Thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và văn kiện Đại hội XII của Đảng, UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo rà soát, thanh tra, kiểm tra, triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng trên toàn tỉnh. Qua báo cáo của UBND tỉnh về kết quả công tác PCTN nhằm phục vụ Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, tỉnh Tây Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác PCTN. Phát hiện và xử lý triệt để những trường hợp có hành vi tham nhũng, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.
Thu hồi được hơn 2,5 tỷ đồng tài sản tham nhũng
Trong 1 năm qua, thông qua hoạt động giám sát, kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, UBND tỉnh phát hiện 01 vụ với 04 người có dấu hiệu tham nhũng và đã chuyển cơ quan điều tra làm rõ dấu hiệu tội phạm. Qua công tác điều tra và tiếp nhận tố giác tội phạm đã phát hiện 02 vụ với 03 người có hành vi tham nhũng.
Về kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trong phạm vi theo dõi, quản lý của bộ ngành, địa phương: Trong kỳ đã khởi tố 09 vụ án, 17 bị can; xét xử sơ thẩm 07 vụ với 11 bị cáo; xét xử phúc thẩm 03 vụ/06 bị cáo. Hiện nay, còn 11 vụ/33 người đang xử lý và chưa có kết quả xét xử. Qua công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tỉnh đã thu hồi được 2.534.769.793 đồng số tài sản tham nhũng.
Ngoài ra, đối với các vụ án tham nhũng trên địa bàn không thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh, trong kỳ đã phát sinh 02 vụ tham nhũng đang được điều tra, chưa xét xử với số tài sản tham nhũng phát hiện là hơn 5,6 tỷ đồng.
Để xảy ra những vụ việc tham nhũng, nguyên nhân chủ yếu do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, sự thiếu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trong kỳ báo cáo, 03 lãnh đạo đã bị xử lý kỷ luật, 04 lãnh đạo bị xử lý hình sự và 03 lãnh đạo đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Vẫn tồn tại những vướng mắc, khó khăn trong công tác phòng chống, tham nhũng
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác PCTN. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN như tình trạng người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự nghiêm túc trong việc kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ. Ngoài ra, một số văn bản hướng dẫn cụ thể thực hiện luật PCTN vẫn còn chưa đầy đủ.
PCTN là một lĩnh vực với phạm vi rộng, vì vậy, cần phải có sự đồng lòng, tham gia của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân. Tình hình tham nhũng trong thời gian tới có thể sẽ theo xu hướng giảm về số vụ, tuy nhiên tính chất sẽ ngày càng phức tạp và tinh vi hơn bởi đối tượng tham nhũng trong các vụ việc gần đây thường là thành phần có trình độ cao, một số còn giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, được che giấu hoặc bao che dưới nhiều hình thức khác nhau, khó khăn cho công tác phát hiện và xử lý của các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, công tác quản lý các lĩnh vực như y tế, giáo dục, tài chính, xây dựng sẽ là những lĩnh vực có khả năng cao xảy ra tham nhũng do tính chất lợi ích lớn và sử dụng, quản lý nhiều kinh phí ngân sách.
Đồng thời, một số người đứng đầu của cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong chỉ đạo, chấn chỉnh, triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tác phong làm việc thiếu trách nhiệm, có biểu hiện của việc suy thoái đạo đức, tư tưởng chính trị, để xảy ra tình trạng tham nhũng ngay trong chính cơ quan, đơn vị đang công tác, bao che, che giấu các hành vi phạm tội trong nội bộ cơ quan, gây khó dễ cho công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý tham nhũng.
Vì vậy, trong thời gian tới, UBND tỉnh Tây Ninh đã chủ động đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng thực hiện nghiêm túc các nội dung PCTN theo Kế hoạch số 4333/KH-UBND ngày 02/12/2021 triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết số 03-NQ/TU của tỉnh Ủy và Kế hoạch số 5001/KH-UBND ngày 29/12/2021 của UBND tỉnh về công tác PCTN năm 2022. Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, hướng dẫn quy định pháp luật về PCTN cho các cơ quan, địa phương thực hiện; tăng cường công tác thanh tra theo kế hoạch; đảm bảo có trọng tâm và trọng điểm. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, địa phương thực hiện tốt công tác thẩm định, thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tài chính, ngân sách của các cơ quan, địa phương; chủ động kiểm tra nội bộ để ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt”.
Tiến hành chỉ đạo các Sở, ngành tiếp tục nghiên cứu pháp luật, xác định các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật, nhất là pháp luật về PCTN để kiến nghị, đề xuất những giải pháp tháo gỡ, khắc phục trong công tác PCTN. Riêng Thanh tra tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra theo kế hoạch thanh tra năm 2022 đã được phê duyệt, xây dựng và nâng cao chất lượng lực lượng thanh tra trên địa bàn tỉnh; đánh giá công tác PCTN theo Bộ Chỉ số của Thanh tra Chính phủ đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, làm cơ sở để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thời gian tới./.