|
|
Các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng điểm cầu tỉnh Bình Phước |
Theo đó, nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với các cơ quan, đơn vị không thực hiện, thực hiện không đầy đủ báo cáo đánh giá công tác PCTN năm 2021; các đơn vị không xây dựng kế hoạch, báo cáo gây ảnh hưởng đến kết quả đánh giá PCTN của tỉnh. Đồng thời, triển khai và thực hiện có hiệu quả Luật PCTN; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN trong ngành, lĩnh vực, địa phương.
Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, thực hiện nghiêm các chủ trương, nghị quyết, văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác PCTN; giám sát và triển khai đồng bộ có hiệu quả các giải pháp PCTN theo quy định. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả chế độ quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, cải cách thủ tục hành chính; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Định kỳ xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực nhạy cảm
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm như: Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, xây dựng cơ bản, giao thông, y tế, thu chi ngân sách... Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra trách nhiệm đối với thủ trưởng các cấp, các ngành trong công tác PCTN, lãng phí; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến tham nhũng; đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm. Các cơ quan thanh tra khi tiến hành cuộc thanh tra thực hiện pháp luật PCTN, căn cứ vào ý kiến chỉ đạo và tình hình thực tế cần lựa chọn nội dung thanh tra phù hợp; đi sâu vào một số dung trọng tâm như: Xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; việc công khai, minh bạch hoạt động tài chính ngân sách nhà nước; thực hiện quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn, việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; kê khai minh bạch tài sản thu nhập...
Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh, năm 2022 công tác phòng, chống tham nhũng có những chuyển biến tích cực, tính cả số kỳ trước chuyển qua thì trong năm 2022 đã thụ lý điều tra, xử lý 13 vụ, 22 bị can (án tham nhũng 12 vụ, 20 bị can; án chức vụ 1 vụ, 2 bị can), kết quả đã xử lý 5 vụ với 12 bị can. Tổng số tiền, tài sản tham nhũng phát hiện được là hơn 8,4 tỷ đồng, đã thu hồi gần 6 tỷ đồng, đạt 70%.
|
Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm, bổ sung; quản lý, kiểm tra bản kê khai, phối hợp xác minh tài sản, thu nhập khi có dấu hiệu. Tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng, chính trị cho đảng viên, cán bộ, công chức giúp cho cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị có nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, góp phần xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan trong sạch vững mạnh, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đề nghị các cơ quan điều tra, truy tố tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng đã phát hiện./.