Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động quản lý dự án

Thứ sáu, 12/05/2023 10:15
(ThanhtraVietNam ) - Đây là một trong những yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đối với các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án nhằm tăng cường công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ, công vụ, phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực liên quan đến hoạt động quản lý dự án để đảm bảo chất lượng, tiến độ, kế hoạch giải ngân các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ GTVT quản lý.

Thời gian qua, Bộ GTVT đã tăng cường phân cấp, ủy quyền, giao nhiệm vụ Chủ đầu tư cho các Ban quản lý dự án (QLDA), công tác thi công các dự án, công trình hạ tầng giao thông tiếp tục được triển khai quyết liệt, cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn trong thời gian ngắn để kịp thời khởi công đồng loạt các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục có nhiều chuyển biến, đạt được mục tiêu đề ra, đến thời điểm hiện tại Bộ GTVT tiếp tục là một trong những bộ ngành có tiến độ giải ngân cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

 Để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý, tạo tính chủ động, xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong quá trình thực hiện; đồng thời tăng cường công tác quản lý, kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực liên quan đến hoạt động quản lý dự án, Bộ GTVT yêu cầu các Chủ đầu tư, Ban QLDA và các đơn vị có liên quan thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, về tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động quản lý dự án, Bộ GTVT yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 50-NQ/BCSĐ ngày 05/10/2022 của Ban Cán sự đảng Bộ GTVT về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời yêu cầu các Chủ đầu tư/Ban QLDA thường xuyên phổ biến, quán triệt đến từng cán bộ, viên chức trực thuộc, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia quản lý, điều hành dự án về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, về các hành vi bị cấm trong hoạt động đầu tư công, đầu tư xây dựng, đấu thầu…; nâng cao chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị; thực hiện nghiêm những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; đề ra các giải pháp để ngăn chặn, loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động quản lý dự án đầu tư; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ, chế độ báo cáo, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp nhận thông tin, ngăn chặn kịp thời các dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong đơn vị.

leftcenterrightdel
Bộ GTVT yêu cầu tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động quản lý dự án 

Nghiêm cấm các Chủ đầu tư/Ban QLDA có các hành vi thông đồng, móc ngoặc để hợp thức hóa hồ sơ thủ tục, làm sai lệch hồ sơ, kết quả công việc, tăng khống khối lượng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chèn ép, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho đối tác để thu lợi cá nhân; áp đặt chỉ định mỏ vật liệu, chỉ định nguồn gốc, xuất xứ, gửi nhà thầu, nhà thầu phụ, nhà thầu cung cấp hàng hóa, vật tư, vật liệu cho dự án.

Nghiêm cấm lựa chọn nhà thầu không có đủ năng lực, kinh nghiệm theo các quy định pháp luật và quy định của HSMT/HSYC; dàn xếp, thông thầu; quy định các điều kiện bất hợp lý, không phù hợp theo quy định pháp luật trong HSMT/HSYC; có hành vi cản trở, hạn chế sự tham gia của nhà thầu; tiết lộ thông tin trong đấu thầu, dẫn đến có đơn, thư khiếu nại không đúng làm việc lựa chọn nhà thầu bị kéo dài, phức tạp.

Nghiêm cấm thông đồng, hợp thức hóa hồ sơ thủ tục cho các sai sót trong công tác giám sát, kiểm định, nghiệm thu kết quả khảo sát; thông đồng với tư vấn để đưa một số loại vật liệu vào hồ sơ thiết kế, hoặc “gửi giá, nâng giá” trong hồ sơ dự toán. Thỏa thuận với nhà thầu về việc “chung chi” để bỏ qua các sai sót về thủ tục, chất lượng; “gửi giá” qua các nhà cung cấp vật liệu đưa vào công trình; nhũng nhiễu, gây khó khăn khi ký hồ sơ nghiệm thu, thanh toán. Vi phạm quy định pháp luật về chuyển nhượng thầu, quản lý nhà thầu phụ không đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, về tăng cường công tác quản lý, điều hành dự án đối với các Chủ đầu tư/Ban QLDA cần củng cố, kiện toàn bộ máy, nhân sự tham gia quản lý dự án đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Thực hiện đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của Chủ đầu tư/Ban QLDA trong công tác quản lý dự án; xây dựng quy chế nội bộ về trình tự, thủ tục, vai trò trách nhiệm giữa các đơn vị trình, đơn vị thẩm định, người phê duyệt, đảm bảo tính độc lập trong các bước đầu tư xây dựng; xác định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi đơn vị, tổ chức quản lý, điều hành dự án đảm bảo thống nhất, xuyên suốt, đạt hiệu quả cao.

Kiện toàn bộ phận điều hành dự án tại hiện trường, bố trí nhân sự phù hợp, độc lập về mặt quản lý nhân sự, đảm bảo không chồng chéo để tổ chức triển khai đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Thứ ba, về kiểm soát tiến độ thi công và giải ngân, Bộ GTVT yêu cầu nhà thầu chủ động triển khai tổ chức thi công ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của dự án theo đúng biểu tiến độ chi tiết đã chấp thuận; chủ động trong việc tập kết vật liệu có yêu cầu khối lượng lớn như: Vật liệu đắp nền đường, xử lý nền đất yếu, cấp phối đá dăm, đá thi công BTXM, BTN các loại,…

Tăng cường việc kiểm soát tiến độ giải ngân đảm bảo phù hợp với tiến độ thi công chi tiết của các gói thầu, dự án đã được chấp thuận. Yêu cầu các chủ đầu tư/Ban QLDA chỉ đạo các đơn vị thi công tranh thủ thời tiết thuận lợi, tổ chức tăng mũi thi công, tăng ca kíp, tổ chức thi công cuốn chiếu, đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung triển khai ngay các hạng mục đã được bàn giao mặt bằng, các hạng mục có sản lượng lớn…

Giải ngân tối đa nguồn vốn kế hoạch được giao năm 2023, phấn đấu tỷ lệ giải ngân trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023.

Cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình gây khó dễ, nhũng nhiễu, hạch sách khi thực hiện thủ tục nghiệm thu, thanh toán làm ảnh hưởng tiến độ giải ngân của các dự án.

Đối với các cơ quan tham mưu thuộc Bộ GTVT cần siết chặt kỷ cương, quản lý chặt chẽ và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng; nghiêm cấm các hành vi can thiệp trái pháp luật vào các hoạt động đầu tư xây dựng. Tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng thuộc trách nhiệm và phạm vi quản lý của Bộ GTVT. Nếu phát hiện có vi phạm trong quá trình kiểm tra, kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc kịp thời báo cáo, đề xuất Bộ GTVT xử lý theo quy định.

An Khang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra