Thanh Hóa: Chậm xử lý nhà, đất là do người đứng đầu e ngại, thiếu quyết liệt

Thứ năm, 07/11/2024 10:57
(ThanhtraVietNam) - Tiến độ xử lý nhà, đất dôi dư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn chậm được UBND tỉnh nhận định là do vướng mắc về thể chế, công tác quản lý nhà, đất có nơi còn lỏng lẻo, đặc biệt là do người đứng đầu còn tâm lý e ngại về thể chế, thiếu quyết liệt, chưa chủ động trong chỉ đạo xử lý.

Ông Nguyễn Ngọc Lương làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai

Sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp trong kiểm tra, giám sát phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố

Điều chỉnh dự toán và kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2024

Chống tham nhũng trong doanh nghiệp nhà nước: Bước đột phá từ các hướng dẫn của OECD

Thanh tra tỉnh Gia Lai kiến nghị thu hồi hơn 3,48 tỷ đồng sai phạm tại huyện Kông Chro

Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu của tổ chức tín dụng

Nhiều hạn chế, bất cập chưa được khắc phục

Nội dung sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm chỉ đạo với tinh thần quyết liệt, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn một số hạn chế, bất cập chưa được khắc phục. Cụ thể, tiến độ xử lý nhà, đất dôi dư theo các hình thức “Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, “Điều chuyển”, “Thu hồi” theo phương án đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu; nhiều công trình, trụ sở dôi dư sau sắp xếp còn đang bỏ trống, xuống cấp, hoang phế do bảo quản kém, gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị.

Hơn nữa, công tác quản lý nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị có lúc, có nơi còn lỏng lẻo. Điển hình là tình trạng thiếu hồ sơ nhà, đất, hồ sơ thiếu thông tin hoặc chưa được cập nhật, bổ sung thông tin trong quá trình quản lý, có nơi trong sổ sách và thực tế còn chênh lệch số liệu về diện tích, vị trí; một số cơ sở nhà, đất đang bị tổ chức, cá nhân khác lấn chiếm đất công; một số đơn vị cho thuê, mượn, sử dụng tài sản công không đúng quy định của pháp luật...

UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, tiến độ xử lý nhà, đất dôi dư chậm có nguyên nhân khách quan do vướng mắc về thể chế, như một số quy định của pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất mới được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung (Luật Đất đai năm 2024, Nghị định số 108/2024/NĐ-CP ngày 23/8/2024; Nghị định số 114/2024/NĐ-CP ngày 15/9/2024) hoặc đang chờ sửa đổi, bổ sung quy định.

Song UBND tỉnh Thanh Hóa thẳng thắn nhìn nhận, nguyên nhân chủ yếu là do một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác xử lý nhà, đất dôi dư. Đáng nói, người đứng đầu còn tâm lý e ngại về thể chế, thiếu quyết liệt, chưa chủ động trong chỉ đạo xử lý nhà, đất dôi dư trên địa bàn quản lý; một số địa phương chậm lập, trình duyệt điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, làm cho việc xử lý nhà, đất dôi dư chưa thể thực hiện được do không phù hợp với quy hoạch.

leftcenterrightdel
UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng để kịp thời phát hiện tình trạng “cho thuê”, “cho mượn” đất công không đúng quy định. (Ảnh: ITN) 

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát, giám sát

Để công tác quản lý, xử lý nhà, đất trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, tại Văn bản số 16098/UBND-KTTC về tăng cường công tác quản lý, xử lý nhà, đất trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao các sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Xây dựng, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, căn cứ quy định hiện hành chủ động hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sắp xếp lại, đảm bảo theo quy định và tiến độ thời gian yêu cầu; tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải quyết các đề xuất xử lý tài sản công dôi dư của địa phương, đơn vị, đảm bảo kịp thời, đúng quy định.

Đồng thời, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các ngành, đơn vị liên quan, khẩn trương thực hiện trình tự, thủ tục, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định chấm dứt hiệu lực của Quyết định số 28/2020/QĐ-UBND ngày 26/6/2020 và Quyết định số 03/2022/QĐ-UBND ngày 26/01/2022 của UBND tỉnh quy định về bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thanh Hóa theo hình thức đấu giá.

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát tất cả các khu đất, công trình có nguồn gốc của hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập đã giải thể, sau sáp nhập và các doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa nhưng doanh nghiệp chưa đưa vào báo cáo hiện trạng quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp hoặc cố tình bỏ sót, để ngoài sổ sách, báo cáo; việc chuyển sở hữu, “tư nhân hóa ngầm” đất công thông qua việc chuyển từ hợp đồng hợp tác kinh doanh theo tỷ lệ góp vốn và phân chia lãi lỗ, thành chuyển nhượng luôn khu đất sang tư nhân theo “quy trình tắt”, không công khai và không đấu giá.

Theo đó, xử lý nghiêm theo thẩm quyền, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không làm thất thoát ngân sách nhà nước hoặc tham mưu đề xuất, báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh biện pháp xử lý.

Mặt khác, kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng để kịp thời phát hiện tình trạng “cho thuê”, “cho mượn” đất công không đúng quy định (nếu có); tăng cường giám sát, kiểm tra việc sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, bảo đảm tuân thủ đúng phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tăng cường quản lý tài sản công là nhà, đất thuộc phạm vi quản lý. Trong đó, tổ chức thực hiện rà soát, kiểm tra, trích đo diện tích đất công ích, đất công là lòng ao, hồ, bãi bồi, đất đã giao hoặc tạm giao cho các tổ chức đoàn thể của địa phương, các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sử dụng, thuê mướn; rà soát hồ sơ quản lý nhà, đất dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Ngoài ra, kiểm tra các tài sản công đã cho thuê, kinh doanh; liên doanh, liên kết.

Riêng UBND các thành phố, thị xã: Thanh Hóa, Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Nghi Sơn tổ chức rà soát cơ sở nhà, đất của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc ngành dọc của Bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn. Trường hợp không có nhu cầu sử dụng toàn bộ nhà, đất hoặc chỉ cần sử dụng một phần diện tích đất thì tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định./.

Hoàng Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra