Tham nhũng, “giặc nội xâm”, “quốc nạn”, từ lâu đã là vấn đề nhức nhối, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và lòng tin của nhân dân. Nhận thức rõ điều này, Đảng và Nhà nước ta luôn kiên quyết đấu tranh PCTN, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, vai trò của toàn xã hội, của “lá chắn” nhân dân, chính là yếu tố then chốt, là bệ đỡ vững chắc cho cuộc chiến cam go, lâu dài này.
Kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh,, “lấy dân làm gốc” luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước. Kế thừa và phát huy tư tưởng đó, Đảng ta luôn khẳng định PCTN không chỉ là nhiệm vụ của riêng Đảng, Nhà nước, mà là của toàn dân, toàn xã hội. Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng thể hiện rõ tinh thần này, khẳng định vai trò của xã hội, của mọi công dân trong phòng, chống tham nhũng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự tham gia của Nhân dân trong PCTN.
“Chắc - Sắc - Đắc” - Khẩu hiệu hành động từ người đứng đầu Đảng
Tháng 10/2024, trong cuộc gặp mặt cán bộ lãnh đạo các cơ quan Nội chính Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng nội chính, là “thanh bảo kiếm”, “lá chắn” vững chắc trong PCTN. Đồng thời, Tổng Bí thư cũng đưa ra khẩu hiệu hành động "Chắc - Sắc - Đắc", thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
|
|
Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra khẩu hiệu hành động "Chắc - Sắc - Đắc" trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. (Ảnh: nld.com.vn) |
"Chắc" là luật pháp chắc, "Sắc" là nghiệp vụ sắc, "Đắc" là đắc nhân tâm, khẩu hiệu này chính là lời kêu gọi mạnh mẽ, khẳng định vai trò quan trọng của toàn xã hội trong PCTN, để cuộc chiến này không chỉ dừng lại ở sự quyết liệt của cơ quan chức năng mà còn lan tỏa tới từng người dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp, đánh bật “giặc nội xâm”.
Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam - Đầu tàu trong công tác phát huy vai trò của xã hội
Theo Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, công tác PCTN ở nước ta thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ, trong đó vai trò của xã hội ngày càng được khẳng định.
Luật PCTN 2018 đã quy định rõ bốn chủ thể kiểm soát xã hội trong PCTN: MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên; Cơ quan báo chí, nhà báo; Doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề; Công dân, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng. Từ vị trí của mình trong hệ thống chính trị Việt Nam, thời gian qua, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, báo chí và các đoàn thể nhân dân đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với hệ thống rộng khắp, đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia PCTN; tổ chức các hoạt động giám sát, phản biện xã hội; chủ trì, phối hợp tổ chức Giải báo chí toàn quốc PCTNTC…
|
|
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 05 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (ảnh: Minh Nguyệt) |
Báo chí - “Cây bút sắc bén” trên mặt trận PCTN
Với vai trò tiên phong, báo chí đã trực tiếp phổ biến, tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC; nhất là những chủ trương, quy định mới của Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của nước ta hiện nay.
Báo chí đã phản ánh và thể hiện rõ quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta, góp phần tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong cuộc đấu tranh này bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng.
Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN; phản ánh kịp thời, khách quan các vụ việc tham nhũng; tạo diễn đàn để người dân bày tỏ ý kiến, phản ánh… đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý.
Doanh nghiệp - Từ “nạn nhân” thành “chiến sĩ” trên mặt trận PCTN
Theo Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các doanh nghiệp trên thực tế thường là nạn nhân của tệ tham nhũng, sách nhiễu từ những người có chức vụ, quyền hạn. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp nhằm đạt được lợi nhuận hoặc lợi thế trong kinh doanh thường tìm mọi cách để lót tay, hối lộ cán bộ, công chức.
Nhận thức được điều này, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, minh bạch, phối hợp với các cơ quan chức năng PCTN, góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.
|
|
Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban dân chủ, giám sát Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 05 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. (Ảnh: Minh Nguyệt) |
Mỗi công dân - “Tế bào” tạo nên sức mạnh của “lá chắn” Nhân dân
Mỗi người dân đều có vai trò quan trọng trong PCTN. Từ việc tự giác chấp hành pháp luật, phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng, đến việc tích cực tham gia giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước, nhất là ở chính quyền cơ sở, đều góp phần tạo nên sức mạnh của “lá chắn” nhân dân. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người dân chính là “chìa khóa” để xây dựng văn hóa liêm chính, đẩy lùi tham nhũng.
Để phát huy hơn nữa vai trò của xã hội trong PCTN, Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp trọng tâm: Nâng cao vị trí, vai trò và sự phối kết hợp giữa Nhà nước và xã hội trong PCTN, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia PCTN. Hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm phát huy vai trò của xã hội trong PCTN, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi tham gia PCTN.
Đồng thời, nâng cao năng lực của các tổ chức xã hội và người dân trong PCTN thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn kỹ năng… Tăng cường bảo vệ, tôn vinh, khen thưởng, nhân rộng điển hình PCTN, bảo vệ người đấu tranh PCTN, xây dựng đạo đức, văn hóa liêm chính cho toàn dân.
PCTN là cuộc chiến cam go, lâu dài, phức tạp, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phát huy sức mạnh của nhân dân, xây dựng “lá chắn” vững chắc từ cơ sở, chính là chìa khóa để chiến thắng “giặc nội xâm”, xây dựng đất nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, phát triển bền vững.