công.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Kịp thời phát hiện, phòng ngừa, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực; thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của các cơ quan chức năng, thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước.

Bên cạnh đó, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vai trò giám sát, phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng và Nhân dân; tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa.

Xác định việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, góp phần thực hiện hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, chiến sĩ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; trong bối cảnh hiện nay, nhận thức sâu sắc để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn là việc làm có ý nghĩa quan trọng đối với toàn bộ Đảng viên và người dân trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang trở thành một trong những yêu cầu bức thiết, nhiệm vụ quan trọng, tiêu chuẩn không thể thiếu mà mỗi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, phải rèn luyện, thực hiện trong công việc cũng như trong cuộc sống hằng ngày.

Phương Thảo

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra