Phát huy vai trò của lực lượng Cảnh sát kinh tế trong phòng, chống tham nhũng

Thứ năm, 19/01/2023 15:37
(ThanhtraVietNam) - Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: “Thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, làm tốt chức năng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển. Không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự. Phát huy đúng vai trò giám sát, phản biện xã hội, các hình thức tự quản của cộng đồng, các phương thức hòa giải cấp cơ sở. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể Nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng trong quá trình hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” (1).

Thực tế, trong những năm qua, lực lượng Công an Nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát kinh tế nói riêng đã nghiêm túc triển khai thực hiện một cách có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Tháng 02/2013, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, công tác phòng, chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”... Cùng với các cơ quan chức năng khác đã thực hiện quyết tâm chính trị cao trong phòng, chống tham nhũng, lực lượng Cảnh sát kinh tế cũng đã có sự nỗ lực trên nhiều phương diện, đạt được những kết quả quan trọng, khẳng định được vị trí của mình trong phòng, chống tham nhũng.

leftcenterrightdel
 Lực lượng CSKT Công an Thanh Hóa đang xử lý hồ sơ các vụ án. Ảnh: H. Trà

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, sự quan tâm sâu sắc của của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát kinh tế luôn đoàn kết, giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng và ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về nhiều mặt; đã lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Có thể khái quát một số mặt công tác cơ bản mà lực lượng Cảnh sát kinh tế đã thực hiện trong lĩnh vực này thời gian qua như sau:

Thứ nhất, chủ động áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm tham nhũng

Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm tham nhũng xảy ra. Nếu tội phạm xảy ra thì kịp thời ngăn chặn, không để gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với xã hội, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã chủ động điều tra cơ bản nắm tình hình về địa bàn, tuyến, lĩnh vực cụ thể có khả năng xảy ra tội phạm tham nhũng để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát kinh tế tiến hành quản lý chặt chẽ những đối tượng có “điều kiện, khả năng” thực hiện hành vi phạm tội về tham nhũng, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để tác động giúp đối tượng từ bỏ ý định phạm tội, nếu đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thì kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

Theo tổng kết, đánh giá của Bộ Công an, trong những năm qua, công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát huy hiệu quả cao trong phòng ngừa tội phạm tham nhũng. Theo đó, nhiều tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đã kiềm chế được các loại tội phạm tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, lạm dụng quyền lực trong khi thi hành công vụ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi… Mặc dù có những khó khăn nhất định, nhất là trong quản lý các đối tượng có “điều kiện, khả năng” phạm tội về tham nhũng do nhiều đối tượng giữ các chức vụ cao trong cơ quan Nhà nước, tổ chức. Tuy nhiên, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã khắc phục những khó khăn đó để thực hiện thành công các mặt công tác nghiệp vụ. Một số lĩnh vực như tài chính, kế toán, ngân hàng, thương mại, xây dựng cơ bản, bất động sản… các hành vi phạm tội về tham nhũng xảy ra đã phát hiện, xử lý kịp thời, góp phần hạn chế hậu quả tác hại.

Thứ hai, kịp thời phát hiện, điều tra các hành vi phạm tội tham nhũng

Trong hơn 10 năm qua, lực lượng Cảnh sát kinh tế các cấp đã khởi tố mới hơn 1.200 vụ án gồm hơn 2.500 bị can về các tội danh liên quan tham nhũng, thu hồi gần 10.000 tỷ đồng, hơn 150 ha đất, qua đó đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố hơn 900 vụ án gồm hơn 1.900 bị can. Đặc biệt trong số đó đã điều tra 50 vụ án lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo (2); xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng, với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù bất kể đó là ai” (3), không còn tình trạng xử lý thiếu kiên quyết, kéo dài, “chìm xuồng”.

Trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã kịp thời triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp trong đấu tranh phòng, chống tội tham nhũng. Qua đó phát hiện, điều tra, xử lý thành công nhiều vụ án lớn gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, làm lũng đoạn chính sách tiền tệ, phá hoại kinh tế vĩ mô. Những vụ án lớn đó đã gây “chấn động” dư luận tại thời điểm xảy ra khi thiệt hại trong mỗi vụ án lên tới hàng nghìn tỷ đồng, cùng các hệ lụy lớn về kinh tế, xã hội. Kết quả điều tra, xử lý các vụ án đã thu hồi một lượng lớn tài sản cho Nhà nước, kiến nghị các vấn đề quan trọng về quản lý kinh tế, xã hội, về công tác cán bộ... qua đó khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và mức độ tinh nhuệ của lực lượng Cảnh sát kinh tế. Đồng thời, việc phát hiện, điều tra, khám phá nhiều vụ án tham nhũng lớn, chủ thể tội phạm có địa vị cao đã tạo nên điểm sáng trong công tác chỉnh đốn Đảng, nâng cao niềm tin của Nhân dân vào lực lượng Công an Nhân dân nói riêng, với Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng nói chung.

Thứ ba, tích cực, chủ động tham mưu với lãnh đạo các cấp xây dựng các chủ trương, biện pháp phòng, chống tham nhũng, ban hành các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Thông qua thực tiễn phát hiện, đấu tranh các vụ án về tham nhũng, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện những kẽ hở của pháp luật, những thiếu sót trong quá trình thi hành pháp luật, trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, quản lý nhà nước về kinh tế... Trên cơ sở đó, lực lượng Cảnh sát kinh tế đề xuất với lãnh đạo Bộ Công an, Đảng ủy Công an trung ương để tham mưu với Đảng, Nhà nước khắc phục những hạn chế, thiếu sót đã phát hiện ra, từ đó hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, thực hiện phương châm “tích cực phòng ngừa, chủ động tấn công, trong đó lấy phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính” (4).

Cùng với các cơ quan chức năng, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an ban hành hơn 1.200 văn bản pháp luật; đề xuất lãnh đạo Bộ phối hợp với các bộ, ngành tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước ban hành hơn 100 văn bản liên quan phòng, chống tham nhũng. Lực lượng Cảnh sát kinh tế cũng đã có hơn 300 kiến nghị, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng và cùng hàng nghìn kiến nghị khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, quản lý nhà nước về kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả vào công tác phòng, chống tham nhũng (5).

Thứ tư, thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng

Nhằm nâng cao ý thức pháp luật về phòng, chống tội phạm, lực lượng Cảnh sát kinh tế cần phải tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Cùng với việc tuyên truyền pháp luật, lực lượng Cảnh sát kinh tế còn hướng dẫn cho Nhân dân biết và tích cực, chủ động trong tố giác tội phạm, cung cấp thông tin liên quan đến tội phạm tham nhũng để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn phù hợp. Các nội dung thông tin cụ thể cần phải hướng dẫn như phương thức báo tin, địa điểm báo tin, những nội dung tin báo có liên quan.

Đối với những tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm về tham nhũng thì việc phát động quần chúng Nhân dân sinh sống trên địa bàn thực hiện công tác phòng ngừa có ý nghĩa quan trọng. Quần chúng có thể nắm được tình hình hoạt động của đối tượng, của dự án… Trên cơ sở đó, họ có thể phát hiện tội phạm và các hành vi vi phạm. Lực lượng Cảnh sát kinh tế phối hợp với các cơ quan chức năng để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào công tác phát hiện, cung cấp tố giác, tin báo có liên quan đến tiêu cực trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội, cũng như các vi phạm pháp luật khác và giáo dục, răn đe những đối tượng có ý định phạm tội tham nhũng, góp phần đấu tranh, phòng chống tội phạm tham nhũng có hiệu quả.

Trong hơn 10 năm qua, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phối hợp với các cơ quan truyền thông trong Công an Nhân dân đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đã có hơn hơn 4000 bài viết về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, phản bác quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng công tác phòng, chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước (6).

Lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phối hợp với các cơ quan khác nhau, thực hiện nhiều lượt tuyên truyền về pháp luật, về phòng, chống tội phạm kinh tế, trong đó, có các nội dung có liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng. Phối hợp với Đài truyền hình Trung ương hàng trăm lượt trong việc xây dựng các chuyên đề tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng. Trong quá trình phối hợp, lực lượng Cảnh sát kinh tế thường cung cấp các thông tin có hệ thống về các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, lạm quyền trong khi thi hành công vụ…. Qua đó, bản tin giúp người dân cả nước đề cao cảnh giác đối với các đối tượng tham nhũng. 

Thông qua việc triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã tiếp nhận 500 tin báo tố giác, kiến nghị khởi tố tội phạm tham nhũng trong hơn 10 năm qua. Trong đó có hơn 400 tin báo, kiến nghị đã được xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, khởi tố hơn 140 vụ án, hơn 200 bị can (7). Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát kinh tế còn tổ chức tiếp nhận hàng chục nghịn tin báo của quần chúng Nhân dân liên quan đến việc, hiện tượng, đối tượng liên quan đến các hành vi tham nhũng. Qua kiểm tra, xác minh, đã có nhiều thông tin thiết thực phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra làm rõ hành vi tham nhũng của các đối tượng để đưa ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Với vai trò là lực lượng chủ công, nòng cốt của lực lượng Công an Nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lực lượng Cảnh sát kinh tế cần phát huy những ưu điểm đã đạt được. Trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát kinh tế cần tập trung vào một số nội dung sau:

- Không ngừng hoàn thiện, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát kinh tế thực sự vững vàng về chính trị, giỏi về pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

- Làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, chủ động nhận diện các vấn đề tiềm ẩn nhiều sai phạm liên quan đến tội phạm tham nhũng để tập trung áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, không để tội phạm tham nhũng xảy ra; hạn chế hậu quả tác hại cho xã hội;

- Nâng cao chất lượng công tác phát hiện, điều tra tội phạm tham nhũng, tập trung ngăn chặn thất thoát và thu hồi tài sản tối đa cho Nhà nước, tập thể, cá nhân. Kết quả công tác phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng lớn phải tuyên truyền rộng rãi để vừa góp phần răn đe những đối tượng đang có ý định thực hiện hành vi tham nhũng. Đồng thời, củng có niềm tin của quần chúng đối với Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng.

- Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phòng ngừa, phát hiện, cung cấp tin báo, tố giác về hành vi tham nhũng. Xây dựng cơ chế thuận lợi, phù hợp để người dân có thể tố giác, cung cấp tin báo một cách nhanh chóng, chính xác về các hành vi tham nhũng, đặc biệt là các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm liên quan đến tội phạm tham nhũng./.

Danh mục tài liệu tham khảo:

(1), (4) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội;

(2), (5), (6), (7) Cục Cảnh sát kinh tế (2012-6/2022), Báo cáo tổng kết công tác năm, sơ kết 06 tháng các năm từ 2012 đến 6/2022, Hà Nội;

(3) Nguyễn Phú Trọng (2020), Bài phát biểu của Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020 diễn ra sáng 12/12, https://bom.so/Qh1KX6.

Thiếu tá, TS. Nguyễn Văn Triều
Học viện Cảnh sát Nhân dân
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra