Thanh tra tỉnh Gia Lai:

Giải pháp nhằm phát hiện, chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực hiệu quả

Thứ tư, 25/05/2022 20:05
(ThanhtraVietNam) - Trước những khó khăn, vướng mắc trong công tác phát hiện, chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tại Gia La, Thanh tra tỉnh đã đưa ra các giải pháp toàn diện trên các mặt công tác nhằm thực hiện hiệu quả các vụ việc này.

Khó khăn, vướng mắc trong công tác phát hiện, chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tại Gia Lai

Đầu tiên là giải pháp về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Thanh tra tỉnh Gia Lai đề xuất tiến hành cá thể hoá, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có liên quan; trong đó xác định rõ về phạm vi, nội dung trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết vụ việc có dấu hiệu tội phạm và trong công tác phối hợp để có cơ sở xử lý trách nhiệm khi cần thiết. Gắn việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết vụ việc có dấu hiệu tội phạm là một nội dung xuyên suốt cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, TC.

Cơ quan cấp trên chủ động tiến hành kiểm tra, giám sát đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi công tác của cơ quan cấp dưới. Cùng với đó cần xây dựng, thiết lập một số tiêu chí mang tính định lượng, định tính cơ bản để đánh giá hiệu quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo; từ đó xác định được những tồn tại, thiếu sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra giải pháp khắc phục. Xem xét kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo là một trong những tiêu chí để đánh giá CBCC quản lý. Đề cao trách nhiệm nêu gương, đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có liên quan.

Tiếp đó, về giải pháp khắc phục những hạn chế, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Thanh tra tỉnh đề xuất cần quy định, xác định rõ địa vị pháp lý, trách nhiệm, vai trò của Cơ quan Thanh tra trong mối quan hệ phối hợp với Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát và một số cơ quan khác cũng như trách nhiệm của mỗi cơ quan này trong mối quan hệ phối hợp với Cơ quan Thanh tra liên quan đến công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Xác định hồ sơ, tài liệu thanh tra được xem là một trong những chứng cứ để làm cơ sở đánh giá, kết luận hành vi phạm tội. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu để sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật, khắc phục tình trạng quy định không thống nhất về cùng nội dung giữa các văn bản; bổ sung các quy định nhằm cải thiện kết quả công tác phối hợp, ràng buộc về trách nhiệm của các cơ quan; bổ sung các quy định theo hướng tăng quyền, đảm bảo quyền thực chất cho Cơ quan Thanh tra, tăng cường tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của các Cơ quan Thanh tra.

leftcenterrightdel
 Thanh tra tỉnh Gia lai đưa ra các giải pháp nhằm phát hiện, chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực hiệu quả 

Tăng cường trao đổi nghiệp vụ, thông tin trong quá trình xử lý vụ việc

Đối với giải pháp xử lý và phối hợp xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm phức tạp, có khó khăn, vướng mắc hoặc kéo dài quá thời hạn luật định, chưa xử lý dứt điểm, Thanh tra tỉnh Gia Lai đưa ra giải pháp tăng cường công tác trao đổi về nghiệp vụ, thông tin giữa các cơ quan có liên quan trong quá trình xử lý vụ việc; việc trao đổi cần đa dạng hoá về mặt hình thức, tránh máy móc, rập khuôn, nhằm đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả, thống nhất. Tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý và phối hợp xử lý, nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong các vụ việc để đưa ra thảo luận, đề xuất hướng xử lý phù hợp, giải quyết triệt để nguồn gốc vấn đề.

Ngoài ra, Thanh tra tỉnh cũng đưa ra một số giải pháp khác như cần nâng cao hiệu quả việc thu thập, phân tích, đánh giá các thông tin, dự báo tình hình nhằm lựa chọn chính xác các nội dung, lĩnh vực trọng tâm để tiến hành thanh tra, kiểm tra. Trong đó, tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xem đây là một trong những kênh thông tin quan trọng góp phần phát hiện tội phạm.

Thực hiện nghiêm túc công tác tự kiểm tra, giám sát, đảm bảo thường xuyên, thực chất để kịp thời phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực trong nội bộ; ngăn chặn từ đầu những sai phạm và hậu quả xấu xảy ra, hạn chế trường hợp vụ việc đã diễn ra nhiều năm nhưng không được phát hiện, xử lý nghiêm minh; đồng thời, nhận thấy được những bất cập, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để có hướng điều chỉnh hoặc kiến nghị các biện pháp khắc phục.

Cùng với đó cần kiện toàn tổ chức bộ máy Cơ quan Thanh tra cả về số lượng, chất lượng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đổi mới trong khâu tổ chức và hoạt động của các Đoàn thanh tra, đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ CBCC làm công tác thanh tra; trong đó xây dựng khung chương trình đào tạo tập trung hơn vào các chuyên đề nhằm nâng cao kỹ năng, phương pháp cho đội ngũ CBCC.

Tiếp tục công tác bồi dưỡng đạo đức, phẩm chất chính trị, xây dựng lực lượng thanh tra trong sạch, vững mạnh, có bản lĩnh chính trị, dám đấu tranh và tinh thần trách nhiệm cao. Thiết lập hệ thống thông tin giữa cơ quan Thanh tra tỉnh với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong các lĩnh vực như ngân hàng, thuế... để phục vụ cho công tác thẩm tra, xác minh, kiểm soát tài sản, thu nhập. Các Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát và các cơ quan khác có liên quan trong công tác phối hợp cần tích cực, chủ động thực hiện tốt trách nhiệm của mình; đẩy nhanh tiến độ xử lý và thông báo kết quả xử lý đối với các kiến nghị khởi tố do Cơ quan Thanh tra chuyển đến.

H.T
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra