Đề nghị báo chí, doanh nghiệp, Nhân dân giám sát lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng

Thứ ba, 20/02/2024 13:41
(ThanhtraVietNam) - Báo cáo kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, Thanh tra Chính phủ đã nêu một số giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, trong đó có nội dung triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đến 2030; đề nghị báo chí, doanh nghiệp, Nhân dân tăng cường giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh TNTC và việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên...

Tiếp tục đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ gửi Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội một số tỉnh cho biết, cử tri phản ánh “tình trạng tham nhũng hiện nay vẫn còn nhiều, đặc biệt nhiều vụ án có liên quan đến cán bộ nhà nước” và kiến nghị cần có giải pháp ngăn chặn; cần kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi tham nhũng, quy định khung hình phạt cho hành vi tham nhũng ớ mức độ nặng hơn.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC (gọi tắt là: Ban Chỉ đạo), đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, công tác này tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có mặt cao hơn năm trước, sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ việc, vụ án TNTC ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế chặt chẽ để “không thể tham nhũng”.

Nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, quản lý kinh tế - xã hội, PCTN được ban hành, tổ chức thực hiện nghiêm túc. Điển hình như: Quy định số 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án…

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, bộ máy Nhà nước, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả công tác PCTNTC. 

 Kiến nghị tăng  cường chất vấn, giám sát chuyên đề

 Theo Thanh tra Chính phủ, luôn xác định PCTNTC là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật PCTN, Luật Thanh tra, quan tâm thực hiện Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập”; đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC, hoàn thiện cơ chế phòng ngừa. Chú trọng đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến; kịp thời chỉ đạo, định hướng, cung cấp đầy đủ thông tin về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác, kết quả công tác PCTNTC liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước theo Quy định 65-QĐ/TW của Ban Bí thư. Hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tăng cường chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ PCTNTC trong nội bộ các cơ quan có chức năng PCTNTC, không để cán bộ, công chức có hành vi TNTC làm công tác này; tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

5 nhóm nhiệm vụ của Chiến lược PCTNTC đến năm 2030 gồm: (1) Hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC; (2) Kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; (3) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; (4) Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội trong PCTNTC và (5) Tích cực tham gia, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về PCTN, thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Đồng thời, triển khai có hiệu quả các cuộc kiểm tra, thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTNTC; tăng cường, tập trung thanh tra những lĩnh vực dễ phát sinh TNTC, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất kép kín. Đẩy mạnh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện. Tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Tăng cường thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 05-CT/TW ngày 3/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Củng cố, kiện toàn, tăng cường năng lực đơn vị chuyên trách PCTNTC đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhất là công tác quản lý nhà nước về PCTNTC, công tác kiểm soát tài sản, thu nhập và công tác phát hiện, xử lý TNTC. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời và tăng cường biện pháp chế tài để bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật này.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: ITN  

Bên cạnh việc chủ động, nỗ lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác PCTNTC, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề về công tác này; chú trọng sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định của pháp luật nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác PCTNTC, lãng phí trong hoạt động của bộ máy nhà nước.

Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan tố tụng tiếp tục tăng cường công tác phát hiện, xử lý TNTC, chú trọng thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, kiểm soát tài sản, thu nhập, thi hành án để nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý TNTC; kiên quyết không để xảy ra TNTC trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhất là các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTNTC.

Đáng chú ý, Chính phủ cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các cơ quan báo chí, doanh nghiệp và Nhân dân tăng cường giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên; tích cực tham gia phản biện xã hội, góp ý xây dựng chính quyền, pháp luật về PCTNTC; tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò và trách nhiệm của toàn xã hội trong PCTNTC.

Theo Quy định số 131-QĐ/TW, nguyên tắc đầu tiên của kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán là “Bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; kiểm soát của các cơ quan nhà nước trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong các hoạt động này”.

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra