Bộ Tư pháp:

Thu hồi hơn 2,2 tỷ đồng tài sản tham nhũng

Thứ sáu, 02/06/2023 10:53
(ThanhtraVietNam) - Thời gian vừa qua, Ban cán sự đảng, Đảng ủy và Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã tập trung chỉ đạo triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC), tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức Bộ. Kết quả, 3 tháng đầu năm 2023 đã phát hiện trên 17,1 tỷ đồng tài sản tham nhũng, trong đó đã thu hồi hơn 2,2 tỷ đồng.

Ngay từ đầu năm, Ban cán sự đảng, Đảng ủy và lãnh đạo Bộ Tư pháp đã chỉ đạo sát sao công tác PCTN, TC, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách và đề cao ý thức chủ động của từng cán bộ, công chức trong công tác PCTN, TC. Ngày 05/01/2023, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 429-CV/BCSĐ đề nghị các tỉnh uỷ, thành uỷ, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương định kỳ hàng năm báo cáo về Bộ Tư pháp kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Bộ đã quán triệt nghiêm những chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN, TC tới từng công chức, người lao động của Bộ trong các buổi giao ban lãnh đạo Bộ cũng như cuộc họp giao ban định kỳ của các đơn vị, thông qua các buổi sinh hoạt Chi bộ, Đoàn Thanh niên. Trong Quý I năm 2023, Bộ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ thực hiện đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách tài sản và đầu tư công; thực hiện việc chuyển đổi 06 công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng.

Hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đều được thực hiện công khai, minh bạch dưới hình thức thông báo, phổ biến công khai trong các cuộc họp của Bộ và của từng đơn vị. Đồng thời, các đơn vị cũng thực hiện việc niêm yết công khai tại đơn vị. Trong trường hợp công chức có thắc mắc, kiến nghị, thủ trưởng đơn vị sẽ tiến hành giải quyết theo quy định.

leftcenterrightdel
 Trụ sở Bộ Tư pháp. Ảnh minh hoạ.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính bao gồm: cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính và xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang thực hiện hiệu quả việc quản lý văn bản trên phần mềm và chữ ký số. Các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục cập nhật thông tin dữ liệu vào chuyên trang thông tin của đơn vị mình để phục vụ công tác quản lý, tra cứu thông tin về các lĩnh vực công tác chuyên ngành thuộc thấm quyền quản lý của Bộ Tư pháp như: công tác bồi thường nhà nước, lý lịch tư pháp quốc gia, đấu giá tài sản, công chứng...

Bộ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; tra cứu, xác minh thông tin qua phần mềm tra cứu nhằm tạo thuận lợi cho công dân và hỗ trợ các Sở Tư pháp trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) và đảm bảo thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp theo quy định; thực hiện thí điểm giải pháp tự động hóa công tác xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp nhằm khắc phục tình trạng tồn đọng thông tin lý lịch tư pháp đảm bảo cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp chính xác, đầy đủ và kịp thời.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đã chỉ đạo các cơ quan trong Hệ thống Thi hành án dân sự (THADS) thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa trong giải quyết TTHC và dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC trong lĩnh vực THADS. Việc niêm yết công khai TTHC trong lĩnh vực THADS, triển khai thực hiện cơ chế một cửa và thực hiện dịch vụ bưu chính công ích trong lĩnh vực THADS đã góp phần tạo thuận lợi hơn cho người dân, tổ chức trong quá trình giải quyết TTHC tại các cơ quan THADS; tránh tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu tại các cơ quan hành chính.

Trong Quý I năm 2023, Bộ Tư pháp đã phát hiện 02 vụ việc tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động kiểm tra và tự kiểm tra; giải quyết 02 vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác PCTN, TCvà phát hiện 01 vụ việc tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động khác đều thuộc lĩnh vực THADS. Tổng số tiền, tài sản tham nhũng phát hiện được là trên 17,1 tỷ đồng, trong đó, đã thu hồi hơn 2,2 tỷ qua biện pháp hành chính.

Đáng chú ý, 3 tháng đầu năm, Bộ đã có 05 vụ việc tương ứng với 07 trường hợp vi phạm về công tác PCTN, cụ thế: ông Phạm Hoàng Hùng, nguyên Chi cục trưởng, bà Nguyễn Thị Ngọc, nguyên kế toán Chi cục THADS huyện Phong Điền, thành phố cần Thơ; ông Nguyễn Thiện Thảo, nguyên Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre; ông Nguyễn Văn Một, nguyên Chi cục trưởng, ông Nguyễn Việt Hùng, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre; bà Phan Thị Anh, thủ kho kiêm văn thư lưu trữ, thủ quỹ Chi cục THADS thành phố Đồng Hà, tỉnh Quảng Trị; bà Kim Thanh Hạnh, Chấp hành viên Cục THADS TP Hồ Chí Minh.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp đã đề ra những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể như sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy có hiệu quả vai trò của các tổ chức đoàn thể và của viên chức, người lao động trong công tác PCTN; xác định mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính; chủ động phát hiện và xử lý kịp thời những biểu hiện tiêu cực, hành vi vi phạm pháp luật của đảng viên, viên chức và người lao động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan THADS địa phương nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng.

Hai là, thực hiện việc tổng kết, đánh giá, rà soát và và lập danh mục những quy định pháp luật còn thiếu, sơ hở, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC. Thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về PCTN và các nhiệm vụ, chương trình của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC. Đa dạng hóa các hình thức, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, TC gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền các chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC theo hướng chuyên sâu, nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu. Tiếp tục đấy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành và xử lý công việc.

Ba là, gắn công tác PCTN, TC với việc thực hiện phong trào thi đua, nâng cao tinh thần trách nhiệm và phẩm chất, đạo đức của công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện đấu tranh PCTN, TC, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Đồng thời, thực hiện tốt công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường xây dựng, chính đốn đảng; ngăn chặn, đầy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ./.
Hà Tuấn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra