Theo đánh giá của UBND tỉnh Lai Châu, năm 2021, cùng với sự nỗ lực của các cấp ngành, sự chung tay vào cuộc của người dân, doanh nghiệp, công tác cải cách hành chính (CCHC) đã đạt được những kết quả quan trọng, đánh dấu bước ngoặt cho sự thay đổi và sự phát triển.
Tuy nhiên, một số nội dung thực hiện về CCHC, sự phục vụ hành chính, quản trị và hành chính công còn một số hạn chế đã ảnh hưởng đến kết quả xếp hạng chung về các Chỉ số như: một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong việc đóng góp các sáng kiến, giải pháp CCHC hiệu quả, số lượng sáng kiến ít, tính mới chưa cao; chưa chủ động, quyết liệt chỉ đạo, theo dõi tiến độ thực hiện dẫn đến một số nhiệm vụ tỉnh giao chưa đảm bảo thời gian, chất lượng chưa cao; việc xử lý những tồn tại, hạn chế sau kiểm tra CCHC còn chung chung; việc tiếp nhận, xử lý ý kiến đóng góp của người dân đôi khi còn chưa kịp thời…
    |
 |
Cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Lai Châu trả kết quả cho công dân đến giao dịch. Ảnh:Laichau.gov.vn |
Để tiếp tục duy trì kết quả đạt được, nâng cao các chỉ số này, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Chỉ thị về việc nâng cao Chỉ số PAR INDEX, SIPAS và PAPI. Trong đó, yêu cầu Thủ trưởng các sở ngành, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, đồng bộ các văn bản của Trung ương; các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ về đẩy mạnh CCHC, nâng cao thứ hạng các Chỉ số.
Chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất sáng kiến, giải pháp mới trong công tác CCHC có khả năng áp dụng, nhân rộng. Khuyến khích việc học hỏi, vận dụng các sáng kiến đã được áp dụng ở các tỉnh, thành phố trên cả nước phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
“Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương trong năm nên có ít nhất một sáng kiến, giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác CCHC”, Chỉ thị nêu rõ.
Bên cạnh đó, các sở ngành, địa phương cần chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra; các cuộc thanh tra, kiểm tra đều phải có kết luận, thông báo hoặc biên bản...; chỉ đạo kịp thời việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, kiểm tra; tập trung giải quyết có hiệu quả những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, bố trí đầy đủ người đúng chức trách, đủ thẩm quyền tiếp công dân; người đứng đầu cơ quan, đơn vị đảm bảo lịch trực tiếp công dân định kỳ theo quy định; rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ công chức tiếp dân, có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức tiếp dân; thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn đối với các nội dung phải giải trình với người dân.
Tăng cường các kênh tiếp nhận thông tin, nắm bắt ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân đối với chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính, của công chức.
Phát huy vai trò giám sát của đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; có cơ chế bảo vệ người dân khi thực hiện việc tố cáo hành vi tham nhũng.
Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị, địa phương do mình phụ trách; xử lý mức độ tăng nặng đối với hành vi, hiện tượng bị báo chí, người dân phát hiện.
Chú trọng đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, chống phiền hà sách nhiễu trong lĩnh vực y tế, giáo dục, cấp phép xây dựng, các nội dung liên quan đất đai, tài nguyên môi trường, quản lý đô thị...