Đó là nhận định tại hội thảo trao đổi những nội dung nghiên cứu chính của đề tài cấp cơ sở năm 2021 “Vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm phòng, chống tham nhũng” do ThS. Ngô Thu Trang, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) làm Chủ nhiệm đề tài vừa mới được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thông qua kiểm soát từ phía xã hội.
Theo ThS. Ngô Thu Trang, hiện nay việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn ở nước ta đang được đẩy mạnh nhằm PCTN. Luật PCTN năm 2018 đã đề cập đến vai trò của nhà nước trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, bản thân các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn đặt dưới thẩm quyền của cơ quan nhà nước vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa tạo ra một cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập hiệu quả trong PCTN.
Cụ thể, về đối tượng của kiểm soát tài sản, thu nhập, việc liệt kê các tài sản hình thành chưa phản ánh đầy đủ thực tiễn, bản chất của thu nhập, tài sản; về phạm vi kiểm soát tài sản, thu nhập chưa thực sự đầy đủ có thể tạo ra lỗ hổng trong công tác kiểm soát; việc công khai bản kê khai tại cơ quan đơn vị thường mang tính hình thức và chậm trễ…
Một hội nghị về nghiên cứu khoa học của Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra diễn ra trước thời điểm dịch Covid-19. Ảnh: L.A
Đồng thời, ThS. Ngô Thu Trang cũng cho biết, gần đây có một số vụ việc phản ánh từ dư luận và báo chí về việc kê khai không trung thực của người có chức vụ quyền hạn giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành xác minh việc kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, công chức đó. Điều này cho thấy rằng xã hội và đặc biệt là báo chí, người dân có sự quan tâm rất lớn đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn nhằm PCTN.
Về quy định của pháp luật liên quan đến nội dung nghiên cứu, tại phần trình bày của mình, Chủ nhiệm đề tài nhận định, mặc dù pháp luật Việt Nam đã công nhận trách nhiệm và vai trò của xã hội trong PCTN (Chương V Luật PCTN 2018) nhưng việc PCTN thông qua kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn thì vẫn là một khoảng trống.
Đặc biệt, các nghiên cứu hiện nay chưa đề cập trực diện vai trò của xã hội trong việc PCTN thông qua kiểm soát tài sản, thu nhập, chuyên sâu về nội dung và phương thức kiểm soát của xã hội đối với tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn. Để có cơ sở đưa ra các giải pháp nâng cao vai trò của xã hội trong PCTN thông qua việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn cần phải nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn vấn đề này cả ở phương diện pháp luật và thực tiễn, ThS. Ngô Thu Trang nhấn mạnh.
Ranh giới giữa giám sát của xã hội và quyền riêng tư của những người phải kê khai tài sản trong PCTN
Trên thế giới đã có nhiều tranh luận về việc cho công chúng tiếp cận thông tin kê khai về thu nhập, tài sản hay những quan ngại của các công chức về quyền riêng tư. Vì vậy, hệ thống công khai tài sản, thu nhập đối mặt với vấn đề phải cân đối giữa một bên là cho phép công chúng giám sát nhằm tạo điều kiện PCTN và một bên là bảo vệ quyền riêng tư của những người phải kê khai tài sản.
Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện Trưởng Viện CL&KHTT nêu ý kiến, đề tài nên đề cập đến vai trò của xã hội trong việc quản lý nhà nước và tư tưởng, quan điểm của Đảng về phát huy vai trò của xã hội thể hiện trong việc phát huy vai trò của xã hội trong PCTN, theo hướng phải mở rộng bản kê khai tài sản, thu nhập có đề xuất công khai tại nơi cư trú. Được thể hiện qua các giai đoạn gắn với 5 nội dung gồm kê khai tài sản thu nhập, công khai, giải trình, xác minh và xử lý.
Đồng thời, các chủ thể tham gia vào từng công đoạn này có khác nhau và việc kê khai thì vai trò của nhà nước là chính, nhưng giai đoạn công khai thì có sự tham gia của xã hội vào. Các chủ thể xã hội tham gia vào quá trình giám sát việc kê khai, quản lý bản kê khai tài sản thu nhập và có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, là cơ sở để cơ quan nhà nước xem xét.
Tại phần phát biểu ý kiến của mình, ông Nguyễn Quốc Văn, Viện Trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, đề tài cần phải làm rõ các vấn đề như tại sao phải nghiên cứu vấn đề này? Tại sao pháp luật còn bỏ ngỏ, thực tiễn còn lúng túng? Trọng tâm nghiên cứu vấn đề là gì, muốn gửi thông điệp gì? Và nêu xuất được các biện pháp kĩ thuật cụ thể.
Ths. Ngô Thu Trang phát biểu tại một hội nghị nghiên cứu khoa học. Ảnh minh họa: L.A
Đồng thời, ông Nguyễn Quốc Văn cũng kiểm soát xã hội ko mang tính quyền lực, ko đảm bảo chế tài về tiếp thu, do đó cần cải thiện vấn đề này như thế nào, không xung đột lợi ích với đối tượng kiểm soát, chính sách mở rộng rãi và đáng tin cậy hơn. Ngoài ra, cần đánh giá về tính linh động, chủ động trong việc tố cáo, khiếu nại, phản ánh; tính chuyên nghiệp, điều kiện bảo đảm và điều kiện pháp lý để thực hiện.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh 3 phương thức hiệu quả bao gồm phương thức giám sát, phản biện và khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đặc biệt là phương thức phản ánh thông tin về sai phạm, đây là trọng tâm. Muốn nâng lên thành thể chế thì phải nghiên cứu, chấp nhận hình thức phi truyền thông, Viện trưởng Viện Trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, còn có một số ý kiến đóng góp liên quan đến nội dung, kết cấu của đề tài, nội hàm các khái niệm cần làm rõ, phạm vi, thời gian, đối tượng và khung nghiên cứu của đề tài… cần phân định rõ tính pháp lý và tính xã hội của nội dung nghiên cứu, từ đó mới đề xuất được những giải pháp khả thi, hiệu quả, vừa có tính lý luận và vừa có tính ứng dụng thực tiễn.
Tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng góp trách nhiệm, có giá trị của của các đại biểu, Chủ nhiệm đề tài phát biểu, bổ sung, làm rõ và cho biết thêm hiện nay ở Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu độc lập nào nghiên cứu về vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm phòng, ngừa tham nhũng, nhìn rộng ra, một số quốc gia cũng đã nghiên cứu về vai trò của xã hội đặc biệt là của người dân và báo chí trong PCTN nói chung và hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập của họ.
Tới đây, Ban Chủ nhiệm đề tài sẽ cập nhập, điều chỉnh, bổ sung, làm rõ các nội dung mà các đại biểu đã đóng góp, với mục tiêu có một sản phẩm nghiên cứu khoa học chất lượng, vừa đảm bảo tính khoa học và vừa có tính lý luận, thực tiễn về “Vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản thu nhập nhằm phòng ngừa tham nhũng”, ThS. Ngô Thu Trang nhấn mạnh./.
Lan Anh