Liêm chính, trách nhiệm và đạo đức công vụ: Nền tảng quan trọng trong phòng, chống tham nhũng
Một trong những vấn đề cốt lõi trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay là sự liêm chính và trách nhiệm của cán bộ trong quá trình thực thi công vụ. Chia sẻ những kinh nghiệm trong việc thực thi quy tắc ứng xử nhằm ngăn ngừa tham nhũng trong môi trường công vụ, ông Lê Huy Thắm, Phó Cục trưởng Cục Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực, Thanh tra Chính phủ cho biết, Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018, quy định rõ về những hành vi mà người có chức vụ và quyền hạn phải tuân thủ để tránh những xung đột lợi ích không đáng có.
Cụ thể, “người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội phải thực hiện quy tắc ứng xử, bao gồm các chuẩn mực xử sự là những việc phải làm hoặc không được làm phù hợp với pháp luật và đặc thù nghề nghiệp nhằm bảo đảm liêm chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ.”
Quy tắc ứng xử này đặt nền móng cho việc phòng ngừa các hành vi thiếu minh bạch và lợi dụng quyền lực vì mục đích cá nhân. Trong đó, các quy định về không nhũng nhiễu, không tham gia điều hành doanh nghiệp tư nhân, và không tư vấn cho tổ chức khác về các vấn đề thuộc phạm vi công vụ của mình đều là những bước đi rõ ràng nhằm ngăn chặn nguy cơ tham nhũng ngay từ đầu.
Ngăn chặn xung đột lợi ích – bài toán quan trọng trong phòng, chống tham nhũng
Một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo sự minh bạch trong công tác quản lý là việc nhận diện và giải quyết xung đột lợi ích. Theo Luật PCTN năm 2018, xung đột lợi ích được xem là tình huống có thể tác động không đúng đắn đến việc thực hiện nhiệm vụ công vụ. Điều này rất dễ dẫn đến việc sử dụng quyền lực không công bằng, gây ra những hệ lụy tiêu cực trong hoạt động của cơ quan, tổ chức.
Ông Lê Huy Thắm chỉ ra rằng, để kiểm soát xung đột lợi ích, Luật quy định người thực hiện nhiệm vụ phải báo cáo với cấp trên khi nhận thấy có khả năng xảy ra xung đột lợi ích: “Khi có tình huống dẫn đến xung đột lợi ích, nếu thấy việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ không bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, trung thực thì người trực tiếp quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn được áp dụng một trong các biện pháp như giám sát, đình chỉ hoặc tạm chuyển vị trí công tác khác.” Những biện pháp này không chỉ giúp ngăn ngừa sai phạm mà còn tạo điều kiện để công tác quản lý được thực hiện một cách minh bạch và công bằng.
Không nhận quà tặng từ các đối tượng liên quan - ngăn ngừa tham nhũng ngay từ gốc rễ
Luật PCTN 2018 cũng quy định cụ thể về việc tặng quà và nhận quà, nhấn mạnh tính cần thiết của việc nghiêm cấm nhận quà tặng liên quan đến công việc đang giải quyết. Ông Lê Huy Thắm chỉ rõ, “khoản 2 Điều 22 Luật PCTN quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.”
Quy định này nhằm mục tiêu loại bỏ hoàn toàn các hành vi tiêu cực phát sinh từ sự ảnh hưởng của quà tặng đối với việc thực hiện công việc. Các cơ quan, đơn vị cần đảm bảo rằng cán bộ không sử dụng nguồn tài chính hoặc tài sản công để làm quà, trừ những trường hợp đặc biệt có quy định riêng như trong hoạt động từ thiện hay đối ngoại.
Vai trò người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng
Trong việc xây dựng một hệ thống PCTN hiệu quả, vai trò của người đứng đầu là vô cùng quan trọng. Luật PCTN năm 2018 quy định rõ rằng người đứng đầu và cấp phó không được phép để người thân trong gia đình mình giữ các chức vụ có thể gây ra xung đột lợi ích.
Cụ thể, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người giữ chức danh, chức vụ quản lý khác trong doanh nghiệp nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.
Việc này không chỉ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích mà còn bảo đảm tính công bằng và minh bạch trong tổ chức, tạo điều kiện cho quá trình công khai tài chính được thực hiện đúng quy trình.
Có thể khẳng định, các quy tắc ứng xử mà Luật PCTN đưa ra là những công cụ quan trọng để ngăn chặn các hành vi tiêu cực và xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ. Những quy tắc này không chỉ giúp cán bộ giữ được liêm chính, trách nhiệm mà còn là nền tảng xây dựng một nền công vụ vững mạnh, liêm chính và minh bạch trong tương lai.