Trong suốt chiều dài phát triển của sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng” [1].
Thời gian qua, nhờ làm tốt quy trình kiểm tra, đánh giá toàn diện cán bộ, kết hợp với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong công cuộc phòng chống tham nhũng mà nhiều vụ án lớn có liên quan đến đội ngũ cán bộ, đảng viên (trong đó có cả những cán bộ cấp cao) được phanh phui.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thanh tra Việt Nam về công tác cán bộ trong thời gian qua, ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội), Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII và PGS. TS Bùi Thị An – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII có chung một số nhận định như sau:
Trước hết, từ thực tiễn công tác kiểm tra, đánh giá cán bộ trong thời gian qua đã khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng và Bộ Chính trị rằng công tác cán bộ là khâu “then chốt”, quan trọng số một. Bởi, công tác này quyết định đến tất cả quá trình tổ chức, thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước; đưa những chính sách, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với Nhân dân. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đặc biệt được Đảng và Nhà nước ta chú trọng.
|
|
Ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội), Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII. Ảnh: VOV |
Cùng với mục tiêu làm cho bộ máy cán bộ trở nên trong sạch, gọn nhẹ nhưng hoạt động hiệu quả, trong giai đoạn vừa rồi, Đảng và Nhà nước ta đã có những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể trong công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Công tác này được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, trên nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
Trên cơ sở đó, đã phát hiện và xử lý hàng loạt các vi phạm, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, trong đó có cả những cán bộ cao cấp về các tội danh như Vi phạm các quy định về đấu thầu, gây hiệu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa và Nhận hối lộ....
Điều này đã thể hiện nhiều bước tiến mới trong công tác cán bộ và một lần nữa lại khẳng định quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng và Nhà nước trong công cuộc phòng chống tham nhũng với phương châm nhất quán “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể ai”.
Thực tiễn công tác cán bộ và phòng chống tham nhũng trong thời gian qua là minh chứng cho việc thực hiện công bằng xã hội, cho thấy không ai là ngoại lệ, không ai nằm ngoài vùng pháp luật. Từ đó, ngày càng củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình ấy, báo chí truyền thông giữ một vai trò vô cùng to lớn, trở thành những binh chủng phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan chức năng khác, nhằm tạo ra những hiệu quả thiết thực.
Qua đó, để lại nhiều bài học và là hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với đội ngũ cán bộ hiện nay; khiến các cán bộ ngày càng phải giác chú tâm hơn nữa không chỉ về chuyên môn nghiệp vụ mà còn cần phải tu dưỡng đạo đức, lối sống, tác phong làm việc có trách nhiệm, đúng bổn phận của mình, lấy dân làm gốc, làm việc vì Nhân dân, không đi theo những vết xe đổ trước.
Muốn chọn được cán bộ có đủ đức, đủ tài thì phải lắng nghe Nhân dân
Nói về nguyên nhân sai phạm của các cán bộ thì có nhiều, nhưng nhìn chung, nguyên nhân lớn nhất gây ra những sai phạm của đội ngũ cán bộ trong thời gian vừa qua liên quan đến việc cán bộ chưa thực sự chú tâm vào việc rèn luyện đạo đức, tác phong nghiệp vụ của mình.
|
|
PGS. TS Bùi Thị An – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: VGP |
Tuy đã có những kết quả rất đáng ghi nhận trong thời gian qua, nhưng theo quan điểm của PGS. TS Bùi Thị An – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, những biện pháp đó chưa hẳn giải quyết tận gốc của vấn đề.
“Hiện nay, công tác cán bộ vẫn còn nhiều kẽ hở, chưa thực sự chặt chẽ trong các khâu như quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, đào tạo cán bộ,... và đặc biệt là khâu quản lý cán bộ. Cơ chế kiểm soát cán bộ chưa chặt chẽ khiến cho cán bộ dễ bị sa ngã.
Ngoài ra, việc phát hiện người đủ đức, đủ tài hiện nay vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ. Ta vẫn thường hay đưa ra lập luận về việc bổ nhiệm là đúng quy trình, nhưng vẫn có sản phẩm ra chưa tốt, nên chắc chắn cần phải xem xét lại về quy trình quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ này, nhất là bổ nhiệm người đứng đầu.
Trên thực tế, không ít trường hợp tiêu chí tuyển chọn cán bộ còn đặt nặng về thành tích, giấy tờ, mà quên đi việc đánh giá dựa trên thực tiễn, hiệu quả công việc đã làm được. Đó là còn chưa kể, có những trường hợp bằng cấp giấy tờ còn chưa đảm bảo chất lượng thực sự, gây nên nhiều hệ lụy về sau.
Bản thân tôi cho rằng, mục tiêu của công tác cán bộ trước hết phải là phát hiện, tuyển chọn đúng người để bổ nhiệm, đề bạt, sắp xếp vào vị trí phù hợp. Có như vậy, ta mới vừa giúp họ phát huy đúng năng lực thực sự của mình, vừa đem lại lợi ích cho đất nước, phục vụ tốt cho Nhân dân.
Theo đánh giá của tôi, sự lấy ý kiến của người dân về công tác cán bộ trong giai đoạn vừa rồi chưa thực sự phổ biến và đạt hiệu quả cao. Mặc dù đã có cơ chế bảo vệ những người dám nói, dám làm, nhưng đa phần người dân thường rất ngại chỉ ra quan điểm, đánh giá mặt tốt, mặt xấu của công tác cán bộ. Trong khi đó, cán bộ là những người phục vụ cho Nhân dân, gần Nhân dân, nên hơn hết, muốn chọn được cán bộ đủ tài, đủ đức thì việc lấy ý kiến của Nhân dân, của cộng đồng là vô cùng cần thiết.
Nhân dân cần được tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình giám sát, phản biện xã hội. Nếu không làm cho dân tin tưởng, không có những phương pháp hợp lý để thúc đẩy sự lên tiếng, đánh giá của quần chúng Nhân dân nhằm đấu tranh chống lại hành vi tham nhũng, tiêu cực thì chắc hẳn việc đánh giá cán bộ sẽ khó khách quan”.
Cần phải khẩn trương, quyết liệt hơn nữa để có những biện pháp ngăn chặn kịp thời
Tuyển chọn cán bộ đã khó, nhưng có những cơ chế phù hợp để kiểm soát quyền lực chặt chẽ còn khó hơn. Theo ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội), Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII:
“Thực tế hiện nay cho thấy, ban đầu, qua công tác lựa chọn, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, chúng ta đã chọn ra được những cán bộ phù hợp, có đầy đủ phẩm chất, năng lực; nhưng trong quá trình công tác, họ đã không vượt qua được những cám dỗ, dẫn đến việc bị lợi ích và đồng tiền làm mờ mắt, không còn giữ được sự liêm chính, trong sạch. Vì thế, ngoài việc tuyển chọn, đào tạo cán bộ thì cơ chế
kiểm soát quyền lực phải rắn hơn nữa, để cán bộ không bị sa ngã, bước chân vào vòng lao lý.
Hơn nữa, hiện nay, không ít vụ án mà ở đó đối tượng phạm tội đã lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để thực hiện mưu đồ cá nhân của mình, đặc biệt là các tội phạm về tham nhũng. Không chỉ một đối tượng mà có khi là cả một đường dây phạm tội; không chỉ kịp thời cao chạy xa bay trốn tránh vòng phát luật, mà vì sự chậm trễ trong một số vụ án, nhiều đối tượng đã kịp thời vận chuyển, tẩu tán tài sản ra nước ngoài, hoặc chuyển sang cho người thân gia đình.
Hệ quả là công cuộc truy nã, tìm kiếm và thu hồi tài sản cũng rất vất vả, tốn kém và về nhân lực và vật lực, mà chưa chắc đã thu hồi được triệt để. Vì thế, trong quá trình đấu tranh loại bỏ hành vi vi phạm trong công tác cán bộ, chúng ta cần phải khẩn trương, quyết liệt hơn nữa, đưa ra những biện pháp ngăn chặn kịp thời để hạn chế tình trạng trên”.
Nhìn chung, từ những kết quả đã đạt được trong thời gian qua của công tác cán bộ nói chung và công cuộc phòng chống tham nhũng nói riêng đã đem đến cho chúng ta nhiều tín hiệu tích cực và niềm tin về những cán bộ chân chính, tài đức vẹn toàn, cống hiến vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân. Nhưng muốn làm được điều đó, sẽ cần sự cố gắng, quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa của toàn Đảng, toàn dân ta./.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2018. Tr.54.