Còn tiêu chí không đạt điểm
Tổng điểm đánh giá công tác PCTN năm 2020 của UBND thành phố Đà Nẵng do Thanh tra Chính phủ công bố là 66,67/100 điểm. Qua kết quả chấm điểm của Thanh tra Chính phủ cho thấy một số chỉ tiêu được đánh giá đạt yêu cầu, cụ thể: Việc lãnh đạo, chỉ đạo của UBND thành phố về xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN; thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN; kiểm soát tài sản, thu nhập; thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, có những tiêu chí không có điểm, gồm: Kết quả thực hiện kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật về PCTN; kết quả triển khai thực hiện rà soát xung đột lợi ích; kết quả thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch và kết quả thực hiện chế độ trách nhiệm của người đứng đầu trong doanh nghiệp, tổ chức khu, vực ngoài nhà nước.
Đồng thời, có các tiêu chí không đạt điểm, như: Thực hiện công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về PCTN; việc xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn còn thấp (đạt 1,57/2 điểm); kết quả xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm tra nội bộ trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước (đạt 0,14/1 điểm); kết quả kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước (đạt 0,14/1 điểm); phát hiện tham nhũng vẫn chủ yếu thông qua công tác điều tra, truy tố và xét xử.
Theo UBND thành phố Đà Nẵng, nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, thiếu sót trên là do chưa có sự quan tâm chỉ đạo đúng mức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác PCTN cũng như thực hiện báo cáo tự đánh giá công tác PCTN. Mặt khác, công tác phối hợp báo cáo, cung cấp hồ sơ tài liệu của một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chưa đảm bảo, không cung cấp các thông tin xảy ra tại chính cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
|
|
Toàn cảnh phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Thành ủy Đà Nẵng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh minh họa, nguồn: danang.gov.vn) |
Một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
Để công tác PCTN hằng năm đạt chất lượng, hiệu quả và được đánh giá cao, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện; Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố thực hiện các nội dung sau:
Một là, tập trung rà soát, tổ chức triển khai đầy đủ các nội dung liên quan đến công tác PCTN cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ, tình hình cụ thể tại cơ quan, đơn vị, địa phương trên cơ sở văn bản triển khai của Thành ủy, Ban chỉ đạo Thành ủy về PCTN, tiêu cực, UBND thành phố và cơ quan tham mưu công tác quản lý nhà nước về PCTN trên địa bàn thành phố.
Hai là, tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch công tác PCTN của cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng và ban hành. Thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp PCTN, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong PCTN; nghiêm túc thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của Luật PCTN năm 2018.
Đồng thời, chỉ đạo cụ thể hóa bằng văn bản triển khai phù hợp với thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương mình trong việc thực hiện các nội dung: Kiểm soát xung đột lợi ích; xây dựng, thực hiện và tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Bà là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN thông qua các cơ quan thông tin, truyền thông; các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN nhằm nâng cao nhận thức cho công dân và người có chức vụ, quyền hạn.
Bốn là, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Thường xuyên chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân và cán bộ, công chức, viên chức khác do mình quản lý, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng. Đồng thời, thường xuyên đôn đốc người đứng đầu đơn vị trực thuộc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý.
Năm là, tiếp tục triển khai có hiệu quả các Kế hoạch của UBND thành phố về công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, gồm: Kế hoạch số 137/KH- UBND ngày 20/7/2021 và Kế hoạch số 211/KH-UBND ngày 06/12/2021 về triển khai thực hiện Kế hoạch số 38-KH/TU ngày 17/11/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 và Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm phải kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra. Nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thành ủy quản lý phải báo cáo ngay cho Chủ tịch UBND thành phố, Thường trực Thành ủy để kịp thời chỉ đạo xử lý./.