|
|
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 05 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, sáng 24/12/2024. Ảnh: Minh Nguyệt |
Vai trò tham mưu trong việc ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật
Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng trong cơ quan Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao tiếp tục phát huy vai trò tham mưu cho lãnh đạo các bộ, ngành, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật.
Qua 05 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, Luật đã kế thừa những ưu điểm Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, bổ sung các năm 2007 và 2012; tiếp thu, cụ thể hóa những nội dung mới của Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng thành pháp luật. Các quy định của Luật đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn, đáp ứng được những yêu cầu nhất định của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt theo chủ trương: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Tại Thanh tra Chính phủ, Cục Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực (Cục IV) tham mưu Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình công tác trọng tâm hàng năm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của các địa phương theo Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2019, 2020, 2021, 2022 và năm 2024; tiếp tục thí điểm đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại 03 Bộ (Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Tài chính) để xây dựng, hoàn thiện các bộ chỉ số, tiến hành đánh giá đối với các bộ, ngành trung ương; hướng dẫn việc kiểm soát tài sản, thu nhập; tiến hành xác minh tài sản, thu nhập đối với người kê khai thuộc thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ quản lý; thực hiện các cuộc thanh tra theo chương trình công tác và các nhiệm vụ đột xuất khác khi được giao...
|
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Minh Nguyệt |
Tại các bộ, ngành, địa phương, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, dưới sự chỉ đạo toàn diện, sâu sát, quyết liệt của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, trực tiếp và thường xuyên của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo; sự tập trung chỉ đạo, giám sát của Quốc hội; với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Tư pháp. Theo đó, việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị tiếp tục được tăng cường thực hiện trên các trang thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng về các thủ tục hành chính, các thông tin về dự toán ngân sách, mua sắm công, đầu tư xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, triển khai, theo dõi, kiểm tra giám sát tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính; góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, tích cực chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp...
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý thức trách nhiệm cao của các bộ, ngành, địa phương, sự cố gắng của các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể, cơ quan báo chí, truyền thông và nhất là vai trò quan trọng của Nhân dân.
Chính vì thế, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực, toàn diện. Cán bộ, công chức, viên chức cơ bản có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ, có ý thức phục vụ Nhân dân, được Nhân dân tin tưởng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, ổn định và phát triển kinh tế, xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng có bước tiến đột phá
Cụ thể, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) thuộc Bộ Công an đã tăng cường công tác phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng; đã thụ lý điều tra 55 vụ án/gần 250 bị can; xác định thiệt hại tạm tính gần 5,5 nghìn tỷ đồng.
Quá trình điều tra đã kê biên, phong tỏa tài sản gồm hơn 2 nghìn tỷ đồng và nhiều bất động sản, tài sản có giá trị khác. Một số vụ án đang tập trung điều tra, kê biên, phong tỏa tài sản để phục vụ công tác thu hồi, khắc phục hậu quả thiệt hại.
Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5) thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thụ lý, thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết 44 tin báo; đã thụ lý thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 62 vụ/502 bị can; đã thụ lý giải quyết thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố 16 vụ/gần 200 bị can; chuyển Tòa án có thẩm quyền xét xử 21 vụ/hơn 250 bị can có liên quan đến tham nhũng.
Riêng năm 2024, Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm gần 1,2 nghìn vụ /hơn 3,2 nghìn bị cáo; đã xét xử gần 1.000 vụ/hơn 2,4 nghìn bị cáo về các tội tham nhũng; tuyên phạt tù chung thân và tử hình hàng chục bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm hàng trăm bị cáo; từ trên 7 năm đến 15 năm gần 400 bị cáo; từ trên 3 năm đến 7 năm gần 600 bị cáo; từ 3 năm trở xuống hơn 700 bị cáo...
K. Dung